Việc cho trẻ tiếp xúc và thành thạo nhiều ngôn ngữ ngay từ nhỏ giờ đây không còn là điều gì xa lạ mà đã trở thành một xu thế.
Trước đây, điều này thường chỉ phổ biến ở những gia đình có bố hoặc mẹ là người nước ngoài hoặc định cư ở nước ngoài. Nhưng hiện tại, ngay cả các gia đình thuần Việt 100% cũng bắt đầu nhập cuộc.
Trong bài viết này, hãy cùng BMyC tìm hiểu về kinh nghiệm đồng hành cùng con học đa ngôn ngữ hiệu quả nhé.
Nội dung chính
1. Học nhiều ngôn ngữ để làm gì?
Trong xã hội toàn cầu hóa như hiện nay, thành thạo nhiều ngôn ngữ được coi là một lợi thế vượt trội.
Phụ huynh Hằng Nguyễn, người giúp con chinh phục thành công tiếng Anh, tiếng Trung và định hướng tương lai là tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha có chia sẻ về lý do cho con học nhiều ngôn ngữ như sau:
“Càng nhiều ngôn ngữ, tư duy càng mở rộng giống như việc tiếp cận được nhiều luồng thông tin mà không bị bó buộc vào một tầng tư duy hay quan điểm nào cả.
Lợi ích đi kèm thì chắc chắn con đường tương lai trong cạnh tranh thị trường lao động, đương nhiên con sẽ có nhiều lựa chọn và chủ động lựa chọn đối tác làm việc thay vì chỉ chờ người ta trao cho cơ hội.
Đấy là lý do mình cho con học nhiều ngoại ngữ, hết cấp 3 coi như sở hữu được 3 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, còn lại con thích tự khai thác ngôn ngữ nào thêm vào thì càng khuyến khích.”
Bên cạnh đó, phụ huynh Pham Thi Thuy Linh cũng chia sẻ cảm nhận thực tế khi cho con học nhiều ngôn ngữ như sau:
“Mình mong muốn con giao tiếp được tiếng Trung và 1-2 năm tới khi tiếng Trung đã hòm hòm thì sẽ giúp con học sang tiếng Pháp. Có thể bạn thắc mắc học nhiều ngôn ngữ để làm gì? Thực sự khi đồng hành cùng con học tiếng Anh, mình nhận thấy rất nhiều điều tuyệt vời:
Thứ nhất, con tập trung hơn.
Điều này không phải do ngôn ngữ mang lại, mà do cách con học trong quá trình ngôn ngữ. Tai con phải thính, kể cả tụi nhỏ vừa học vừa chơi búp bê vừa trêu nhau nhưng chúng nó vẫn để tâm đến video đang học, vẫn nhớ được những cái cần nhớ.
Bạn Hằng có độ tập trung khá tốt. Khi nghe tiếng Anh, dù mồm vẫn đá đưa cãi nhau với bé Ba, tay vẫn đi chơi hơi xa, nhưng hết bài vẫn nắm được các ý của bài nghe. Mình nghĩ điều này giúp Hằng đi học ở lớp 1, lớp 2 rất thuận lợi vì trẻ nhỏ chỉ cần tập trung để ý bài giảng ở lớp của cô thì đều sẽ làm được hết.
Thứ hai, mỗi ngôn ngữ con khai thác dường như giúp con mở thêm một vùng trong vỏ não.
Mình không phải là nhà sinh học, nhưng mình cảm thấy ngôn ngữ kích hoạt tất cả sự nhạy cảm linh hoạt của con. Khi trẻ con sinh ra, vỏ não đã chấp nhận tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ và đóng lại các cánh cửa ngôn ngữ khác để tiếp nhận Tiếng Việt. Vậy nên việc học thêm một ngôn ngữ vừa là mở thêm một cánh cửa – vừa khai thác thêm tốc độ của não.
Hệ quả của việc học đa ngôn ngữ là những em bé khá “nhạy bén” trong cảm nhận, đặc biệt trong việc cảm âm. Khi con nắm được cách học một ngôn ngữ, thì không ngôn ngữ nào làm khó con được.”
2. Sau tiếng Anh sẽ là gì?
Với phụ huynh Pham Thi Thuy Linh, sau tiếng Anh sẽ là tiếng Trung bởi chị cảm nhận đó là ngôn ngữ con sẽ cần sau này và quan trọng hơn, đây là một ngôn ngữ tương đối khó học so với các ngôn ngữ khác. Quan điểm của chị Linh là “khó học sớm, dễ học sau”.
Bên cạnh đó, đa số phụ huynh trong group BMyC cũng lựa chọn tiếng Trung làm đích đến tiếp theo sau tiếng Anh vì độ phổ biến của ngôn ngữ này.
Tuy nhiên, cũng không ít các phụ huynh khác lựa chọn tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha vì nhiều lý do. Có người chọn vì đó là ngôn ngữ của quốc gia mà họ đang định cư. Cũng có người chọn vì con có cơ duyên đỗ vào lớp chuyên ngôn ngữ đó.
3. Học song song hay dứt điểm từng ngôn ngữ?
Về việc này, mỗi gia đình lại có một quan điểm khác nhau.
Theo phụ huynh Hằng Nguyễn, các bố mẹ nên cho con học “chuẩn chỉ” một ngôn ngữ, sau đó mới chuyển sang ngôn ngữ khác bởi nếu học song song thì sẽ không có thời gian.
Với nhà chị Hằng, chị quyết định đồng hành cùng con xuyên suốt với tiếng Anh từ cơ bản đến khi thành thạo. Các ngôn ngữ khác chỉ là phụ và chỉ dừng lại ở nghe nói chứ không nâng lên học thuật.
Theo kinh nghiệm đồng hành cùng con của chị, để giúp con thực hiện được mục tiêu nghe – nói – đọc thành thạo thì chỉ cần 1-2 năm, sau đó giúp con duy trì việc đọc sách, xem phim để duy trì phản xạ.
Khác với chị Hằng, chị Trần Thị Mỹ Huyền lại quyết định cho con học 3 ngoại ngữ Anh, Trung, Pháp theo kiểu “gối đầu”.
Bé Như Ý (2017) nhà chị Mỹ Huyền bắt đầu học tiếng Anh cùng mẹ từ khi 4 tuổi. Sau 6 tháng học tiếng Anh, bé Như Ý đã học đến giữa Speed 2. Nhận thấy con khá nhạy bén về ngôn ngữ, chị quyết định cho con tiếp xúc với tiếng Trung song song với việc học tiếng Anh theo task.
Thật ra ban đầu, chị Huyền chỉ mua lộ trình tiếng Trung cho bé Gia Phát (2012), anh trai của bé Như Ý. Nhưng sau đó, chị quyết định mua thêm cho bé Như Ý và để hai anh em cùng hỗ trợ nhau.
Sau khi học tiếng Trung 1,5 năm thì chị Huyền lại cho các con tiếp cận với tiếng Pháp thông qua chương trình Acellus.
Hiện tại, nhờ có hai anh em cùng học và cùng tương tác nên chị Huyền không mất quá nhiều thời gian và công sức mà các con vẫn duy trì thói quen rèn luyện cả 3 thứ tiếng Anh, Trung, Pháp mỗi ngày.
Học và thực hành nhiều thứ tiếng trong một ngày nhưng phương châm của chị Huyền là mỗi ngày một chút, không ép con học quá nhiều. Các con ngoài học ngoại ngữ vẫn có thời gian cho việc học kỹ năng và năng khiếu như học bơi, học piano, học nhảy, học vẽ…
Có lẽ, không có một câu trả lời cụ thể cho việc lựa chọn tiếp cận song song hay dứt điểm từng ngôn ngữ bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng của con, thời gian hỗ trợ của bố mẹ, khả năng chi trả học phí…
Các bố mẹ hãy xem xét tình hình của gia đình mình để đưa ra lựa chọn phù hợp.
4. Tương tác: điều khiến các bố mẹ lo lắng nhất
Đồng hành cùng con học tiếng Anh, bố mẹ nào cũng băn khoăn về khoản tương tác vì cảm thấy bản thân “mù tịt” ngôn ngữ này cho dù đã từng học ở thời phổ thông.
Vì vậy mà khi đồng hành cùng con tiếp cận một ngôn ngữ mới hoàn toàn, bố mẹ càng cảm thấy hoang mang cũng là điều dễ hiểu.
Phụ huynh Lê Minh Lục chia sẻ:
“Khi bắt đầu lựa chọn một ngôn ngữ mới để học thì điều mình lo lắng nhất là đến phần tương tác, nhất là với ngôn ngữ mà mình chưa từng nghĩ tới, chưa từng tiếp xúc… và con mình khi học một mình rất mất tập trung nên luôn cần có người bên cạnh làm cùng.”
Phụ huynh Ngan Nguyen cũng không kém phần lo ngại:
“Nhà mình học thì thấy phần khó nhất của task học là phần tương tác. Lúc mới đầu nhà mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mình thì ‘gà’ nên nhìn pinyin đọc thì nhiều lúc còn không biết đúng hay sai nên khi nghe tương tác cùng con thật sự cảm thấy khó, muốn bỏ cuộc.”
Tuy nhiên, không gì có thể làm khó các phụ huynh của BMyC. Sau giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu, dần dần các bố mẹ đã tìm ra cách thức phù hợp để tương tác cùng con.
- Thứ nhất, in tài liệu học cho con, copy phần hình ảnh qua file riêng, hướng dẫn con tự tìm hình ảnh phù hợp.
- Thứ hai, cho con nghe bị động theo file mp3 và nghe chủ động kết hợp dò theo chữ trên file in.
- Thứ ba, ghi nhớ một số câu hỏi tương tác cơ bản để hỏi lặp đi lặp lại với nhiều đồ vật khác nhau.
- Thứ tư, bố mẹ và con là bạn học của nhau, được giao nhiệm vụ rõ ràng, thưởng phạt công bằng. Phần thưởng có thể là món ăn hoặc sách, truyện con thích. Còn hình phạt thì nên chọn hình phạt vui vui như uống nước, nhảy lò cò, hít đất… Bố mẹ và con cùng sáng tạo trò chơi với nhau: thi đua tìm kiếm, tô màu, bốc thăm…
- Thứ năm, đôi khi bố mẹ nên giả vờ thua để con thêm hào hứng và có cơ hội thể hiện bản thân.
Nhờ kiên trì mỗi ngày từng chút một nên bố mẹ và các con đều vượt qua từng task học một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
5. Kinh nghiệm sắp xếp thời gian để đồng hành cùng con học đa ngôn ngữ
Việc sắp xếp thời gian để đồng hành cùng con học đa ngôn ngữ nghe thì có vẻ khó nhằn nhưng khi viết mọi thứ rõ ràng thành bảng kế hoạch cụ thể, chi tiết thì lại không quá khó để thực hiện.
Với phụ huynh Hằng Nguyễn, việc sắp xếp thời gian cho hai con sẽ diễn ra như sau:
“Với tiếng Anh thì hai đứa con mình ở nhà giao tiếp hoàn toàn bằng ngôn ngữ đấy rồi. Buổi tối sẽ có 1 tiếng đứng lớp hỗ trợ ESC. Thứ 6, thứ 7, chủ nhật thì hai đứa mới dành thời gian học tiếng Anh. Tiếng Trung thì từ thứ hai đến thứ năm, ngày nào cũng học 1 tiếng. Từ thứ sáu đến chủ nhật thì hai đứa chỉ đọc truyện tiếng Trung ngày 3-5 bài. Nói chung là thời gian đối với nhà mình cũng khá thênh thang vì nhà mình 10h30 mới chuẩn bị đi ngủ, 11h mới ngủ. Chứ nếu muốn học nhiều chơi nhiều mà 8h đi ngủ thì e rằng hơi khó.”
Phụ huynh Phạm Giang Thanh cũng chia sẻ ngắn gọn về thời gian biểu mỗi ngày của con trai học lớp 2:
“Sáng 5h15, học Acellus.
6h10 ăn sáng, đi học.
Trưa nghe 30 phút tiếng Trung, làm bài Toán nâng cao.
Chiếu tối đọc Razkids, rèn luyện cơ thể bằng việc đạp xe, chơi cầu lông hoặc bóng bàn.
Buổi tối làm bài tập về nhà (bài về nhà rất ít), sau đó nghe tiếng Trung, đọc sách.
21h lên giường đi ngủ.”
Cũng với cách phân bố thời gian biểu khoa học như hai phụ huynh trên, chị Trần Thị Mỹ Huyền thậm chí còn lên sẵn kế hoạch cho hai giai đoạn: trong hè và vào năm học.
Thời gian biểu trong hè | Thời gian biểu khi vào năm học |
1. Ngủ dậy, chơi piano 30 phút | 1. Đánh đàn |
2. Học tiếng Anh 1 tiếng (20 phút Acellus, 20 phút lồng tiếng, 20 phút đọc Razkids) | 2. Đi học bán trú ở trường |
3. Đọc truyện, xem Little Fox tiếng Trung 30 phút | 3. Từ 4h30 đến 5h30, thứ 2,4,6 đi bơi và thứ 7, chủ nhật đi nhảy |
4. Nghỉ ngơi, ăn trưa | 4. Học tiếng Anh từ 6h30 đến 7h30 |
5. Học tiếng Pháp 50 phút (20 phút Acellus, 15 phút đọc cuốn đánh vần tiếng Pháp, 15 phút đọc Razkids tiếng Pháp) | 5. Nghỉ ngơi |
6. Tối đi chơi | 6. Học tiếng Pháp với anh từ 8h đến 8h45 |
7. Đọc truyện, xem Little Fox tiếng Trung khoảng 15, 20 phút |
Chị chia sẻ thêm rằng tại trường tiểu học của con, mọi bài tập đều được cô giáo hỗ trợ làm hết trên lớp nên con hoàn toàn thoải mái, có thời gian tập trung học ngôn ngữ và các môn năng khiếu.
Với những chia sẻ đầy kinh nghiệm của các phụ huynh BMyC, có thể thấy việc đồng hành cùng con học đa ngôn ngữ (ngay cả khi bố mẹ không biết gì về ngôn ngữ này) là điều hoàn toàn khả quan. Chỉ cần kiên nhẫn, đầu tư thời gian tìm hiểu phương pháp và chịu khó quan sát con để cân đối về thời gian, kiến thức thì BMyC tin rằng bố mẹ nào cũng có thể làm được.
Nếu bố mẹ đang chuẩn bị giúp con chinh phục ngôn ngữ thứ ba mà chưa biết nên làm thế nào thì hãy chia sẻ lên group BMyC để được hỗ trợ từ đồng đội nhé.
Tham gia Group Bố mẹ yêu con ngay để được tư vấn và hỗ trợ trong việc chọn lựa phương pháp học tiếng Anh online cho bé phù hợp và lộ trình để đạt được mục tiêu học tập cho con một cách hiệu quả nhất!
Xem Thêm:
Hành trình từ con số 0 đến nói hai thứ tiếng Trung, Anh chỉ sau 1 năm