Nhắc tới chị Hằng Nguyễn (Facebook : Hằng Nguyễn ), cả cộng đồng BMyC đều nhìn thấy sự nỗ lực, kiên trì của chị trong hành trình đồng hành giúp con song ngữ. Thành quả là hai bạn nhỏ nhà chị đã sắp hoàn thành mốc đa ngôn ngữ sớm hơn dự kiến. Ban đầu, khi bước chân vào con đường đồng hành cùng con, mục tiêu đề ra là thuần thục Việt-Anh-Trung ở cấp tiểu học. Ở thời điểm hiện tại, Đức Anh lớp 4 và Quỳnh Anh lớp 2 đã trưởng thành, chứng tỏ khả năng cũng như độ chín với tiếng Anh với các chứng chỉ Quốc tế vượt độ tuổi, có những thành tích tốt với ngôn ngữ Anh. Riêng tiếng Trung cũng đã đi hết nửa chặng đường, đang chuyển sang giai đoạn giao tiếp hằng ngày bằng ngôn ngữ mới.
Nội dung chính
- 1. Từ bỏ sự nghiệp đang phát triển, chọn BMyC là bến đỗ. Coi việc đồng hành cùng con là sự nghiệp vĩ đại của một người mẹ.
- 2. Chồng không ủng hộ học online, nghĩ hội nhóm giáo dục online là lừa đảo. Chị kiên định đăng ký và “âm thầm” đồng hành cùng con!
- 3. Mẹ gà tiếng Anh đồng hành cùng con tự học thế nào?
- 4. Con lười, con bướng, con không hợp tác…không quan trọng, chỉ sợ cha mẹ lười mà thôi.
- 5. Chỉ cần 1 phương pháp đúng, tài liệu bài bản và quyết tâm thực sự của cha mẹ, đủ 3 yếu tố kết quả ắt phải đến.
- 6. Vì sao BMyC là một phần cực kỳ quan trọng với mình?
- 7. Gặt hái “quả ngọt” cùng con sau 2 năm chiến đấu đồng hành cùng BMyC.
1. Từ bỏ sự nghiệp đang phát triển, chọn BMyC là bến đỗ. Coi việc đồng hành cùng con là sự nghiệp vĩ đại của một người mẹ.
Trước khi làm ở vị trí thư ký tổng hợp của Tổng công ty CP Oseven và Quản lý kinh doanh vùng Đông Nam Bộ (tương đương Giám đốc kinh doanh vùng), chị Hằng cũng bắt đầu từ nhân viên Sale rất bình thường. Xuất thân từ chuyên ngành Marketing và kinh nghiệm 2 năm làm việc tại Phòng kinh doanh Viettel khi còn là sinh viên cùng khả năng nhạy bén, xông xáo trong công việc, khả năng nắm bắt thị trường tốt đã giúp chị phát triển nghề nghiệp trong thời gian ngắn. Chỉ 3 tháng làm việc, từ một sale tầm thường được mời vào họp với 8 giám đốc vùng, lý do đưa được 1 thị trường 500 triệu lên mốc 5 tỉ. Chị chấm dứt vai trò sale để bước vào vị trí mới, gắn bó với Oseven ổn định và đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ rời bỏ.
Chị đã tìm thấy chính mình tại công ty đấy, và tìm được ý nghĩa của 1 công việc thực sự. Gắn bó tâm huyết và tuổi trẻ ở đó, chỉ buộc phải ra đi vì con ngày càng lớn và cần ở gần bố.
Từ bỏ công việc yêu thích, Chị Hằng Nguyễn đã từng mở trường mầm non chỉ vì muốn kề cận con mỗi ngày. Bởi chị cũng từng khao khát cha mẹ mình dành thời gian cho mình, nên chị tự hứa tuổi thơ của con chị sẽ luôn bên cạnh. Tự hứa hi sinh nghề nghiệp mà mình tâm huyết, sống hết mình vì các con, việc dễ kiếm chứ tuổi thơ con khó tìm. 5 năm đầu đời của con chắc chắn sẽ tràn ngập hình ảnh và tình yêu của cha mẹ dành cho con. Tự nhủ khi con 5 tuổi là “dẹp hết” để sống cho mình. Có tiền chưa hẳn có niềm vui, kể cả là mình làm chủ, đó là điều chị đã trải qua.
Đứng trước lời mời trở về của Oseven và BMyC, mình đã chọn BMyC là bến đỗ. Oseven khơi sáng cái sứ mệnh đời mình, nhưng BMyC là nơi mình thực hiện sứ mệnh đó.
Lời chia sẻ của chị Hằng Nguyễn
Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể chọn công việc và sống hết mình vì nó nhưng lại có thể đồng hành cùng 2 con song ngữ mà lại không áp lực thời gian. Liệu 2 việc này có thể song hành cùng nhau? Câu trả lời là có, nhưng sẽ tùy mục tiêu của mỗi người để thực hiện.
Dù gặp muôn vàn vất vả, gian nan nhưng chị Hằng đã không bỏ cuộc. Bởi, chị ấy coi việc đồng hành cùng con là sự nghiệp vĩ đại của một người mẹ.
Bạn có tò mò và muốn biết làm thế nào để chị vượt qua những khó khăn để dạy con song ngữ thành công, như mình không?
2. Chồng không ủng hộ học online, nghĩ hội nhóm giáo dục online là lừa đảo. Chị kiên định đăng ký và “âm thầm” đồng hành cùng con!
Câu chuyện giấu chồng bộ đội, thường xuyên xa nhà của chị Nguyễn Thị Hằng mua Ipad để giúp con đồng hành học tiếng Anh BMyC
“Học online là…đa cấp, lừa đảo”
Đó là câu nói của chồng chị Hằng khi chị ngỏ ý cùng con song ngữ tại nhà. Chồng mình cản quá trời cản vì không hề tin tưởng mấy khoá học online trên mạng đâu. Mấy lần thuyết phục thì i rằng lại bảo tin gì mấy thứ trên mạng, toàn lừa đảo cả. Chồng là hải quân chỉ cuối tuần mới về, không hỗ trợ được việc dạy con nên việc sắp xếp thời gian khá căng thẳng; công việc của chị cũng bận rộn, thậm chí còn bận rộn hơn nhiều người khác, không chỉ là làm 8 tiếng một ngày…
Mình nghiên cứu phương pháp BMyC khá lâu trước đó và rất tâm đắc, cảm nhận phải bắt đầu ngay vì con đã 5 tuổi rồi, như kiểu thời cơ tới là phải bắt lấy. Mình không muốn bỏ qua cơ hội, và giấu chồng đăng ký cho con luôn. Chờ đồng ý thì đến bao giờ, thời gian sẽ trả lời là hiệu quả hay không. Kiến thức về đồng hành cùng con mình cũng nắm khá vững vì trước đó mình tham gia vào các hội nhóm đồng hành cùng con khi còn làm mầm non. Mình có niềm tin rất lớn vào phương pháp tiếng Anh BMyC, dù lúc đó tư vấn còn đơn giản, chưa được chuyên nghiệp như bây giờ. Nhưng mình sợ sẽ để tuột mất tuổi thơ và giai đoạn phù hợp cho con học ngôn ngữ nên muốn nhanh chóng nắm bắt cơ hội, không thể đợi lâu hơn được nữa.
Nhà mình không phải là thiếu thốn về kinh tế để đầu tư cho con học hành nhưng đúng thời điểm đó (2017) rất khó khăn. Mình vừa xây nhà xong. Bao tâm huyết và tiền bạc đổ dồn vào đó nên một đồng bạc cũng quý như vàng. Cũng may khi ấy khoá học chỉ đóng 1 triệu. Mua IPad cũng chọn loại “cùi bắp” nhất và là máy cũ để tiết kiệm. Tới giờ sau 5 năm, chiếc IPad đó vẫn còn dùng rất tốt nhá (cười)”.
3. Mẹ gà tiếng Anh đồng hành cùng con tự học thế nào?
Chồng mình nói: Mẹ không biết tí gì tiếng Anh làm sao dạy con? Học trực tiếp với cô giáo còn không có kết quả nữa là học online. Theo học chỉ tiền mất tật mang thôi.
Khi đi tìm con đường cho con mình và chọn BMyC, mình có 1 câu luôn ấp ủ: họ không hơn gì mình, tại sao họ làm được, mình lại không? Nó như thần chú riêng của mình, lôi mình dậy mỗi khi mình nản và có tư tưởng bỏ cuộc.
Facebook của mình lúc đấy chỉ kết bạn với những người đang đồng hành cùng con và cháy hết mình vì con, đảm bảo ngày nào mở mắt cũng thấy những tin về con họ thế nọ thế kia, đi đây đi đó, trải nghiệm nọ kia. Hầu như không bao giờ thấy tin tiêu cực hay than thở, nhờ thế năng lượng mình lúc nào cũng như kiểu lửa đốt. Não lúc nào cũng: làm gì? Làm thế nào để vượt qua phần này? Thả việc xuống gần như mình chỉ biết tới con, tìm kiếm các hoạt động trải nghiệm cùng con. Làm, làm và làm, nhìn vào nhà mình là chỉ thấy 1 hình ảnh vận động ko ngừng nghỉ, ko thời gian vô bổ, mọi giây phút đều phải có ý nghĩa của nó.
Từ ăn, chơi, ngủ, nghỉ mọi thứ đều phải được lên kế hoạch chỉn chu bài bản để đảm bảo vừa làm tốt công việc của mình vừa có thể lo chu toàn con cái học hành, trả Task, hoạt động trải nghiệm cuối tuần…Các cuộc hội họp tán gẫu gần như mất hẳn, thời gian lướt Fb, zalo chỉ để xem tình hình học hành của nhau, niềm vui của mẹ là được cùng con học tập vui chơi mỗi ngày.
Bài học tại BMyC mình bám sát từng hướng dẫn, học theo đúng hướng dẫn và linh hoạt áp dụng dựa theo tính cách của con. Biến tấu linh hoạt và tích cực tương tác qua trò chơi để con nhớ bài. Làm gì thì làm, bài vở phải đúng kế hoạch, định hướng. Học không có chuyện vui mới học, buồn là thôi mà vui là học nhiều hơn, buồn thì đảm bảo làm theo kế hoạch là được. Có nhiều khi nản lắm, chán không muốn đi tiếp vì con không hợp tác, cũng phải dừng mất vài hôm, điều chỉnh lại lịch học để tránh áp lực vì bài khó. Học có bạn đồng hành thì đỡ hơn rất nhiều, có chỗ để hỏi han trao đổi. Bé sau nhà mình học thì các gói học đã phát triển và BMyC tổ chức quy mô rồi nên rất thuận lợi trong việc học tập và hỗ trợ. Với nhà mình, kỷ luật là yếu tố hàng đầu để thành công.
Tới đây, chắc hẳn các bạn đã hình dung ít nhiều về chân dung và hoàn cảnh của chị Hằng rồi phải không? Thực sự không hề dễ dàng đối với một người mẹ cùng lúc đồng hành với hai con khi chồng vắng nhà lại, không được ủng hộ về cách dạy con, khó khăn về kinh tế…
Chị Hằng nói, động lực giúp chị kiên quyết hành động là niềm tin vào phương pháp học và không muốn bỏ lỡ cơ hội bên cạnh con khi con còn thơ bé. Một lúc nào đó con lớn lên, dù có muốn dành thời gian cho con thì cũng đã muộn…
Ngày 17/05/2017 – Mốc báo cáo ngày đầu tiên nhận máy và app
Phải nói là mình đã rất vui khi con hào hứng tiếp nhận phần bài học mới mẻ này. Mới nhận lúc 10h thì trưa và tối bạn đã tranh thủ giải quyết hết tất cả phần ABC Aquarium và Letter Quiz, ké thêm một phần nhỏ của Phonics Island và Phonics fun. Chỉ hi vọng bạn ấy giữ được sự hào hứng này đối với tất cả các phần học. Thực sự cảm thấy quá bất ngờ vì bạn ấy có thể tự mày mò làm được mà không nhờ đến mẹ nhiều. Mẹ chỉ đứng bên cổ vũ. Ôi, hạnh phúc lắm luôn ạ!”
Thời điểm ban đầu, như rất nhiều bố mẹ khác, chị Hằng cũng có những rào cản khiến chị buộc phải dừng việc học trong một thời gian ngắn.
Sau 3 tháng tạm dừng sự nghiệp học hành cùng con thì chị trở lại
Hôm đó, chị đã nhắn tin cho anh Huy : “Em không có thời gian quay clip lúc bé học app, nhưng trước khi ngủ bé lấy sách ra đọc nên em tranh thủ quay báo cáo anh”
Hai mẹ con vẫn đi theo đúng lộ trình đặt ra ban đầu, đã hoàn tất phonics nên ứng dụng để đọc sách giấy đỡ hại mắt. Đọc truyện trên Farfaria mỗi ngày và chỉ nghe qua 1 lượt sau này tắt loa tự đọc. Tăng từ vựng qua English Pop Quiz, Lingo, luyện mẫu câu ngắn. Lâu lâu quay về pocketphonics…
Thành tựu đạt được tạm thời là bé đã hứng thú và hợp tác với mẹ, đọc chưa chuẩn nhưng rất chịu khó luyện phát âm. Quan điểm của em là không ngại sai, không ngại nói, siêng nói sẽ thành phản xạ tự nhiên. Trong sinh hoạt hằng ngày bé đã tương tác với mẹ bằng những câu đơn giản… “.
Thời điểm này chị Hằng vẫn phải giấu chồng việc mua IPad và đồng hành học cùng con. Cứ ngày bình thường mấy mẹ con học cùng nhau nhưng cuối tuần bố về lại giấu iPad trong tủ quần áo. Như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy.
4. Con lười, con bướng, con không hợp tác…không quan trọng, chỉ sợ cha mẹ lười mà thôi.
Chưa hết khó khăn vì phải lén lút việc dạy học cho con, chị gặp phải rào cản khi học cùng con trai. Con không hợp tác, thậm chí ghét bỏ, chống đối việc học tiếng Anh đến quyết liệt. Quỹ thời gian hạn chế, công việc áp lực, không ai hỗ trợ, cùng với việc đồng hành cùng lúc 1 bé 3,5 tuổi đang học tiếng Việt và 1 bé 5 tuổi tiếng Anh làm mình nhiều lúc kiệt sức.
“Nếu đồng hành với Moon là 1 cuộc dạo chơi đầy vui vẻ, thì đồng hành cùng Bin thời kỳ đầu gần như là 1 cuộc chiến ngầm”
- Con không tập trung, học 1h hết 30p đi uống nước, đau bụng, buồn ngủ, ngứa… đủ kiểu.
- Vấn đề tiếp theo con ghét tiếng Anh. Tại sao phải học? Tại sao họ ở nước mình lại bắt mình phải học tiếng họ mà họ ko học tiếng mình đi?…
- Túm lại là đã ghét thì ghét cả tông ti họ hàng.
Không sao, mình chấp nhận hết.
Nói rõ ràng với con, mà phải là nói đi nói lại nhiều lần: học không cần phải thích. Thích là tốt, là có thể vì thích mà học nhiều hơn. Nhưng con không thích, cứ học chừng đó thôi, học xong nghỉ, chưa xong cứ ngồi đó đến xong thì thôi. Nếu cố tình kéo dài thời gian, lấn sang thời gian chơi thì cắt luôn chơi.
Nói được làm được, không nhân nhượng, làm tốt có thưởng để động viên. Quan điểm của mình rõ ràng, không phải trong cuộc sống con cứ muốn là được, có những thứ con được quyền lựa chọn, nhưng có những thứ con buộc phải làm. Tuổi của con, làm gì đã đủ trí khôn để quyết định được cái gì là cần và không cần, ngay cả sở thích cũng chỉ là cả thèm chóng chán.
Chỉ có bố mẹ mới hiểu cái gì tốt cho con, cái gì cần phải làm và vì sao phải làm. Đủ tuổi trưởng thành, con còn phải cần đến sự tư vấn của cha mẹ, nói gì trẻ con. Và với 1 đứa trẻ không tập trung, thì việc tự học, tự nguyện học là chuyện xa xỉ. Huống hồ kèm ghét nữa, thì mình xác định không rời mắt trong suốt quá trình học. Bám sát hỗ trợ và lôi kéo tập trung của con vào vấn đề chính, sơ sẩy chút là con lại đánh lạc hướng, nên sự tập trung tương tác hướng dẫn, cùng học hơi mất sức.
Đến tốt nghiệp, sau hơn 1 năm 3 tháng, con mình vẫn không nói. Mẹ hỏi thì mới trả lời kiểu đối phó. Không sao, cứ trả lời là được, sai thì sửa. Nhiều lúc con sư tử nó cũng gầm gừ dữ dội lắm, không phải ngọt ngào như mấy cuốn sách dạy con đâu.
Với độ mài của mẹ không bỏ 1 ngày thì khả năng nghe viết rất ổn, đọc như ném búa vào tai vì không hợp tác, nói càng không. Zoom chê cô xấu nên cô hỏi giả điếc, không nghe không thấy như kiểu cô vô hình. Chẳng sao, xin cô tham gia nhưng không tương tác, tắt mic tắt camera chỉ nghe, ngồi đó nghe hết buổi chứ không phải không thích mà làm việc khác được. Sau đó lấy nội dung bài zoom để tương tác lại với mẹ.
Nói chung, là cũng vài trận nghiến răng ken két chứ không phải siêu nhân gì mà kiềm chế nổi. Chỉ là qua thời gian trình kiềm chế tăng dần đều, con thấy độ lỳ của con không qua độ lỳ của mẹ thì lâu cũng biết là mẹ không bỏ cuộc. Rồi sau tốt nghiệp cũng hợp tác dần, đến khi em Moon bắt đầu nói nhiều mới lôi kéo anh dần vào giao tiếp hằng ngày.
Tính ra, Moon đi sau anh 1 năm nhưng phản xạ nói tự nhiên và có nhu cầu sử dụng ngôn ngữ trước Bin. Nhờ môi trường 2 con đã lôi kéo luôn Bin vào con đường thi đua học tập, từ đó cũng có nề nếp, mẹ nhàn hẳn ra.
5. Chỉ cần 1 phương pháp đúng, tài liệu bài bản và quyết tâm thực sự của cha mẹ, đủ 3 yếu tố kết quả ắt phải đến.
Mất gần 1 năm rưỡi để tạo được 1 thói quen tự học, bầm trầy chứ không thể nói hay được, mồ hôi công sức không ít nhưng đổi lại thành quả hết sức ngọt ngào. Giờ đây, con có nền rồi cứ đi lên, cứ đều đặn theo kế hoạch để làm, mẹ cũng đỡ mất sức hò hét.
Với nhà mình bây giờ tiếng Anh là hơi thở, nó tự nhiên đến mức nó như 1 phần của cuộc sống, là ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Thực sự mà nói, đối với nghiệp đồng hành, chỉ cần 1 phương pháp đúng, tài liệu bài bản và quyết tâm thực sự của cha mẹ, đủ 3 yếu tố kết quả ắt phải đến.
Nếu cha mẹ không đủ niềm tin về con đường đã chọn, không đủ kiên định để đi đến tận cùng thì không khác đẽo cày giữa đường là mấy. Nếu có cơ hội lựa chọn lại, mình vẫn kiên định đi theo con đường mà BMyC dẫn lối”.
Nếu bạn đã đọc đến đây, chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận được những khó khăn và vất vả mà chị Hằng đã trải qua. Bạn có bao nhiêu phần trăm rào cản như trong câu chuyện này?
Khó có thể miêu tả hết những trở ngại của chị Hằng hay bất kỳ người mẹ nào chọn con đường đồng hành giúp con tự học. Mình cũng như các bạn, đôi khi không thể biết hết những khó khăn của họ nhưng lại tò mò cách họ đã làm gì để giúp con thành công như thế.
Chị Hằng đã không hề giấu diếm hay ngại ngần chia sẻ bí quyết của chị cho mọi người biết. Thật sự không có gì cao siêu nhưng đó lại là một kế hoạch rõ ràng, cụ thể và tinh thần hành động quyết liệt.
Bạn có dậy được mỗi ngày từ 4 giờ sáng và đi ngủ lúc 11 giờ đêm không?
Nhà bạn có đóng một cái bàn dài hơn bình thường để mỗi đứa con một bên học tập nghiêm túc, mẹ ở giữa làm việc vẫn kèm cặp các con?
Bạn có gạt hết những việc cá nhân như gặp gỡ bạn bè, xem tivi, Facebook, zalo “chém gió” để dành thời gian chất lượng cho việc dạy con?
Chị Hằng đã tận dụng tối đa thời gian như vậy để làm sao vừa giúp con học tập, vui chơi, giải trí xen kẽ đấy.
Với sự tập trung cao độ như vậy, để thành công sớm hơn dự kiến ban đầu của chị cũng là điều dễ hiểu.
“Việc dạy bảo con do em quyết định”
Đó là câu nói mà chồng chị Hằng đã dành cho chị sau một quãng đường dài đồng hành tự học cùng các con. Một câu nói ngắn gọn, đơn giản nhưng hàm chứa sự yêu thương, tin tưởng tuyệt đối. Một kết quả ngọt ngào mà sau chặng đường chông gai, trầy trật chị mới có được.
6. Vì sao BMyC là một phần cực kỳ quan trọng với mình?
Là bởi vì nó biến một ông bố chỉ cần ngồi cạnh kèm con học 5 phút là rung nhà rung cửa, bố gầm con khóc âm thanh hỗn độn trở thành một ông bố chuẩn mực.
3 năm kể từ ngày bắt đầu, những thay đổi từ mẹ và con cũng làm cho bố thay đổi dần, chịu ngồi xuống và kìm cơn nóng lại. Kiên nhẫn hơn trong giải thích bài vở, biết đánh giá khách quan và hạn chế ngôn ngữ gây tổn thương tinh thần nhau.
Bin nhà mình đang thi học kỳ, và cuối tuần bố về thì từ mở mắt đến lúc đi ngủ bố có nhiệm vụ kèm con, kiểm tra bài vở con từ luyện chữ cho đến làm toán. Bất ngờ ghê gớm về độ kiên trì, kiên nhẫn của bố nó. Từ nay mình nhàn rồi!”.
Là người viết bài, mình thật sự vui lây với thành công của một người mẹ như chị Hằng. Những “cơn mưa” Nhật ký hạnh phúc của chị khi cảm hoá được chồng và những thành quả của con thực sự xứng đáng với sự nỗ lực, kiên nhẫn.
7. Gặt hái “quả ngọt” cùng con sau 2 năm chiến đấu đồng hành cùng BMyC.
Vậy là cuối cùng sau 2 tháng chờ đợi, cuối cùng Quỳnh Anh cũng đã có kết quả kỳ thi Cambrige. Cảm xúc vỡ òa! Con đạt điểm tuyệt đối cho toàn bộ các kỹ năng!
Nhìn kết quả các anh chị cùng đợt thi, sự chênh lệch về độ tuổi của con và anh chị, hoàn toàn khác biệt. Con không phải là một đứa trẻ sôi nổi, tự tin, con mong manh dễ vỡ, nhưng con là con nhà BMyC.
Nếu con bạn lớn, bạn khó nhận ra nhiều giá trị mà BMyC mang lại. Nhưng với độ tuổi vàng, sức mạnh của con đường BMyC quá rõ ràng. Một đứa trẻ bước trên con đường BMyC là một đứa trẻ tự tin về kiến thức mình có được, không mang tâm lý sợ hãi thi cử, không học tủ học vẹt mà tự tìm tòi ứng dụng kiến thức.
Những gì con có được là tài sản của con nên con rất tự tin, chủ động tìm kiếm những gì con còn thiếu. Điều làm mình cảm thấy hạnh phúc nhất, chưa phải là số điểm tuyệt đối kia, mà là thái độ của con khi bước vào kỳ thi này, đầy tự tin và bản lĩnh”.
- Đầu tiên, tháng 11/2020 : Quỳnh Anh (Moon) giữ kỷ lục thí sinh nhỏ tuổi nhất tại Nha Trang tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ Cambidge 2 năm liên tục. Hoàn thành phần thi speaking đầu tiên với tinh thần phơi phới, còn 1 buổi cuối cùng nữa là sự nghiệp Flyers kết thúc”.
- Tháng 1/2021 : Kết quả kỳ thi KET: 132 điểm, thiếu 1 điểm nữa thôi là đạt điểm giỏi! Quá xuất sắc cho chiến sỹ lớp 3 trên mặt trận cấp 2-3! Làm gì thì làm, học thêm thì cứ học thêm, nhưng đừng quên kèm TỰ HỌC. Kỹ năng tự học chúng ta đã được đào tạo bải bản trên con đường BMyC, dù có tốt nghiệp rồi, thì cứ con đường đó mà tiến tiếp.
- Ngày 19/01/2021: Giải nhất hùng biện cấp trường cho 2 đồng chí Bin – Moon! Chương trình giao lưu đơn giản không đầu tư công sức thời gian như mấy vụ thi cử hằng năm nhưng mà 2 đứa về khoe tít mắt. Cơ bản kiểu có fan hâm mộ ở trường ấy nên khoái chí.
- Ngày 14/03/2021 : Chị cầm trên tay chứng chỉ KET & FLYERS của 2 đồng chí. Cứ phải là vô cùng sung sướng và tự hào về sự nỗ lực của các con! Nhận chứng chỉ đúng dịp sinh nhật nữa thì gọi là niềm vui nhân đôi luôn!”.
Càng đi trên con đường này, niềm tin càng vững chắc!”.
Thật không đơn giản để miêu tả hết chặng đường đồng hành của một người mẹ chỉ trong một bài viết. Nhưng mình tin rằng các bố mẹ, như chị Hằng, dù trong hoàn cảnh nào đều dành tình yêu thương cho con cái vô bờ bến.
Mình hy vọng rằng mỗi bố mẹ khi đọc xong bài viết này sẽ rút ra được những bài học bổ ích, cách làm phù hợp trong quá trình đồng hành giúp con song ngữ và có khả năng tự học tại nhà.
💥💥💥 cảm ơn bài chia sẻ tâm huyết
Đọc xong bài chia sẻ này như tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho bản thân e và nhiều phụ huynh khác nữa ạ. Yêu ngôi nhà chung bmyc nhiều lắm ạ
Rất ngưỡng mộ chị