Giáo dục sớm đang là xu hướng được rất nhiều phụ huynh quan tâm bởi nó giúp trẻ phát triển cả về thể chất và trí thông minh.
Và trong giáo dục sớm ở độ tuổi mầm non, có một điều không thể không nói đến là phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ, cụ thể là giúp trẻ giao tiếp thành thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang có rất nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, hôm nay BMyC xin mời các bố mẹ cùng gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ của 4 Admin kỳ cựu trong cộng đồng BMyC.
- Chị Vũ Thị Thanh Thảo – Hà Nội
- Chị Trịnh Thị Phương Linh – Hà Nội
- Chị Hoàng Quỳnh Nga – Quảng Trị.
- Và chị Thái Lê Thùy Phương – Tp. Hồ Chí Minh.
Nội dung chính
- 1. Admin Vũ Thị Thanh Thảo – Nếu đồng hành cùng con đến năm 18 tuổi thì bố mẹ không phải lo lắng về tương lai con sau này.
- 2. Admin Thái Lê Thùy Phương – Trước khi cho con theo học tiếng Anh bằng bất kỳ phương pháp nào, bố mẹ đều phải xác định được mục tiêu.
- 3. Admin Hoàng Quỳnh Nga – Ở giai đoạn đầu, thay vì cố gắng sửa phát âm, bố mẹ nên chú trọng vào việc tạo niềm vui học tập cho con.
- 4. Admin Trịnh Thị Phương Linh – Bố mẹ nên đa dạng cách tiếp cận thông qua việc sáng tạo công cụ học
1. Admin Vũ Thị Thanh Thảo – Nếu đồng hành cùng con đến năm 18 tuổi thì bố mẹ không phải lo lắng về tương lai con sau này.
Chị Vũ Thị Thanh Thảo là quản lý của chương trình BMYC Gift, chương trình tiếng Anh dành cho lứa tuổi mầm non tại BMyC.
Chị Thảo đã từng nói một câu rất hay: “Nếu chúng ta đồng hành cùng con cho đến năm 18 tuổi thì chúng ta không phải lo lắng về tương lai của con sau này”.
BMyC: Chào chị Thảo, được biết chị là một trong những Admin kỳ cựu nhất đã cùng tham gia công tác tại BMyC từ những ngày đầu tiên. Hiện tại đang có một bộ phận mong muốn con càng sớm biết ngoại ngữ càng tốt, và luồng ý kiến ngược lại cho rằng con nên biết đọc, biết viết sõi tiếng Việt mới bắt đầu học ngoại ngữ. Chị có thể chia sẻ quan điểm của mình với phụ huynh đại diện cho 2 luồng quan điểm này được không ạ?
Chị Thảo: Hiện nay, mọi người đều đang rất quan tâm đến việc học tiếng Anh của con nhưng có lẽ câu hỏi: “Lứa tuổi nào là lứa tuổi thích hợp nhất để học tiếng Anh?” vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bố mẹ. Theo mình, dù con đang ở độ tuổi nào thì bạn cũng nên quan tâm đến việc học tiếng Anh cùng con vì thực sự việc học Tiếng Anh bây giờ không còn là việc nên làm mà đã trở thành việc phải làm. Nếu không có tiếng Anh, bạn sẽ mất đi rất nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Theo mình nếu con học quá sớm, ở giai đoạn trước khi con nói sõi tiếng Việt thì sẽ phần nào bị ảnh hưởng và làm giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của con.
Điều này sẽ khiến con gặp phải khó khăn trong việc giao tiếp với người xung quanh đồng thời làm giảm đáng kể sự tự tin của con. Vì thực tế con vẫn là người Việt Nam và con cần sử dụng tiếng Việt tốt để diễn đạt và giao tiếp với gia đình và xã hội. Thế nên, nếu tiếng Việt của các con bị ảnh hưởng thì đó cũng là hạn chế và thiệt thòi cho con. Nên giai đoạn này, mình khuyến khích các bố mẹ nên tập trung vào việc giúp con nói sõi tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình rồi mới học tiếng Anh.
Ý kiến thứ hai là con nên biết viết thành thạo tiếng Việt mới bắt đầu học ngoại ngữ. Theo mình, nếu bạn quyết tâm cho con học và đồng hành kiên trì cùng con thì chắc chắn bạn sẽ vẫn thành công. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này thì các con còn rất nhiều thứ phải học như phải học văn hóa ở trường, học các môn năng khiếu, kỹ năng mềm và tham gia các hoạt động ngoại khóa,…cho nên thời gian dành cho việc học ngôn ngữ của con sẽ hạn chế. Việc học cũng vất vả hơn.
Nếu được chọn độ tuổi nào thích hợp nhất để cho con tiếp xúc và học tiếng Anh thì mình nghĩ là độ tuổi từ 3-5 tuổi, hoặc khi con đã nói sõi và sử dụng tốt Tiếng Việt sau đó con sẽ học tiếng Anh.
BMyC: Với vai trò là người điều hành phương pháp học tập tại Gift, chị Thảo có thể chia sẻ với khán thính giả của chúng ta về mục tiêu học tập tại độ tuổi này được không ạ?
Chị Thảo: Theo mình độ tuổi mầm non là độ tuổi mà các con đón nhận, tiếp nhận ngôn ngữ rất tốt và nếu con được học tiếng Anh ở giai đoạn này thì con sẽ được nâng cao khả năng sáng tạo, kích thích tư duy phản biện và phát triển sự linh hoạt:
- Nếu như người lớn chúng ta thường gặp khó khăn ở việc ghi nhớ từ vựng hay bắt chước cách phát âm và ngữ điệu của người bản xứ thì trẻ con lại sở hữu khả năng linh hoạt tuyệt vời khi học tiếng Anh bởi trẻ vẫn chưa bị thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ chi phối. Cho nên, nếu bố mẹ đã xác định cho con học Tiếng Anh như một ngôn ngữ thì không nên bỏ qua giai đoạn này. Chúng ta hãy cho con học nghiêm chỉnh và bài bản để không bị lỡ giai đoạn phát triển ngôn ngữ tuyệt vời của con.
- Và mục tiêu ở giai đoạn này là chúng ta hãy tìm một lộ trình học phù hợp để giúp con xây dựng và phát triển ngôn ngữ tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. Một lộ trình đúng đắn sẽ giúp con tạo được thói quen học tiếng Anh mỗi ngày, giúp con có tình yêu với việc học ngôn ngữ mới và bước đầu có thể sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp. Mình cũng tin rằng nếu con được bố mẹ đồng hành học tiếng Anh mỗi ngày thì con sẽ có một nền tảng vững chắc không chỉ về việc sử dụng ngôn ngữ mà con rất nhiều những kỹ năng khác.
BMyC: Có nhiều ý kiến cho rằng, học tiếng Anh sớm ở độ tuổi mầm non sẽ dẫn đến hiện tượng loạn ngôn ngữ. Vậy theo chị, hiện tượng này là do đâu ạ?
Chị Thảo: Hiện tại, mình có thể khẳng định: “Đã có rất nhiều em bé có thể sử dụng song song hai ngôn ngữ và không có hiện tượng rối loạn ngôn ngữ do việc học tiếng Anh ở độ tuổi mầm non gây ra”.
Việc học tiếng Anh sớm không phải là lý do khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ.
Học không đúng cách, không đúng phương pháp, lạm dụng các thiết bị điện tử mới là một trong những nguy cơ dẫn đến những vấn đề ngôn ngữ ở trẻ.
Thế nên bố mẹ hãy cứ yên tâm đồng hành cùng con nhé, vấn đề ở đây chỉ là chúng ta chọn phương pháp học đúng và phù hợp với con mà thôi. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tích hợp nhiều tính năng học tiếng Anh cho trẻ đã giúp chúng ta tiếp cận với nhiều công cụ học tập như các app, phần mềm…Đây là một lợi thế trong thời kỳ 4.0 và bạn có thể sử dụng nó làm công cụ cho con. Nhưng đừng quá lạm dụng mà hãy ở bên đồng hành, quan sát, lắng nghe và hỗ trợ con.
Đừng phó mặc cho con học tiếng Anh trên các thiết bị điện tử và cũng đừng vì những niềm tin sai lầm mà làm lỡ thời gian học của con.
2. Admin Thái Lê Thùy Phương – Trước khi cho con theo học tiếng Anh bằng bất kỳ phương pháp nào, bố mẹ đều phải xác định được mục tiêu.
Admin Thái Lê Thùy Phương không chỉ là admin kỳ cựu mà còn là mẹ của em bé Putin rất nổi tiếng trong cộng đồng BMyC.
BMyC: Trẻ có độ tuổi 3-5 dù có mức tiếp thu vượt trội nhưng lứa tuổi này có đặc trưng là tính kỷ luật chưa cao, thích làm theo cảm xúc, hay hờn dỗi…Vậy theo chị Phương, điều cần nhất khi tổ chức dạy học hay làm quen với tiếng Anh cho trẻ tại giai đoạn này là gì?
Chị Phương: Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp con học tiếng Anh hiệu quả. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Vì vậy, khi muốn theo đuổi bất kỳ phương pháp nào thì các bố mẹ cũng cần phải xác định rõ mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải hiểu được vai trò, vị trí của mình đồng thời cố gắng kiên trì, nhẫn nại và kiểm soát cảm xúc khi đồng hành cùng con.
Ở độ tuổi từ 3-5, các bé thường chán học, không tập trung, thờ ơ với những điều mà bố mẹ nói. Những lúc này, các bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân từ đâu, cách đồng hành cùng con đã phù hợp chưa.
Đặc biệt, ở độ tuổi này con không thích nghe lời bố mẹ. Có thể vì con muốn thể hiện sự độc lập của mình nhưng cũng có thể, cách thức đồng hành của bố mẹ chưa phù hợp với con.
Ví dụ: Nhiều bố mẹ nghĩ cho con xem video thì chỉ cần mở video lên là con sẽ xem nhưng thực tế thì khác. Để con xem và hứng thú, bố mẹ cũng cần nhún nhảy theo bài hát, bắt chước những hoạt động trong video. Bố mẹ cũng cần khen ngợi con để con hào hứng và vui vẻ hơn.
Khi tương tác với con mà con có sự thờ ơ thì có thể hoạt động của bố mẹ chưa cuốn hút.
Các con độ tuổi này rất khó ngồi vào bàn học bởi các con học ngôn ngữ qua vận động là chính. Vì vậy, bố mẹ hãy tranh thủ học mọi lúc mọi nơi để vận dụng tương tác cùng con. Điều quan trọng hơn cả đó vẫn là sự kiên trì và nhẫn nại của bố mẹ với con mỗi ngày.
BMyC: Chị Phương có thể chia sẻ những ưu, nhược điểm của phương pháp đồng hành cùng con tại nhà và các phương pháp dạy tiếng Anh truyền thống hiện có được không?
Chị Phương: Mình đã thử nhiều phương pháp và trải nghiệm cùng con. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng.
Phương pháp dạy tiếng Anh truyền thống là các con được học ở trung tâm:
Ưu điểm là con có môi trường, có bạn… bố mẹ chỉ cần đưa và đón con, còn lại giao tất cả cho các thầy cô ở trung tâm.
Nhược điểm là chi phí học ở trung tâm rất là cao, tốn thời gian đưa đón. Lớp học đông, mỗi lớp học từ 10-15 bạn. Vì không có sự sát sao, thời gian học ở trung tâm lại ít nên các con thường tiến bộ chậm hơn so với số tiền các gia đình phải chi trả.
Với phương pháp đồng hành cùng con học tiếng Anh tại nhà:
Ưu điểm là tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và công sức đưa đón của bố mẹ. Thời gian học linh hoạt, con có thể học bất kỳ lúc nào. Đặc biệt kết quả thu được rất lớn. Có những bạn học tốt chỉ mất khoảng từ 1 đến 2 năm để sử dụng thành thạo tiếng Anh.
Nhược điểm của việc học cùng con tại nhà là con sẽ không có bạn chơi, chán học.. khiến bố mẹ căng thẳng stress, nản và dễ bỏ cuộc.
3. Admin Hoàng Quỳnh Nga – Ở giai đoạn đầu, thay vì cố gắng sửa phát âm, bố mẹ nên chú trọng vào việc tạo niềm vui học tập cho con.
Admin Hoàng Quỳnh Nga – Quảng Trị đã có những chia sẻ rất thú vị về giai đoạn đầu đồng hành, giúp các bố mẹ “cầu toàn” xóa bỏ ám ảnh sửa phát âm cho con.
BMyC: Chị có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc sửa phát âm cho trẻ nhỏ ở độ tuổi này được không? Các bố mẹ cần làm gì khi con phát âm sai và không sửa được âm, con nói ngọng? Phương pháp để hỗ trợ con phát âm tốt hơn là gì?
Chị Nga: Đây là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh khi bắt tay vào đồng hành cùng con ở giai đoạn mầm non.
Theo mình, mỗi giai đoạn chúng ta sẽ có những sự ưu tiên và tập trung khác nhau về việc sửa phát âm cho con.
Ví dụ: ở giai đoạn đầu, khi con vừa làm quen với việc học thì chúng ta chưa cần đặt nặng vào việc sửa phát âm cho con, vì khi đó con sẽ có cảm giác “sợ” và khó chịu khi phải học Tiếng Anh. Giai đoạn đầu chúng ta hãy cứ tập trung vào việc tạo niềm vui cho con khi học ngôn ngữ mới. Ở những giai đoạn sau, khi con đã có thói quen học thì chúng ta mới nên để ý nhiều hơn đến việc sửa phát âm ở con.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá đặt nặng vấn đề chuẩn âm của con, tránh những áp lực không đáng có lên con và lên chính chúng ta. Chúng ta cũng cần hiểu việc học ngôn ngữ là cả một quá trình, nó là sự nối tiếp và hoàn thiện dần các kỹ năng.
Hơn nữa, ở độ tuổi này có rất nhiều bạn nhỏ chưa phát triển hoàn thiện cơ vòm họng nên các bạn ấy sẽ có xu hướng nói không rõ lời, nói ngọng. Điều này là hoàn toàn bình thường. Việc của chúng ta lúc này là bình tĩnh giúp con vượt qua nó nhanh nhất trong khả năng có thể của con và kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi ở con.
Trong tiếng Anh có nhiều âm mà tiếng Việt không có. Não bộ con người thường sẽ chỉ nhận ra những âm thanh quen thuộc và bỏ qua những âm thanh “lạ”. Vì vậy, để giúp con hoàn thiện phát âm, chúng ta cần cho con thời gian nghe nguồn âm chuẩn đủ nhiều để con quen âm và nhận diện được những âm thanh “lạ”, từ đó con sẽ bắt chước tốt hơn. Chúng ta cũng cần giúp con luyện tập đúng cách để đẩy nhanh hơn tiến trình này.
Dưới đây là một số chia sẻ cơ bản nhất để giúp con nhanh hoàn thiện phát âm:
- Cho con môi trường nghe chuẩn: chỉ nên lựa chọn những nguồn nghe với chất giọng của người bản ngữ. Có thể là trò chuyện trực tiếp, hoặc nghe gián tiếp thông qua video, file mp3… Hãy tạo điều kiện để con được nghe nhiều nhất có thể, ưu tiên những bài nghe đơn giản, chậm vừa phải, giọng đọc rõ ràng để con dễ bắt chước.
- Khuyến khích con nghe và tập nhắc theo thật to: khi nhắc theo to như thế, tai của con cũng sẽ nghe được âm thanh mà con phát ra, con sẽ ý thức được con đã bắt chước đúng hay chưa để sửa chữa cách đọc đúng hơn cho những lần sau. Bố mẹ cũng dễ nhận ra những từ con đọc chưa đúng để nhặt riêng các từ ấy ra cho con luyện tập thêm. Hãy hướng con đến việc buông bật rõ ràng, tốc độ vừa phải, nói có cảm xúc.
- Phụ huynh tương tác với con đúng cách: Tương tác là điều cần thiết để tạo môi trường thực hành tiếng Anh cho con, thúc đẩy khả năng phản xạ giao tiếp nhanh nhẹn. Tuy nhiên giai đoạn này chỉ nên tương tác đơn giản, dừng lại ở mức độ khơi gợi, không nên lạm dụng, không nên trực tiếp chỉnh sửa phát âm cho con mà hãy dùng các công cụ bổ trợ. Nếu chúng ta làm không đúng cách, việc tương tác ở giai đoạn này cũng sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến phát âm của con.
- Duy trì việc nghe và luyện tập hàng ngày: Để làm được điều này, rất cần ở bố mẹ sự kiên trì và tinh tế. Các bạn ở độ tuổi này thường sẽ nhanh chán, nên cố gắng khéo léo lồng ghép các trò chơi vào các buổi luyện tập để bài học trở nên thú vị hơn với con bố mẹ nhé!
BMyC: Đối với độ tuổi 3-5, chị có lời khuyên nào dành cho phụ huynh về quá trình chuẩn bị tâm thế đồng hành không ạ?
Chị Nga: Lời khuyên dành cho các bố mẹ đang có con ở độ tuổi từ 3- 5 tuổi thì mình nghĩ điều mà mình muốn nói tới ở đây đó là yếu tố nhận thức của bố mẹ.
Chúng ta cần phải có nhận thức đúng trong việc đồng hành giúp con học ngôn ngữ.
Trước hết, chúng ta cần phải biết đích đến của mình là gì. Cái mà chúng ta hướng tới trong việc giúp con học ngôn ngữ là điểm số cao trên lớp hay là giúp con có khả năng sử dụng tốt ngôn ngữ, để ngoài việc con có khả năng nghe – nói – đọc – viết tốt, con còn có thể sử dụng tiếng Anh như một công cụ để có thể mở rộng kiến thức của chính mình?
Sau khi đã xác định được mục tiêu, chúng ta cần phải lên kế hoạch để thực hiện được mục tiêu đó.
- Thời gian: cam kết tối thiểu 30 phút/ngày cùng con.
- Sự quyết tâm: đây là một con đường dài hơi và sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên khi chúng ta xác định được điều tất yếu này, chúng ta sẽ chuẩn bị được cho mình một tâm thế “sẵn sàng hành động” trong mọi hoàn cảnh. Chỉ cần chúng ta quyết tâm, mọi khó khăn sẽ không còn là rào cản. Chúng ta sẽ ngày càng bản lĩnh và dạn dày kinh nghiệm, đủ sức để là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trên con đường trưởng thành của con.
- Tình yêu thương: từ khi mới sinh con gái, mình đã đọc được chia sẻ như thế này của một người bố: “Hãy tận hưởng những phút giây bên con. Cho dù là lúc con quấy khóc, lúc con gắt gỏng hay là lúc con nôn trớ… Tất cả những khoảnh khắc đó sẽ là mảnh ghép tạo nên bức tranh đẹp nhất trong cuộc đời làm bố/làm mẹ của mỗi chúng ta”.
Hãy cùng con vẽ lên những bức tranh tuyệt vời nhất nhé. Mình tin rằng, bằng tình yêu thương, chúng ta sẽ làm được!
4. Admin Trịnh Thị Phương Linh – Bố mẹ nên đa dạng cách tiếp cận thông qua việc sáng tạo công cụ học
Chị Trịnh Thị Phương Linh là admin BMyC đến từ Hà Nội. Chắc các bố mẹ đều đã quen với chị Linh qua những chia sẻ về hành trình học tập của bé Ốc, một cô bé đa năng toàn tài hiếm thấy.
BMyC: Ở độ tuổi mầm non, có rất nhiều khái niệm về việc nghe như: nghe tắm ngôn ngữ, nghe thụ động, nghe chủ động. Chị có thể phân tích rõ hơn các khái niệm này và ở độ tuổi các con thì nên kết hợp nghe như thế nào?
Chị Linh: Nghe là một trong những kỹ năng quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi cho con học tiếng Anh chúng ta không quá xa lạ với khái niệm: “tắm ngôn ngữ”, “nghe chủ động” và “nghe thụ động”.
“Tắm ngôn ngữ” ở đây có nghĩa là nghe vô thức. Các bố mẹ nên chọn những bài hát, câu chuyện phù hợp với độ tuổi con nhà mình. Và việc nghe này cực kỳ hiệu quả với các bé ở độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi. Nó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hình ảnh… và lưu giữ ở trong tiềm thức của con.
Với việc nghe chủ động, các bố mẹ nên chọn thời gian con tập trung nhất trong ngày và nên cho con nghe vào một giờ cố định. Về nội dung, các bố mẹ có thể chọn chủ đề cho con hoặc cho con nghe theo task học. Ngoài ra, các bố mẹ nên hỗ trợ cùng con để con đọc sách, tương tác và sử dụng học liệu một cách hiệu quả.
Nghe thụ động là con có thể nghe bất kỳ khi nào: khi con đang chơi tự do, khi con đang ăn, đang tắm…. Về nội dung, các bố mẹ hãy chọn file nghe phù hợp với độ tuổi và chủ đề phù hợp. Lúc này các bố mẹ nên ngồi học cùng con kết hợp cho con nghe với các hoạt động đọc sách, tương tác… Quan trọng là bố mẹ nên duy trì cho con nghe vào một thời điểm cố định để con có thói quen học mỗi ngày.
Ở độ tuổi mầm non các bố mẹ hãy linh động kết hợp cả nghe thụ động và chủ động, mình tranh thủ thời gian con rảnh mà không cần con phải tập trung ngồi nghe. Các bố mẹ hãy tận dụng thời điểm sáng và tối để việc nghe cho các bạn nhỏ được hiệu quả hơn.
BMyC: Vậy ở giai đoạn này, việc đọc truyện có được khuyến khích không ạ? Và phương pháp đọc truyện ở độ tuổi này khác như thế nào so với lứa tuổi tiểu học? Để con đọc truyện hiệu quả ở giai đoạn này, chúng ta cần lưu ý những yếu tố nào?
Chị Linh: Ở giai đoạn mầm non con sẽ thiên về kỹ năng nghe, nói trong sinh hoạt hang ngày. Tuy nhiên, đa phần kỹ năng con phát triển hơn cả đó là kỹ năng đọc. Vì trong quá trình nghe, xem video hay đọc sách, con có cơ hội tiếp xúc nhiều với chữ, từ vựng. Quá trình duy trì đều đặn hàng ngày giúp con dần ghi nhớ được chữ, từ vựng và hình thành phát triển khả năng đọc một cách tự nhiên nên rất khuyến khích các con đọc và nhận diện mặt chữ.
Khả năng đọc ở trẻ mầm non khác với khả năng đọc của trẻ lớn. Nếu như trẻ lớn đọc phức tạp, nhiều học thuật, logic… thì ngược lại trẻ mầm non đọc những nội dung đơn giản. Về hình thức đọc, ở trẻ mầm non thường phát triển kỹ năng đọc, nhận biết từ vựng đi kèm theo hình ảnh nên chúng ta thường thấy các bạn nhỏ học theo flashcard. Hoặc ở dạng truyện tiềm thức có sử dụng chữ đan xen hình ảnh.
Để việc đọc ở giai đoạn này có hiệu quả, các bố mẹ không nên tạo áp lực, thúc ép con phải đọc, phải nhớ từ… Mà việc quan trọng hơn cả đó là duy trì đều đặn mỗi ngày, cùng con đọc sách, có thời gian biểu hợp lý… sẽ giúp con ghi nhớ từ vựng tốt hơn. Chúng ta nên lựa chọn nội dung phù hợp như thẻ flash card, sách tiềm thức…Các bố mẹ nên đa dạng hình thức học để con hứng thú hơn như đa dạng học liệu, không chỉ đơn thuần là việc nghe và nhìn chữ đọc, chúng ta nên tạo hoạt cảnh đóng vai, sáng tạo bài hát, câu chuyện, chơi cùng con…
BMyC: Chị có lời khuyên nào dành cho các bố mẹ ở đây về việc sử dụng học liệu trong chương trình hay sáng tạo thêm như thế nào để buổi học trở nên hào hứng được không ạ?
Chị Linh: Lứa tuổi mầm non con chưa có độ tập trung cao, vì vậy bên cạnh việc nghe xem video đọc sách cùng con, chúng ta nên đa dạng cách tiếp cận thông qua việc sáng tạo công cụ học giúp con hào hứng hơn.
Các bố mẹ nên bám sát nội dung để sáng tạo. Ví dụ màu sắc, số học, học chữ….
Đối với việc đọc truyện chúng ta nên tái hiện hoạt cảnh, đóng vai các nhân vật. Việc học thông qua hoạt động sẽ giúp con rèn luyện được vận động tinh, vừa ghi nhớ hào hứng với nội dung học và có sự gắn kết tình cảm của bố mẹ và con cái.
Việc cùng con tìm tòi sáng tạo nội dung học đó là cơ hội chúng ta cho con công sức đóng góp và hoạt động nên con sẽ cảm thấy hào hứng, bố mẹ gần gũi và hiểu con như một người bạn đồng hành thực sự cùng con. Việc sáng tạo học liệu cùng con nó sẽ tốn rất nhiều thời gian công sức nhưng cái mà chúng ta nhận được nhiều hơn đó là những cảm xúc, những phút giây quý giá bên con mà khi chúng ta nhìn lại mới cảm thấy thực sự biết ơn và trân trọng.
Ở độ tuổi nào các con cũng cần được quan tâm và chăm sóc. Tuy nhiên giai đoạn từ 0-6 tuổi, trẻ đặc biệt cần sự quan tâm và tình yêu thương nên cha mẹ hãy dành nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc cho con qua các hoạt động đồng hành bởi ‘’lỡ dở tuổi thơ con có gom vàng cũng không bù được’’
Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đang đi. Chỉ khi đồng hành cùng con các bố mẹ mới cảm nhận và hiểu hết những giá trị của nó.
Hãy chia sẻ những cảm xúc của các bạn với chúng tôi trong cộng đồng BMyC để chúng ta có thêm động lực đi tiếp nhé.
Đọc thêm:
Tổng hợp kinh nghiệm đồng hành học tiếng Anh cùng trẻ cá tính
Cách luyện nghe tiếng Anh hiệu quả giúp trẻ tiến bộ thần tốc
Đồng hành cùng lứa tuổi mầm non hiện nay được rất nhiều các bố mẹ đã và đang quan tâm. Bài viết đã giúp các bố mẹ hiểu hơn về con khi đồng hành cùng độ tuổi này. Cảm ơn các Admin rất nhiều.
Pingback: Học qua app, bước bứt phá thần tốc cho giai đoạn khởi đầu - Phần 2