Không ai có thể tự tin rằng mình là một phụ huynh hoàn hảo bởi chúng ta cũng là lần đầu tiên được “lên chức”. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tự suy ngẫm, biết sai và biết sửa sai, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu trong hành trình nuôi dạy con cái của mình.
BMyC tin rằng bạn sẽ rút ngắn được thời gian học hỏi về cách làm cha mẹ tích cực thông qua 3 cuốn sách dưới đây.
Nội dung chính
1. Chuyện con mèo dạy hải âu bay
Đây là một tác phẩm vô cùng đáng yêu và lôi cuốn. Tuy được lồng ghép bởi những câu chuyện đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều bài học quý báu trong cách con người đối xử và tôn trọng lẫn nhau. Với những người đang trong hành trình làm cha mẹ, cuốn sách đặc biệt hữu ích trong việc áp dụng vào việc nuôi dạy con cái.
Chị Tran Thuy Lieu, phụ huynh học viên BMyC đã chia sẻ về cuốn sách này một cách tâm đắc:
“Chuyện con mèo dạy hải âu bay một tác phẩm chỉ vỏn vẹn gói gọn trong 144 trang giấy nhưng lại ẩn chứa những bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc. Dưới ngòi bút của nhà văn tài năng người Chi Lê Luis Sepúlveda thì những bài học ấy lại được truyền tải vô cùng nhẹ nhàng nhưng đanh thép, dễ hiểu nhưng vô cùng thấm thía:
“Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay”.
Vậy đấy, để yêu thương người khác thì chúng ta phải học cách chấp nhận sự khác biệt của nhau và không có ý định biến người đó trở nên giống mình giống như việc Zorba chấp nhận hải âu non bé bỏng Lucky vậy. Hãy là chính mình, đừng vì người khác mà thay đổi sự khác biệt, cá tính riêng đã làm lên con người mình “họ cười tôi vì tôi khác biệt tôi cười họ vì họ quá giống nhau”. Trong cuộc đời, có rất nhiều lý do để hạnh phúc. Một trong những thứ đó đều có sứ mệnh và giá trị của riêng mình, điều ta cần làm là đón nhận nó như một món quà, có thể nó không thật hoàn hảo nhưng hãy dũng cảm đối mặt, đừng vì sợ vấp ngã mà bỏ cuộc vì thành công sẽ đến từ những thất bại”.
2. Cách khen cách mắng cách phạt con
Đây là cuốn sách được viết bởi hai tác giả người Nhật Bản là Masami Sasaki và Wakamatsu Aki dành riêng cho bố mẹ muốn nuôi dạy con cái một cách lành mạnh và tích cực.
Nếu bạn đang là một người bố, người mẹ, hẳn bạn cũng đã từng la mắng con khi con hư, phạt con khi con làm sai hoặc khen con khi con làm được một việc tốt nào đó. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết cách để mối quan hệ với con trở nên hài hòa, tốt đẹp. Đó là lý do tác giả đã viết nên cuốn sách này và dưới đây là 3 bài học quan trọng từ cuốn sách.
Thứ nhất, hãy tạo sự cân bằng giữa việc khen ngợi và khiển trách con.
Khen ngợi và khích lệ là cách tuyệt vời giúp con phát triển lòng tự trọng và sự tự tin. Trong khi đó, việc khiển trách đúng mức, đúng lúc cũng là một cách làm hợp lý để con nhận ra những hành vi chưa phù hợp. Thế nhưng khen ngợi hay khiển trách cũng cần được thực hiện đúng cách.
Khi bạn khen ngợi, hãy làm cho điều đó trở nên cụ thể và chân thành. Chẳng hạn, đừng khen con chung chung kiểu “con thật giỏi, con thật tuyệt vời”. Hãy cụ thể hóa ra bằng việc nói “con thật đáng khen vì đã nỗ lực làm hết bài tập”, “con thật chăm chỉ vì ngày nào cũng đọc sách”.
Khi bạn khiển trách, hãy tập trung vào hành vi, không phải con người của con. Đừng nói “con hư quá”, hãy nói “mẹ không đồng ý khi con nói chuyện với người lớn như vậy”.
Thứ hai, hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu con.
Nhiều bố mẹ luôn muốn con hiểu cho nỗi vất vả của mình để chăm chỉ và ngoan ngoãn hơn. Nhưng ngược lại, không nhiều bố mẹ có thiện chí muốn tìm hiểu tâm tư của con. Rồi sau đó, chính bố mẹ lại thắc mắc vì sao con trở nên xa cách với mình.
Khi có thể lắng nghe con và để con yên tâm chia sẻ nỗi niềm, đó là lúc bố mẹ không chỉ là bố mẹ mà còn là một người bạn để con giãi bày tâm tư. Chỉ khi hiểu con, bố mẹ mới có thể hướng dẫn con đi đúng hướng.
Thứ ba, hãy tạo môi trường an toàn để con tự do phát triển.
Đương nhiên, điều này cũng bao gồm việc đặt ra ranh giới rõ ràng để con có thể trải nghiệm nhưng vẫn trong giới hạn cho phép. Đôi khi để con tự khám phá và mắc lỗi lại là cách để con học hỏi và phát triển nhanh hơn.
3. Thế bây giờ mẹ muốn “cái giề”
Nhắc đến cuốn sách có tiêu đề vừa lạ lùng vừa hài hước này, phụ huynh Lương Dung chia sẻ như sau:
“Con không nghe lời mình, thích xem tivi, lười làm việc nhà, hay cáu gắt và lắm lý lẽ… Mình đã từng thấy con là một em bé thật nhiều khuyết điểm. Mình lờ mờ hiểu được mình chính là nguyên nhân khiến con như thế nhưng thực sự để công nhận sai lầm của mình và sửa đổi không phải là việc dễ.
Khi nghe tên cuốn sách, mình đã thấy nhột nhột, nghĩ thầm “chắc là nó dành cho mình rồi”.
Vừa đọc sách vừa nhìn lại, mình nhận ra bản thân đã có một hành trình làm mẹ đầy sai lầm và tiếc nuối”.
Thông điệp chính mà cuốn sách muốn hướng tới khiến tất cả các phụ huynh đều thức tỉnh: Bố mẹ là những người làm vườn, không phải những thợ mộc.
Thông thường, theo cách nuôi dạy con truyền thống, bố mẹ thường lặp lại cách nuôi dạy mà mình đã được thừa hưởng từ nhỏ. Cách nuôi dạy này cũng giống như cách làm của một người thợ mộc. Không cần biết con cần gì, muốn gì, chỉ uốn nắn mọi góc cạnh của con theo ý mình, bào phẳng mọi gai góc, cá tính của con, thậm chí cố định con bằng những chiếc “đinh” khuôn khổ đầy đau đớn.
Nuôi dạy con theo cách của những người thợ mộc sẽ tạo ra những đứa trẻ vụng về, luống cuống trước thế giới, luôn lo sợ khi muốn làm khác với yêu cầu của bố mẹ. Sợi dây tình cảm gắn kết giữa bố mẹ và con cũng bị cắt đứt bởi cách giao tiếp khắc nghiệt.
Chúng ta hoàn toàn có thể nuôi dạy con theo một cách khác, lành mạnh và tích cực như cách thức của người làm vườn.
“Người làm vườn sẽ hiểu từng cái cây của mình và tạo mọi điều kiện (cung cấp đủ nước, dinh dưỡng và ánh sáng) để cây phát triển tốt nhất theo khả năng của nó…
Nếu cha mẹ muốn kết nối với con, muốn con phát triển lành mạnh và hạnh phúc, chúng ta cần làm tốt vai trò của mình ở từng giai đoạn phát triển khác nhau của con: làm cha mẹ khi con còn nhỏ và chuyển sang làm huấn luyện viên, người cố vấn, người bạn khi con lớn hơn.
Nếu muốn có kết quả khác, bạn phải làm khác đi.”
Đó cũng là những thông điệp mà BMyC muốn gửi tới các bố mẹ xuyên suốt hành trình nuôi dạy con nói chung và hành trình đồng hành cùng con học tiếng Anh nói riêng.
Mỗi em bé đều là một đóa hoa có màu sắc và hương thơm của riêng mình. Việc của những người làm bố, làm mẹ như chúng ta là phát hiện ra màu sắc và hương thơm riêng biệt ấy và tạo điều kiện để chúng được phát triển. Đừng ngó nghiêng hay so sánh bông hoa của nhà mình với những bông hoa khác. Học hỏi kiến thức, kinh nghiệm là cần thiết nhưng quan trọng nhất là hãy biết lắng nghe.
Chúc bố mẹ có một hành trình thật hạnh phúc bên con!
Tham gia Group Bố mẹ yêu con ngay để được tư vấn và hỗ trợ trong việc chọn lựa phương pháp học tiếng Anh online cho bé phù hợp và lộ trình để đạt được mục tiêu học tập cho con một cách hiệu quả nhất!
Xem Thêm:
- Bố mẹ ơi, xin hãy nói với con 7 câu này khi con buồn bực nhé
- Bạn có từng nổi điên với con vì áp lực và bất lực?