Làm thế nào để con vui vẻ nghe lời khi cùng mẹ học tiếng Anh?

Chỉ khi thấu hiểu con, biết con cần gì và muốn gì sau đó khéo léo dẫn dắt thì mọi yêu cầu của mẹ, con sẽ nghe lời vô điều kiện.

photo 6224119988520857879 y
Chia sẻ của chị Minh Huệ (Hải Phòng)

Nhận định này của chị Huệ khá ấn tượng. Nó không chỉ ứng dụng được trong cuộc sống nói chung mà còn cả việc đồng hành học tiếng Anh cùng con nói riêng. Là mẹ của một em bé siêu tinh nghịch, chị Huệ đã từng rất nản lòng, từng cho rằng con không có năng khiếu nhưng nhờ sự kiên trì và linh hoạt trong tương tác với con, cuối cùng hai mẹ con cũng đạt được những thành quả nhất định.

Đặc biệt là chị Huệ còn chia sẻ rất nhiều bài viết thú vị trong group BMyC về chủ đề tạo trò chơi cho các em bé hiếu động.

Cảm thấy những chia sẻ của chị Huệ quá hữu ích, BMyC đã không ngần ngại liên hệ ngay với chị Huệ để nhờ chị trao đổi thêm về những kinh nghiệm đồng hành cùng con.

————

BMyC: Chào chị, chị có thể giới thiệu qua một chút về bản thân không?

Chị Huệ (fb Nguyễn Thị Minh Huệ): Xin chào BMyC, mình là Huệ. Mình đang là giám đốc Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Tử Tế Cát Tường chuyên về nuôi trồng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Còn trước đây, mình từng là một giáo viên mầm non.

BMyC: Vâng, BMyC cũng đã biết về công việc trước đây của chị thông qua các bài chia sẻ về chuyên môn mầm non. Các bài viết rất hữu ích và thú vị ạ. Từng là một giáo viên mầm non và cũng biết về giáo dục sớm, chắc chị đã quan tâm tìm hiểu từ sớm để con bắt đầu học tiếng Anh từ 3 tuổi phải không ạ?

Chị Huệ: Đúng rồi. Thật ra thì trước đây mình từng không tin con 3 tuổi đã có thể học tiếng Anh nhưng sau khi kiên trì đồng hành cùng con thì những nghi hoặc ngày xưa không còn nữa. Tuy nhiên, các con 3,4 tuổi vẫn chưa có khái niệm gì sâu sắc về việc học. Cho nên khi học cùng mẹ, mẹ chẳng thể đánh mắng bắt buộc con học mà được. 

BMyC: Vậy khi đó, chị đã làm như thế nào để con vẫn học được tiếng Anh theo định hướng của mẹ?

Chị Huệ: Mình sẽ cho con tự lựa chọn cách thức học. Mẹ con mình mang bàn ra gốc cây cạnh bờ ao, vừa quan sát vừa áp dụng mẫu câu hỏi 5W1H (Ai, Tại sao, Cái gì, Khi nào, Ở đâu, Như thế nào) để tương tác bằng tiếng Anh về mọi thứ xung quanh. Hỏi con từ cái lá, cây cỏ, con sâu, con chó nhà hàng xóm, con mèo, con gà đực gà mái ở vườn, màu sắc, cảm xúc no, đói, vui buồn.

chi Hue 8
Chị Huệ thường viết bài chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con học tiếng Anh.

BMyC: Wow, rất sáng tạo và gần gũi. Vậy bé nhà mình có tính cách như thế nào? Trong quá trình đồng hành cùng bé, chị có gặp khó khăn nào không?

Chị Huệ: Bạn dê nhà mình rất hiếu động. Con đi học lúc nào cũng bị cô giáo chê hư, nghịch, khó bảo. Từ khi lớn, biết tự đi tự chơi, chưa bao giờ con ngơi nghỉ chân tay. Đặc biệt con không thích chơi một mình. Vậy nên mẹ rất khó khăn khi cho con ngồi vào bàn học, dù chỉ một phút. 

Không chỉ có thế, chưa bao giờ con cho mẹ ngồi bên chị dù chỉ một lần trong đời. Nếu thấy mẹ ngồi hướng dẫn chị là con xông vào giật sách, xé sách, ném đồ của chị… rồi bắt mẹ chơi cùng. 

Nếu mẹ không có nhà thì gần như không ai nói được. Con nằng nặc bắt chị chơi cùng làm chị không có cách nào học bài. Nhiều khi mẹ đi vắng, chị mếu máo vì sợ không làm được bài tập thì ngày mai cô phạt.

Cũng chính vì hiếu động quá nên chiến tích đi học về là khoe bị cô đánh. Con luôn luôn nhận “mẹ ơi con hư” mặc dù mẹ chưa bao giờ mắng con hư. Bởi dù sao thì mẹ cũng biết cá tính của con khác biệt thôi chứ không hư.

Đối với các mẹ khác thì con nghịch, ham chơi là học tập khó khăn lắm. Nhà mình cũng nghĩ vậy. Chính bởi cái lý do con quá nghịch, hiếu động mà hẳn một năm trời hai mẹ con vẫn bì bõm trong Basic. 

BMyC: Đồng hành cùng em bé nghịch ngợm này cũng mệt ghê chị nhỉ. Vậy sau đó, chị đã làm thế nào để 2 mẹ con cùng tiến bộ?

Chị Huệ: Ban đầu thì mình không chịu nhận trách nhiệm về bản thân rằng con không học được là do chính mẹ.

Nhưng sau này thì mình dần học được cách thay đổi bản thân. Mình bắt đầu giảm bớt công việc và tìm cách dành nhiều thời gian cho con. Mình học cách quản trị cảm xúc tốt hơn bằng cách giảm kỳ vọng vào con, bình tĩnh duy trì chơi và học cùng con đều đặn mỗi ngày không ngắt quãng. 

Mình không cần quan tâm hôm nay con nhớ được gì bởi đồng hành cùng con là cả một quá trình dài nên không ép bản thân và cũng không ép con phải áp lực. Con không thích không hợp tác thì cho con 50% thực hiện theo ý con nhưng lồng ghép 50% theo ý mẹ. Tất cả những yêu cầu thay đổi của con, mình không từ chối một yêu cầu nào. Quan điểm của mình khi đồng hành cùng con là không phải mặc kệ con với cái con thích mà chơi cùng con với trò chơi con thích và tìm cách xen lẫn nội dung học mẹ cần.

Nhờ vậy mà mình cũng nhận ra con nghịch con ham chơi là một lợi thế vô cùng to lớn trong việc chơi game ngôn ngữ. Sau 1 tháng duy trì, bây giờ con đã có thể ngồi vào bàn học khoảng 1 tiếng liền chứ không phải chỉ 1 phút nữa. App Phonic ngày xưa con không thích, cô nhắc bài tới luyện app đều không là mẹ lặn mất không dám trả lời. Ngày xưa con không thích bao nhiêu thì giờ con mở ra chơi rất hào hứng bấy nhiêu. Mở miệng ra là con chỉ nói đến đọc sách và chơi app, thậm chí bắt chị kể chuyện tiếng Anh cho nghe trước khi ngủ.

Mẹ bày ra một nghìn trò thì con hợp tác chơi đủ cả mà không ngờ con bị “lừa” vào những trò toàn chữ và số đếm hay câu chuyện. Bây giờ task về là con và mẹ cứ chạy băng băng, không sợ cô nhắc nhở như trước nữa.

BMyC: Ồ, chị đúng là một bà mẹ sáng tạo và chịu khó bày trò chơi cho con. BMyC tò mò là cụ thể hai mẹ con đã chơi những trò gì, chị có thể chia sẻ kĩ hơn được không?

Chị Huệ: Uhm, mình có đọc một số nghiên cứu của bác sĩ nhà giáo dục Maria Montessori thì được biết trẻ nhỏ dưới 6 tuổi học tập và tiếp thu tích cực khi được gần gũi thiên nhiên, ưa khám phá, thích các hoạt động có mục đích… Thế nên mình cũng dựa vào những đặc điểm đó để nghĩ trò chơi cho con. Chẳng hạn:

Câu cá: cá cắn hết một mồi câu thì con đọc một lần. Cái này nhanh vô cùng vì ao nhiều cá, mà mồi thì bằng hạt cơm. Con mà không đọc giỏi thì con cá sẽ ăn cơm giỏi hơn con.

Đánh cờ Vua: đánh xong một ván cờ, con đọc một bài. Mẹ động viên con chơi rất thông minh, bởi vì con đọc sách giỏi. Vậy là cứ vài phút con thắng thì lại thêm một lần đọc. Trong 30 phút, con phải đọc tới cả hơn chục lần. Chính vì vậy mà mẹ không ép con học, con cũng tự thuộc.

Đi bộ ra cánh đồng: vừa đi vừa nhìn bên đường tìm cách tương tác. Chỉ với mỗi câu hỏi. What can you see? What do you see? What color? Short or long? Big or small? In the sky, in the water, run, ran, over the log, jump up,  jump over…. Trên đường đi tiếng cười không ngớt. File nghe mang đi theo bật loạn lên, bài nào cần con trả task trước thì bật lặp lại. Hỏi mệt rồi thì mẹ đọc theo file, giả vờ đọc sai còn giãy lên phản ứng bắt mẹ đọc lại.

Rất nhiều hoạt động có thể làm, chỉ sợ mẹ không dám từ bỏ thú vui bận rộn vô ích xung quanh để đồng hành cùng con thôi.

Bảo sao, mới đồng hành cùng con đều đặn tháng nay, mà đến giờ này mình như mơ khi con tự thoả thuận để được học:

Thích đi chơi thì nói: mẹ ơi, mình vừa đi dạo vừa học nhé!

Thích đá bóng: mẹ ơi,  mẹ chơi cùng con đi! Mình vừa đá bóng vừa nói tiếng Anh nhé.

Thích chơi trốn tìm: mẹ đếm bằng tiếng Anh, mẹ tìm con bằng tiếng Anh nha.

Không thích đi ngủ sớm cũng mặc cả: mẹ ơi, đừng ngủ nhé, mình đọc sách đi mẹ! Đọc xong vài bài, mỏi mắt là lăn ra ngủ.

chi Hue 7
Chị Huệ chia sẻ cách tương tác tiếng Anh cùng con trai.

BMyC: Các trò chơi của chị đúng là rất phong phú và rất phù hợp để tương tác tiếng Anh với con. Càng nghe chị chia sẻ thì BMyC càng ngưỡng mộ chị. Đúng là BMyC đã cung cấp lộ trình nhưng để vận dụng sáng tạo thì chỉ có các mẹ trực tiếp đồng hành cùng con, hiểu con mới làm được.

Chị Huệ: Đúng là như vậy. Mẹ là người bên con mỗi ngày, hiểu cá tính của con nên muốn con học hiệu quả thì mẹ không thể lười được.

BMyC: Vâng. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ khác trong group lại chưa thể bày trò chơi để tương tác hiệu quả với con. BMyC nhận được nhiều phản hồi rằng các mẹ dù đã chịu khó bày trò chơi nhưng nhiều con không thể nhớ bài hoặc không tương tác đúng ý mẹ. Dựa vào chuyên môn mầm non của mình, chị có gợi ý gì cho các mẹ trong group không?

Chị Huệ: Đối với những bạn nhỏ từ 2-5 tuổi. Để giúp con ghi nhớ số đếm, nhớ chữ cái, hay các hoạt động cơ bản trong bài hát, các mẹ thường sẽ tìm các trò chơi xem kẽ vào để chơi cùng con. Đó là điều rất đúng, Trẻ mầm non chỉ có một cách dạy học hiệu quả nhất đó là phương pháp dạy học tích cực.

Mình thấy có rất nhiều mẹ than thở rằng: đã cùng con chơi rất nhiều trò chơi lồng ghép với chữ cái hoặc số đếm, mà sao con vẫn không tiếp thu được. Con trở nên ghét học số, ghét học chữ cái và phản kháng mỗi khi nhắc đến học.

Hoặc con rất thích chơi trò chơi, nhưng khi hỏi lại số đếm hoặc chữ cái thì gần như con không nhớ gì. Và mẹ cho rằng bày trò chơi cho con học là không hiệu quả. 

Vấn đề có thể là kỹ thuật thiết lập trò chơi của bố mẹ chưa đúng. 

Vấn đề thứ nhất, kỹ thuật đưa ra tình huống chưa đúng: Tình huống cần xác định tiêu điểm là gì để gắn bài học và đúng tiêu điểm đó, tránh để nội dung học ở tiêu điểm phụ.

Mình lấy ví dụ mẹ muốn lồng ghép học chữ cái vào hoạt động vẽ. Mẹ in cho con hình con thỏ, con mèo, hay bàn chân bàn tay, bên trong hình đó mẹ đặt chữ L vào để cho con tương tác. Trong khi tô màu, con rất hào hứng tô cả một giờ đồng hồ mà cuối cùng hỏi đây là letter gì, con sẽ hoàn toàn không để tâm và không nhớ.

Ở đây, kỹ thuật tạo trò chơi chưa đúng. Bởi khi con tô màu thì điều mà con tập trung là con thỏ, tô thật đẹp cho con thỏ, hình dáng tác động và trung khu não bộ mà con tiếp cận chính là: Con thỏ. Theo chuyên môn mầm non của mình thì mẹ đang dạy trẻ học về con thỏ. Chữ L gắn trên con thỏ đó là vô ích. Con sẽ không tập trung ghi nhớ chữ L.

Thay vì vẽ con thỏ, mẹ hãy vẽ Một Chữ L lớn. Phía trên gắn đầu con gà, phía dưới gắn cái đuôi con gà rồi đưa cho con tô màu. Chắc chắn con sẽ rất thích thú.

Nếu muốn lồng ghép học chữ cái vào trò chơi Ném Bóng, mẹ không nên dán chữ số vào trái bóng vì trái bóng là phần động, con không tập trung cao độ vào đó khi chơi, con sẽ không nhớ nội dung mẹ cần dạy. Tiêu điểm tập trung của trò chơi Ném Bóng chính là đích ném. Vậy nên các chữ cái và số đếm nên dán trên tường để làm đích ném. Khi ném con sẽ tập trung nhắm vào đích. Mẹ cùng chơi với con mỗi khi con chuẩn bị ném thì hô lớn tiếng “Đích con cần ném là Letter A,B,C….” Ngược lại, mẹ thi ném với con khi mẹ ném thì cũng hô lớn. Ánh mắt con sẽ chú tâm vào chữ cái, xem mẹ có ném trúng không.

Vấn đề thứ hai là kỹ thuật đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: Hoạt động chơi phải hợp lý để mẹ dễ dàng đặt câu hỏi xoáy sâu vào nội dung học. Nếu trò chơi và câu hỏi không gắn liền nhau thì con sẽ không hợp tác trả lời: Ví dụ đang tô màu con thỏ mà mẹ hỏi letter thì đó là chưa hợp lý.

Trong trường hợp này, mẹ sẽ vừa cho con tô màu vừa đặt câu hỏi tương tác:

  • Con nhìn xem con gà này có giống con gà nhà mình không?
  • Vậy nó giống cái gì nào?
  • Con nhìn lại xem, nó có giống Letter L không nhỉ?
  • Con có thích letter L không? (giúp con quan sát lại rồi trả lời thích hay không thích)

Có thể con sẽ hỏi vì sao cái bụng con gà nó dài ra như vậy mẹ? Câu trả lời của mẹ cần linh hoạt gắn vào nội dung học tập mẹ cần nhấn mạnh cho con. Vì bạn gà ấy thích letter L nên mỗi sáng sớm bạn ấy tập thể dục cho thân dài ra nhìn giống như Chữ L vậy đó.

Làm như vậy thì mình tin rằng chỉ chơi khoảng 3-4 ngày là con dễ dàng ghi nhớ chữ tự nhiên. Đó chắc chắn là điều đạt được với mọi đứa trẻ. 

chi hue 6
Bài chia sẻ của chị với các thành viên Group BMyC.

BMyC: Wow, chị phân tích về kỹ thuật tạo trò chơi rất chi tiết và các mẹo cũng rất hay ho, BMyC thiết nghĩ các bố mẹ khác hẳn rất cần những chia sẻ này. Vậy nếu có một điều chị muốn gửi gắm tới các bố mẹ khác khi bắt đầu đồng hành cùng con, điều đó sẽ là gì?

Chị Huệ: Với các bố mẹ đang ở điểm xuất phát, mình muốn nói rằng nếu chặng đường của hai bố/mẹ con có đôi chút gian nan, các mẹ hãy học lại cách làm 3 bước và 4 yếu tố thành công của BMyC để một lần nữa chỉnh lại nhận thức của bản thân về việc đồng hành cùng con.

Quan trọng hơn cả là ở BMyC, chúng ta có cả một đại gia đình tâm huyết với con:

  • Khi không có cách làm thì giờ đây cách làm đã được mọi người chỉ rõ.
  • Không biết cách chơi thì cách chơi cũng được chỉ rõ.
  • Không phải một cách mà nhiều cách tương ứng với nhiều cá tính riêng biệt của các con.
  • Không biết quản trị cảm xúc thì đã có người chia sẻ các quản lý cảm xúc.

Vì vậy, hãy vững tin và kiên trì tiến lên phía trước, các bố mẹ nhé.

Chúc các bố mẹ và các con có những giờ phút học tập thư giãn mà vẫn hiệu quả.

BMyC: Cám ơn chị rất nhiều vì những chia sẻ thú vị và hữu ích! Chúc chị một ngày tốt lành.

One thought on “Làm thế nào để con vui vẻ nghe lời khi cùng mẹ học tiếng Anh?

  1. Pingback: 7 cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688