3 bí quyết siêu hay giúp cô bé 7 tuổi làm chủ ngôn ngữ Anh 

Trong hành trình đồng hành cùng con tự học tiếng Anh tại nhà, cái được lớn nhất của mình là sự gắn kết, thấu hiểu, và sự bình tâm trên con đường học tập của hai mẹ con. Thế là món quà quá lớn rồi.

Chào cả nhà, mình là Nga, là mẹ của bé Chích Bông 8 tuổi.

Hai mẹ con mình đã đồng hành cùng nhau hơn 3 năm theo con đường của BMyC rồi. Từ những ngày đầu, mình đã mê say tìm hiểu cách học, cách chơi với con. Có những đêm thức đến 2 giờ sáng chỉ để đào tường các nhà đi trước. Giờ nghĩ lại vẫn như mới ngày hôm qua!

Bí quyết siêu hay

1.Mình thấy niềm đam mê của mình đang được đền đáp rất ngọt ngào

1.1 Dấu mốc 1 năm

Sau một năm theo học lộ trình của BMyC, con bắt tay vào học thêm Acellus. Mình muốn con có nền tảng vững chắc nên mình cho con đi từ Grade K với hai môn Language và Social. Science thì con đã có thời gian làm quen nhiều ở các kênh YouTube nên mình cho đi từ Grade 1. Ngày con hoàn thành cả 3 môn và chính thức bước chân vào “lớp 1” mình vui lắm. 

2
Niềm đam mê của mình đang được đền đáp ngọt ngào

Thấy biết ơn Group BMyC và BMyC Đọc Sách Mỗi Ngày. Những ngày hè năm ngoái con cũng miệt mài nộp bài đọc sách cùng các bạn. Đến khi cán mốc 100 ngày thì quay về “ở ẩn”. Nhưng nơi này đã giúp mình hiểu được giá trị của việc duy trì đọc sách hàng ngày nó to lớn như thế nào.

1.2 Dấu mốc 2 năm

Vậy là tròn hai năm con theo học tại ngôi nhà BMyC. Thời gian trôi qua nhanh thật! Mục tiêu ngày đầu của mình là con có thể giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng sau hai năm hai mẹ con mình lại thu hoạch được nhiều hơn thế, nhiều hơn rất rất nhiều.

Như bao người mẹ bình thường khác, mình cũng có những nỗi lo cơm áo gạo tiền, cũng có những sở thích đàn đúm tán dóc cùng bè bạn, cũng có tính cách trì hoãn trong nhiều dự án của cuộc đời… Nhưng như họ, mình cũng yêu con vô bờ bến. Gia tài của mình không có gì khác ngoài con. Mình nghĩ rằng, một người mẹ không có nhiều thứ để cho con, lại không trang bị được cho con hành trang cơ bản khi bước vào đời, thì tình yêu của mẹ cũng chỉ dừng lại ở những câu nói mà thôi.

Trong hai năm qua, mình và con đã có thật nhiều kỉ niệm trên con đường chinh phục ngôn ngữ này. Những kỉ niệm dù vui hay buồn mình cũng đều gói ghém thật kỹ. Sau này già đi, mình sẽ lại đem ra ngắm nghía, để nhớ rằng mình cũng đã từng kiên trì, quyết tâm như thế cùng con.

Hai năm nhìn lại. Cái được lớn nhất là sự gắn kết, thấu hiểu của hai mẹ con. Là sự bình tâm trên con đường học tập của cả con và cả mẹ. Thế cũng là món quà quá lớn rồi.

1.3 Dấu mốc 3 năm

Mấy hôm nay Chích Bông đang làm quen với món Ted talks. Mình đang trong giai đoạn cao điểm về công việc, không thể hỗ trợ bạn ấy nhiều được. Mình chỉ hướng dẫn cho bạn ấy cách làm, còn con phải tự lên mạng tìm thông tin, tự take note và tự quay video để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo. Hơn 3 năm về trước, bạn ấy cũng chỉ là một em bé học vỡ lòng ABC. Nay con đã có thể tự làm được những việc ấy, mình thấy niềm đam mê của mình đang được đền đáp rất ngọt ngào rồi.

A hot dog for kindness_ bé Hoàng Thảo Nguyên

Đến nay, mình vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê được đồng hành cùng con mỗi ngày như thế. Được nhìn con tiến bộ mỗi ngày đối với mình là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Nhiều khi rảnh quá, ngồi tưởng tượng có thể sau này mình sẽ đồng hành với cả cháu ngoại của mình đấy chứ (cười lớn).

2. Làm sao để con có thể lồng tiếng video hay?

Một trong những mẹo hay giúp Chích Bông có ngữ điệu và phát âm tiếng Anh chuẩn như bây giờ chính là thực hành phương pháp lồng tiếng.

Các bố mẹ ở Group BMyC hẳn không xa lạ gì với phương pháp học tiếng Anh bằng cách này đúng không? Nhà mình cũng đã có thâm niên gần 3 năm lồng tiếng. Tuy không phải là thực hành hàng ngày, nhưng cũng làm không ít video rồi, tạm gọi là “cũng có kinh nghiệm”. 

Nay mình tổng kết lại một số bước trong cách làm của nhà mình như sau:

  • Bước 1: Chọn phim tiếng Anh

Đây là bước quan trọng mình xem là hàng đầu. Bước này cần thoả mãn hai tiêu chí:

– Phù hợp khả năng

– Phù hợp với sở thích

Bố mẹ tuỳ thuộc vào độ tuổi, trình độ để tìm các video đúng với khả năng của con. Nếu theo lộ trình của BMyC, các con đã được thiết kế sẵn rồi. Vì vậy bố mẹ chỉ cần hướng dẫn các con đi theo lộ trình đó thôi.

Còn với sở thích, mình thấy cứ phải thích thì con mới thổi hồn vào bài lồng tiếng được. 

3
Chọn video phù hợp sở thích của con
  • Bước 2: Nghe – Nghe – Nghe – Và nghe nhiều tiếng Anh

Nghe thì nhà mình áp dụng cả hai cách nghe truyền thống:

– Nghe chủ động: Nghe kết hợp xem, có sự chú ý vào bài nghe.– Nghe thụ động: Cho con nghe qua loa nội dung video đó khi con chơi, tắm, ăn..

Nghe để ghi nhớ lời thoại, để ngấm cách phát âm, cách nhấn nhá, ngắt nghỉ của từng câu thoại. Dù khả năng ghi nhớ của con có tốt đến như thế nào thì theo mình cũng không nên xem nhẹ bước này.

  • Bước 3: Tập nói theo file mẫu

Bước này là con vừa nghe vừa nói đuổi cùng thoại của các nhân vật. Ban đầu có thể bật phụ đề để con đọc theo, rồi dần dần tiến đến việc nói theo mà không cần nhìn phụ đề nữa.

  • Bước 4: Tự nói thành bài tiếng Anh hoàn chỉnh

Nghe – nói đuổi tiếng Anh nhiều rồi thì cũng đến lúc con ghi nhớ được thoại phim. Lúc này con sẽ nhìn hình ảnh và khẩu hình của các nhân vật để tự lồng tiếng. Mình thường hay khuyến khích con lồng ghép cảm xúc của mình vào nữa. Con được nói theo cách của con, thể hiện tình cảm của nhân vật theo cách con cảm nhận, mình thấy bước này giúp cảm xúc của con thăng hoa lắm.

3. Xây dựng tình yêu với sách tiếng Anh cho con

Lợi ích của việc đọc sách thì có lẽ ai cũng biết rồi. Ở đây mình chỉ xin phép được đưa ra một số gợi ý cho câu hỏi:

Làm sao để xây dựng được tình yêu với sách ngay từ khi con còn nhỏ?

Không có gì tự nhiên mà đến. Khi bạn nhìn thấy một em bé 5 tuổi ôm và nghiền ngẫm một quyển sách, bạn hãy nhớ rằng đó là kết quả của một quá trình xây dựng tình yêu sách cho con.

3.1 Trẻ đọc sách càng sớm càng tốt

Mình đã đồng hành đọc sách tiếng Anh với Chích Bông từ rất sớm. Đây là bí quyết thứ 2 giúp con có vốn từ vựng và các cấu trúc câu càng ngày càng nhiều lên.

4
Tạo cho con tình yêu với sách

Trẻ nên được bố mẹ hướng đến việc đọc sách càng sớm càng tốt. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay từ khi trong bụng mẹ, con đã có thể cảm nhận được những tình cảm mà người mẹ truyền đạt cho con thông qua những quyển sách. Khi con dùng tay với lấy sách để gặm, nhấm, xé… ấy cũng là lúc con đang cảm nhận sách theo cách của riêng con. 

3.2 Con nên bắt đầu đọc những cuốn sách nào?

Câu trả lời sẽ là tùy vào độ tuổi của con để lựa chọn. Với những em bé từ 0 đến 6 tuổi, chúng ta nên ưu tiên những quyển sách nhiều tranh, nội dung đơn giản và phù hợp với sở thích của con. 

Cách bố mẹ “rủ rê” cũng có tác động rất lớn đến sự hào hứng của con. Ví dụ, khi bố mẹ bảo “con ơi, mình đọc sách nhé”, tác dụng sẽ khác với câu “con ơi, xem ở đây có nàng tên cá đẹp chưa này, y như trong phim luôn ấy”. Đấy chính là tiếp cận từ những cái con thích trước, rồi từ đó mới dần dần mở rộng ra nội dung câu chuyện.

Hãy tạo cho con một không gian yên tĩnh, thoải mái nhất có thể, đủ để níu giữ chân con ở lại với những bạn sách thân yêu. Những cuốn sách nên nằm trong tầm với của con, giúp con có thể chủ động lựa chọn mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ.

Bố mẹ cũng nên là người yêu sách, vì chúng ta là “thần tượng” của các con, và trẻ có xu hướng học theo những thói quen của bố mẹ. Hãy dạy cho trẻ biết, các bạn sách cũng có cảm xúc, biết vui khi con trân quý, biết buồn nếu con không giữ gìn.

Xanh duong Cac thanh phan Cung kich thuoc Gia lap Cong nghe trong Giao duc Ban thuyet trinh Cong nghe 900 × 510
Con tham gia ” BMyC Đọc Sách Mỗi Ngày”

Hãy đặt lên giá sách của con những cuốn sách phù hợp và trao cho con quyền lựa chọn cái mà con muốn đọc ở trên đó. Đôi khi chúng ta phát chán lên vì con chỉ chọn một cuốn sách nào đó và đọc quá nhiều lần. Bởi muốn con đọc sang những cuốn khác bởi vì tất cả chúng đều hay và bổ ích. Nhưng hãy nhớ rằng, trí tưởng tượng của trẻ con rất phong phú, mỗi lần đọc là một cuộc phiêu lưu mới với con, hãy tôn trọng điều đó. Đừng chạy theo số lượng, hãy quan tâm nhiều hơn đến chất lượng.

Để giúp con hiểu sâu hơn nội dung, thông điệp của câu chuyện, sau khi đọc xong mình có những câu hỏi tương tác, gợi mở, đưa ra tình huống và giúp con rút ra bài học. Các câu hỏi có thể là: Con thích bạn nào nhất? Vì sao con thích bạn ấy nhất? Con nghĩ bạn ấy làm thế là đúng hay sai? Nếu là con thì con sẽ làm thế nào? Nếu là con thì con sẽ cảm thấy như thế nào?…

Việc một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ tạo thành thói quen. Vì vậy để tạo thói quen đọc sách cho con, mình đã duy trì đều đặn mỗi ngày. 

Công việc cuối cùng sau khi đọc một cuốn sách là trả bạn sách về chỗ cũ. Bố mẹ có thể nói rằng “bạn sách buồn ngủ rồi đấy, con cho bạn về nhà ngủ đi”. Sau đấy, hãy ôm hôn và khen ngợi con “hôm nay con đã duy trì được một thói quen tốt, mình gắn sao rồi đi ngủ nhé. Bố/Mẹ yêu con”.

4. Cách tạo môi trường để con giao tiếp tiếng Anh

4.1 Đi chơi và tìm người nước ngoài cho con nói chuyện

Bí quyết thứ 3 để làm chủ tiếng Anh của Chích Bông chính là có môi trường để giao tiếp. Mình đã làm như thế nào để con được thực hành nói tiếng Anh?

Mẹ con mình rất thích đi chơi. Nhân tiện sau khoảng một năm, khi Chích Bông học đến level 3, con có nhu cầu nói tiếng Anh nhiều hơn mà mình lại không thể nói được cùng con, mình lên kế hoạch đưa con đi, vừa để cho con trải nghiệm cuộc sống, vừa tìm bạn nước ngoài để nói chuyện.

Cứ mỗi một tháng, mẹ con mình lại xách Balô lên và đi. Từ Huế, Đà Nẵng, Hà Nội..nhưng nhiều nhất là Huế vì đây là nơi gần nhất để mẹ con mình dễ dàng đi chơi và tìm kiếm người nước ngoài.

Có một lần ngồi chờ ở ga Huế, mình nhìn thấy có một vị khách nước ngoài người Úc, mình “xui” con lại nói chuyện với bà ấy. Con e ngại nên không chịu. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, mình lại gần bắt chuyện để con thấy rằng, mẹ dù không biết tiếng Anh vẫn làm được.

Vị khách nước ngoài rất thân thiện, tạo điều kiện để có thể nói chuyện với con nhiều hơn.

Sau lần đó, mình dặn con chuẩn bị những điều muốn nói để lần sau có thể trò chuyện tốt hơn.

6
Tìm kiếm người nước ngoài để con nói chuyện, tăng khả năng giao tiếp

Nhờ những chuyến đi trải nghiệm và va đập với nhiều vị khách nước ngoài, con dần trở nên tự tin và dạn dĩ hơn trước. Rồi dịch Covid chợt ập đến, mẹ con mình không thể đi chơi xa nên việc tiếp cận với người nước ngoài cũng khó hơn.

4.2 Tìm bạn Zoom nói chuyện với con

Đúng lúc đó, chị Hằng Nguyễn ở Nha Trang có ý tưởng cho các bạn nhỏ zoom với nhau, tạo môi trường cho các con giao tiếp tiếng Anh mà không cần phải đi đâu xa. May mắn con gái mình kết bạn với bạn Naris (con gái mẹ Lê Xuân Viện). Các con có thể trò chuyện với nhau rất lâu, không hề thấy chán. Nhờ đó việc giao tiếp tiếng Anh thường xuyên được duy trì cho đến tận bây giờ.

5. Để việc đồng hành tự học tiếng Anh cùng con không còn là cuộc chiến

5.1 Mình từng yêu cầu con lớn hơn độ tuổi

Học với con dễ “tăng xông” lắm, chắc hẳn nhiều bố mẹ đồng ý với mình đúng không?

Chứ gì nữa! Thử hỏi mới bảo nó làm cho mẹ cái việc A này, quay lưng đi nó đem BCD ra làm.

Hay là kêu nó tập trung vào bài này, gọi 5 tiếng mắt nó vẫn đang liếc sang cái IPad của đứa em ngồi bên cạnh…v..v.

Mình cũng từng như vậy đấy. Kể ra ở đây là nói giảm nói tránh rồi, chứ thực tế nó còn phũ phàng cay đắng hơn.

Nhưng tối nằm ngủ vắt tay lên trán suy nghĩ lại. Thật ra những biểu hiện đó đều dễ dàng nhìn thấy được ở bất cứ bạn bé nào trong cùng độ tuổi. Vậy hóa ra, là mình không đủ tinh tế, không đủ khéo léo trong việc đồng hành cùng con mất rồi. Mình đang yêu cầu con  nó phải “lớn” hơn so với tuổi.

5.2 Thay đổi bản thân để việc học với con vui vẻ, nhẹ nhàng

Biết sai rồi thì phải thay đổi thôi!

Điều đầu tiên tác động tích cực đến mình đấy chính là cộng đồng BMyC. Ở đấy hàng ngày mình vẫn nhìn thấy được rất nhiều tấm gương sáng chói của các bà mẹ siêu nhân. Người xưa vẫn bảo “Đi với Phật thì mặc áo cà sa”, mình thấy đúng với bản thân mình trong hoàn cảnh này.

Thứ hai, mình đọc được ở đâu đó bài chia sẻ: Hãy học cách im lặng khi cơn giận đến. Và mình thấy cách này rất hay. Đại loại rằng, im lặng cũng là lúc não bộ được nghỉ ngơi. Chỉ cần não bộ được nghỉ ngơi 2 phút, mình sẽ có những quyết định sáng suốt hơn trong hành  xử. Đấy, 2 phút nghỉ ngơi của não bộ để mình có hình ảnh long lanh như một bà tiên trong mắt con, lời quá còn gì.

5
Thau đổi bản thân để đồng hành cùng con vui vẻ hơn

Ngày một ít, mình thay đổi theo hướng tích cực hơn. Việc học với con cũng vui vẻ, nhẹ nhàng rất nhiều.

Chắc hẳn ở đây các bố mẹ cũng có những câu chuyện của riêng mình trong việc thay đổi bản thân, kiểm soát cảm xúc khi đồng hành cùng con. Mình mong đó đều là những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bởi vì khi đặt chân vào con đường này, chúng ta đều mong muốn tìm đến sự an yên trong sự nghiệp giáo dục con cái, có đúng không các bố mẹ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688