Nhân sự kiện BMyC đang tổ chức cuộc thi “THE TEACHER IN MY HEART”, mình chia sẻ kinh nghiệm bản thân hướng dẫn cách làm video “nhìn gần chuyên nghiệp” cho người mới bắt đầu. Những bạn ngại quay video thì đảm bảo vẫn có những video ấn tượng để tham gia chương trình, gây ấn tượng tốt để tăng like – tăng view nha.
Nội dung chính
1. Chọn thời điểm và bố cục.
Sẽ thật khó cho dân không chuyên đi quay vào một ngày ảm đạm hay quay nơi thiếu sáng, hình lên thiếu sáng sẽ vỡ nét và tối. Không cần phải quay lúc nắng chói chang rọi mặt nhưng góc quay phải đủ ánh sáng, lên hình tươi tắn là đã ăn điểm rồi. Như video của mình quay vào đợt mưa triền miên nên để có được góc quay sáng phải canh miết mới được.
Nên quay ở những góc thoáng, rộng, bên cạnh các góc quay cận cảnh thì nên thủ sẵn những góc kiểu phóng tầm mắt xa tít.
2. Nên quay bằng App hỗ trợ thì video càng chất lượng.
Nếu bạn không có 1 điện thoại tốt nhưng muốn điều chỉnh được tông sáng, iso, focus…thì nên tải 1 app hỗ trợ, chất lượng hình ảnh sẽ lên hẳn. Mình thì thường dùng Filmic Pro.
3. Kịch bản rõ ràng, lên kế hoạch bài bản từ đầu.
Phân cảnh rõ ràng, quay cái gì, ở đâu, đoạn nào cận cảnh đoạn nào cần di động, đoạn nào muốn chèn video khác… Như thế thì vác máy đi trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì tầm 1h có khi quay hết video với nhiều góc độ khác nhau. Chi tiết hóa kế hoạch từ đầu thì tới khi quay đỡ loạn ý tưởng, tránh kiểu khi tới quay thì không thống nhất, không biết nên lấy góc nào, đoạn nào cần tập trung…
4. Thu âm trước.
Bạn thường thấy nhiều video quay ngoại cảnh rất ồn, làm video giảm chất lượng hẳn. Bí quyết là thu âm sẵn bài nói của con, kiếm phòng nhỏ đóng cửa, tắt quạt và bật điện thoại ghi âm. Đảm bảo xịn không thua gì đi thu âm ở phòng thu, mà phòng thu chỗ mình 300k/ trang nhé. Tiết kiệm là quốc sách!
Lưu ý : lúc ghi âm phải nói theo tông giọng bình thường nhé, để còn phần sau ráp lời.
5. Ráp lời để quay
Dĩ nhiên là để quay phim con phải thuộc bài rồi, thuộc mới đặt cảm xúc vào lời nói được. Nhưng mà phải nghe vài lần bản thu trước và tập cảm nhận nhịp điệu của bản thu, tập nói theo bản thu cho khớp. Khi đảm bảo khớp rồi thì bỏ file ghi âm vào loa chúng ta hay học bài đấy, mang theo khi quay.
Khi quay, để loa gần con, đếm 1 2 3 thì bật loa, con nói theo, thế thôi, nói khớp là đạt.
Chú ý: Nếu có mic lọc ồn thì bố mẹ có thể bỏ qua bước 4 và bước 5 nhé.
6. Xử lý hậu kỳ âm thanh.
Khi quay sẽ có âm thanh của cả loa và con cùng nói. Dùng phần mềm xử lý hậu kỳ để tắt âm thanh video quay con, rồi ráp phần ghi âm vào cho khớp là đươc. Cái này dễ! Hiện nay có các phần mềm làm video phổ biến như Camtasia, Capcut, Canva hay Kinemaster làm bạn khó lựa chọn. Thực ra dùng qua rồi thì thấy dùng được 1 cái thì cái nào cũng dùng được, như nhau cả thôi, chức năng gần gần cả. Tuy nhiên mỗi phần mềm sẽ mạnh về 1 kiểu nên ai quen thường dùng kết hợp 2 đến 3 phần mềm để tạo ra 1 video. Còn không quen dùng 1 thôi cũng đã long lanh lắm rồi. Bạn đang dùng phần mềm nào cứ dùng cho quen tay, không nhất thiết theo trào lưu nghe quảng cáo cái nào hay là tải. Nhưng để làm nhanh thì nên dùng máy tính, mình cái gì cứ tốc độ là làm, lọ mọ dí dí cái điện thoại khó chịu lắm, tay mình thô vụng cứ phải chặt to kho mặn quen rồi.
Để ráp âm thanh khớp thì cứ lôi hết các video bạn ưng ý lên timeline nhé, lôi cả phần ghi âm. Tiếp đến là đánh dấu mốc đầu cho tất cả các video phải khớp nhịp với bản ghi âm. Nói khó nhưng làm dễ, capcut có chức năng đập beat ấy, check beat của của các video và ghi âm đánh dấu lại mốc đầu rồi kéo các mốc này thẳng hàng là âm ở video (cử động môi) và mp3 ghi âm sẵn khớp rồi. Ai dùng camtasia thì phần này cũng có trong hướng dẫn. Túm lại dễ!
Xem thêm : Quay phim bằng điện thoại để có video ưng ý nhất 2021
7. Xử lý hình ảnh
Nãy đã kéo hết video quay ưng ý vào timeline thì giờ lựa đoạn nào ưng thì cắt đoạn để lại, đoạn nào ko ưng xóa thôi. Ai dùng app mà không biết chức năng cắt đâu nè. Thêm hiệu ứng chuyển tiếp giữa các đoạn cho mượt.
Túm lại là cách sử dụng công cụ thì mình thấy các phần mềm đa phần giống nhau. Phần chèn ảnh chèn video thì Capcut gọi là thêm lớp phủ, còn các phần mềm khác cứ kéo video vào timeline thôi.
8. Tạo phụ đề
Để tạo phụ đề tự động thì trước tiên phải có file phụ đề. Dùng Autosub để tạo file Phụ đề trước, vài giây bạn có thể tạo ra bất cứ file gì mình thích. Chỉ cần quăng video bạn muốn có sub vào, vài giây nó sẽ tạo ra 1 file chia sẵn các mốc cụ thể câu nào xuất hiện ở đâu… Quá khỏe. Link tải và hướng dẫn xem ở link dưới.
Có file phụ đề tự động rồi thì có rất nhiều cách đề tạo phụ đề cho video, mình đang dùng camtasia thì chỉ mở phần mềm, load file này lên là nó bắt luôn phụ đề cho video như các bạn đang thấy. Tuy nhiên nhiều khi bạn thấy rằng nhiều người phát âm không chuẩn thì phụ đề ra sai vài từ, bạn nhớ chỉnh sửa lại chút là được. Bạn nào phát âm tốt thì 1 nhát ăn ngay khỏi phải sửa sang gì.
Chừng đó thôi là có 1 video xịn sò rồi nha các bạn. Mình gà mờ công nghệ mà làm được là ai cũng làm được nè. Mình dùng phần mềm xử lý hậu kỳ bằng Camtasia 2020, và học chủ yếu qua youtube, kênh mình học có đủ thông tin về Camtasia để bạn có thể từ người chưa biết cũng thành bán chuyên nghiệp rồi, thực hành nhiều là ý tưởng nhiều, không giỏi cũng siêu nhân. Các thông tin về sử dụng autosub bạn chỉ cần gõ tìm kiếm trong kênh đó là ra hết nhé.
Vất vả nhất là phần Intro đầu, vì nó truyền tải thông điệp cả bài của con. Phần giới thiệu này mình dùng Canva rồi xử lý sang Camtasia. Để tạo được 1 Intro ấn tượng mình sẽ giới thiệu ở bài khác.
Link học, tải app tất tần tật: https://many.link/hangbmyc
Và giờ mời cả nhà lắng nghe Harry Đức Anh gửi gắm đến thầy cô những tình cảm yêu thương và trân trọng. Chào đón tháng 11 với ngày Nhà giáo Việt Nam, tri ân những con người thầm lặng đến bên đời con nâng cánh mỗi ngày!
Hỗ trợ