Hành trình đồng hành cùng con chưa bao giờ là đơn giản phải không bố mẹ? BMyC nhận được rất nhiều chia sẻ rằng vào giai đoạn đầu khi mới học tiếng Anh, nhiều bé còn chưa hợp tác, hay chống đối, tỏ ra tức giận và buồn bã khi bố mẹ nhắc học bài.
Cũng vào giai đoạn này, một số bố mẹ chưa hiểu rõ phần tạo thói quen trong phương pháp 3-4-7 nên ngay lập tức ép con học nghiêm túc, gây ra những mâu thuẫn, xung đột không đáng có.
Nếu như sự rạn nứt tình cảm không được khắc phục đúng cách, việc đồng hành cùng con sau này sẽ rất khó khăn. Vậy khi con đang tức giận, bất hợp tác, bố mẹ cần nói gì để giảm bớt hành vi chống đối ở con mà sợi dây tình cảm vẫn bền chặt? Bố mẹ hãy tham khảo 7 câu nói sau đây:
Nội dung chính
1. Buồn bực cũng không sao
Là người giúp con đối mặt với sự tức giận, điều đầu tiên mà bố mẹ cần dạy con là cảm xúc có nghĩa là phải trải nghiệm. Con cần được cảm nhận một cách thực tế về những cảm xúc của mình. Và để cảm nhận điều đó, con có thể để cảm xúc của mình bộc phát ra ngoài.
Bằng cách này, bạn vừa thừa nhận cảm xúc của con vừa thể hiện cho con thấy rằng những cảm xúc tiêu cực không phải là điều gì quá đáng sợ đến mức phải tránh né.
Trong khi đồng hành cùng con học tiếng Anh, BMyC biết thật khó để các bố mẹ có thể bình tĩnh đối phó với cơn tức giận của con bởi lúc này, có lẽ cảm xúc của bố mẹ cũng rối ren không kém.
Tuy nhiên, là người lớn, bố mẹ đã có nhiều trải nghiệm về quản lý cảm xúc hay ít ra cũng biết cách tìm hiểu thông tin về chủ đề này nhưng trẻ thì không.
Vì vậy, nếu cảm thấy bản thân đang mất bình tĩnh, hãy hít thở sâu và nói với con một cách chậm rãi, nhẹ nhàng:
“Con đang nắm chặt tay/hét to với mẹ, có vẻ như con đang tức giận vì mẹ đã không cho con xem chương trình con thích mà bảo con phải học bài. Tức giận một chút cũng không sao. Mẹ sẽ ở đây với con đến khi con bình tĩnh lại và muốn nói chuyện với mẹ.”
2. Mẹ đang lắng nghe con – Mẹ ở đây vì con – Mẹ sẽ ở lại với con
Có phải bố mẹ từng nghe một câu nói rằng: “Đôi khi để giúp người khác vượt qua sự tức giận và buồn chán, đừng cố an ủi họ mà hãy ở bên và lắng nghe họ”?
Món quà tốt nhất mà chúng ta có thể tặng cho người khác là ở bên đối phương và tôn trọng cảm xúc của họ. Đó cũng là điều mà chúng ta cần phải làm cho con cái của mình.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến con nảy sinh cảm giác khó chịu: bất đồng với bố mẹ, bạn bè, phải làm một nhiệm vụ mà con không thích, phải nhường nhịn đồ chơi mà con không muốn….
Những lúc này, trẻ rất cần câu nói này của bố mẹ:
“Con đang khó chịu à, chúng ta ngồi xuống đây một chút nhé. Đôi khi khó chịu một chút cũng không sao cả, mẹ sẽ ở đây để lắng nghe con. Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con.”
3. Con có thể tức giận nhưng không được phép đánh người khác
Chúng ta có thể thể hiện sự cảm thông và thấu hiểu với cảm xúc của trẻ nhưng không có nghĩa phải chấp nhận mọi hành vi bộc phát khi nóng giận của con.
Đôi khi bố mẹ cần phải đặt ra một giới hạn rõ ràng trong cách con chúng ta thể hiện cảm xúc của chúng. Không phải bản thân cảm xúc mà là cách con thể hiện cảm xúc cần thay đổi.
“Con trông giống như đang rất tức giận. Con giận mẹ cũng không sao nhưng không được đánh mẹ. Mẹ sẽ không để cho con đánh. Mẹ sẽ ở đây cùng con hoặc mẹ sẽ để cho con ngồi một mình yên tĩnh đến khi nào con hết giận. Sau đó, mình sẽ nói chuyện với nhau nhé”.
Đây là một câu nói thể hiện quan điểm rõ ràng – hành vi đánh người khác là không được chấp nhận. Khi nói ra câu này, bố mẹ cần giữ được sự nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm túc trong câu nói để con hiểu rằng bố mẹ nghiêm khắc nhưng vẫn yêu thương mình. Mặt khác, câu nói này sẽ giúp con hiểu rằng hành vi đánh người khác không bao giờ được chấp nhận, cho dù nó được núp bóng dưới danh nghĩa cơn tức giận của con.
Tuy nhiên, trẻ con rất hay học hỏi, sao chép từ hành vi của người lớn. Vì vậy, bố mẹ cũng cần giữ thái độ bình tĩnh trong khi dạy con và đừng bao giờ bao biện rằng: “Bố mẹ bị áp lực công việc hay do vốn nóng tính nên trót đánh con”. Nếu ngay cả bố mẹ còn chưa làm được, sao con có thể tâm phục khẩu phục?
BMYC PRO – KHÓA HỌC NÂNG CAO PHẢN XẠ GIAO TIẾP & SỬ DỤNG TIẾNG ANH CHO BÉ
- Đối tượng học viên: các bé 5-9 tuổi chưa học tiếng Anh hoặc chưa nghe nói, đọc hiểu được tiếng Anh.
- Cách học: Bố mẹ đồng hành cùng con và 2-3 buổi 60 phút/tuần con học với giáo viên theo hình thức 1 kèm 3, kiểm tra cuối kỳ và họp phụ huynh 3 lần.
4. Cảm giác của con lúc này sẽ không kéo dài mãi mãi đâu
Chẳng hạn, con vừa phải trải qua một ngày tồi tệ khi xích mích với bạn bè hoặc nhận được kết quả thi không như mong muốn và con hành động như thể mình đã mất đi tất cả. Cảm xúc của con đang lấn át và chế ngự mọi thứ, con có thể cảm thấy rằng mọi chuyện đã không thể cứu vãn.
Lúc này, bố mẹ hãy nhẹ nhàng đến bên con và giúp con trấn tĩnh lại:
“Bố/mẹ hiểu lúc này con đang cảm thấy rất khó chịu và tồi tệ. Nhưng đó chỉ là cảm xúc của ngày hôm nay và nó sẽ không kéo dài mãi mãi đâu. Dần dần rồi cơn tức giận của con sẽ qua đi và con sẽ thấy khá hơn”.
Vào những lúc như thế này, cho dù con đang tức giận vì một chuyện “nhỏ nhặt” như thế nào, hãy nhớ rằng con là một đứa trẻ chưa có nhiều trải nghiệm. Mọi vấn đề trông có vẻ “nhỏ nhặt” đối với bố mẹ nhưng với con đều là chuyện động trời.
Và vì vậy, trước khi quyết định nên cùng con giải quyết cảm xúc thế nào, hãy tôn trọng cảm xúc của con trước tiên.
5. Hãy hít thở, nghỉ ngơi một chút
Thật khó khăn khi phải ngồi yên tĩnh với một mớ cảm xúc khó chịu chỉ để cảm nhận và sống trong nó. Nhưng nếu bố mẹ để con làm điều này, cảm xúc tiêu cực của con có thể trôi qua dễ dàng hơn.
Chúng ta đều biết câu nói “Thời gian sẽ xoa dịu nỗi đau”. Đây chính là lúc bố mẹ nên áp dụng câu nói này để con ngồi một mình với cảm xúc của bản thân.
“Bây giờ con hãy ngồi xuống, hít thở và bình tĩnh nghỉ ngơi một chút nhé”.
Nhiều bố mẹ không thể thích ứng được với cách giải quyết chậm rãi này mà lúc nào cũng muốn con phải nhanh chóng vượt qua vấn đề.
“Chuyện này có gì đâu mà buồn? Chơi một tí/ngủ một tí là hết ngay ấy mà”.
Các bố mẹ cho rằng để con hết buồn thì cần gạt ngay nỗi buồn của con đi và thể hiện cho con thấy một thái độ tích cực.
Thế nhưng bố mẹ không hiểu rằng, khi cảm xúc không được thừa nhận và không được giải quyết đến nơi đến chốn, nó có thể lắng xuống nhưng vẫn tắc nghẽn bên trong. Thậm chí, nó có thể lặp đi lặp lại trong các trải nghiệm sau này của con khiến sự tắc nghẽn lớn dần và con sẽ càng bị tổn thương nặng nề.
Thế nhưng, nếu được giúp đỡ để vượt qua trạng thái đau buồn, con sẽ trở nên “có kinh nghiệm” và bình tĩnh hơn trong những cơn tức giận lần sau. Con cũng sẽ kiên cường hơn và có cách giải quyết tích cực hơn cho cơn giận của mình.
6. Con rất tốt bụng
Bị rối loạn kiểm soát không phải là xấu. Tức giận hay thất vọng cũng không phải là xấu. Tuy nhiên, khi xúc động, không phải lựa chọn nào của chúng ta cũng sáng suốt. Con chúng ta cũng vậy.
Con có thể mắc sai lầm hoặc đưa ra những lựa chọn sai lầm nhưng đó là cách con hành động chứ không phải bản chất của con. Vì vậy, đừng bao giờ “dán nhãn” với ý nghĩa tồi tệ lên con dựa trên hành động của chúng. Thay vào đó, hãy “dán nhãn” tích cực lên con.
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy khi công nhận trẻ là một con người tốt bụng, trẻ sẽ trở nên hào phóng hơn. Hãy cho con biết rằng bất kể có lúc con tức giận và tỏ ra khó chịu, con vẫn là một đứa trẻ tốt bụng và tử tế.
Chẳng hạn, khi con đang có xích mích với anh chị em trong nhà, con đã nói những lời không hay. Lúc này, thay vì tức giận và trừng phạt con, bố mẹ có thể nói rằng:
“Bố mẹ biết con đang tức giận nên mới nói với anh/chị/em như thế. Thế nhưng con nói vậy sẽ khiến anh/chị/em bị tổn thương và rất buồn. Con là một cậu bé/cô bé tốt bụng. Con nghĩ xem mình có thể làm gì để giúp anh/chị/em cảm thấy bớt buồn hơn?”
Cách này cũng có thể áp dụng cho những mâu thuẫn của con với bạn bè. Bố mẹ hãy thử xem nhé.
7. Mẹ sẽ ở đây khi con cần mẹ
Có những lúc, cơn tức giận của con leo thang khiến con phản ứng hơi thái quá so với thường ngày. Nhìn từ bên ngoài, có thể bố mẹ chẳng hiểu tại sao hoặc có thể cho rằng con đang ăn vạ quá đáng. Thật ra, tất cả những gì trẻ làm đôi khi chỉ là để lôi kéo sự chú ý của bố mẹ.
Vậy làm thế nào để biết thời điểm đó, cảm xúc của con đang bị leo thang?
- Chẳng hạn, bố mẹ đã quát và ép con học tiếng Anh vào thời điểm con không mong muốn hoặc con chưa tạo được thói quen.
- Con tức giận, gào khóc, từ chối cái ôm hay sự an ủi của bố mẹ, thậm chí còn gào khóc nhiều hơn.
- Mọi chiến thuật vỗ về con đã từng thành công trước đây bây giờ đều không có tác dụng.
Lúc này, bố mẹ cần xác định việc học cần phải hoãn lại. Điều con cần là một không gian yên tĩnh để bình tâm và tự điều chỉnh cảm xúc. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần nói với con một câu vừa để trẻ hiểu rằng đây là thời gian riêng tư của con vừa để con biết bố mẹ luôn ở bên cạnh khi con cần.
Câu nói gợi ý cho bố mẹ trong thời điểm này:
“Bố mẹ có thể thấy là con đang khó chịu vì phải học trong khi con vẫn đang muốn chơi. Có vẻ như những gì bố mẹ khuyên nhủ con vừa rồi không có ích với con bây giờ cho lắm. Tuy nhiên, lần trước mẹ đã dặn con nên làm gì khi buồn rồi, con hãy bình tĩnh và áp dụng điều mẹ hướng dẫn nhé. Mẹ sẽ quay trở lại với con khi con cần mẹ”.
Khi nói câu này, bố mẹ đang cho con hiểu rằng bố mẹ không bỏ rơi con cùng với những cảm xúc rối bời. Thay vào đó, bố mẹ đã tin tưởng và cho con tự thực hành một số chiến lược đối phó với cảm xúc tiêu cực mà bố mẹ đã dạy con.
Sau khi đã cho con một khoảng thời gian nhất định để bình tâm, bố mẹ hãy hỏi han tình trạng của con sau đó (có thể vào cuối ngày). Và đến khi con quay lại, bố mẹ hãy hỏi con có cần được ôm không.
Hành động này sẽ giúp gia tăng sự kết nối và gần gũi giữa bố mẹ và con đồng thời nhắn nhủ cho con biết rằng: đôi khi ai trong chúng ta cũng đều cần một chút thời gian cho riêng mình. Và khi con quay lại, bố mẹ vẫn ở đây với sự tin tưởng và tình yêu thương trọn vẹn.
Sau cùng, BMyC muốn nhắn nhủ với bố mẹ rằng đằng sau câu nói “Con ghét bố/mẹ” và thái độ vùng vằng, chống đối của con có thể là sự tổn thương và một số thông điệp ẩn giấu. Những thông điệp này có thể là: bố mẹ không hiểu con nên nói những điều không đúng về con hay trong cơn tức giận trước đó, bố mẹ cũng từng có cách hành xử tương tự nên con đã sao chép hành vi này.
Dù nguyên nhân là gì thì bố mẹ cũng cần bình tĩnh tìm hiểu, áp dụng 7 câu nói trên để đưa con vào trạng thái tích cực. Khi con tích cực thì con sẽ dễ dàng chia sẻ suy nghĩ với bố mẹ. Một khi con đã chia sẻ những suy nghĩ sâu kín nhất, xin chúc mừng, mối quan hệ của bố mẹ và con đã tiến lên một bước mới. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình đồng hành trong tương lai sẽ bớt gập ghềnh hơn rất nhiều. Chúc bố mẹ áp dụng thành công.
Tham gia Group Bố mẹ yêu con ngay để được tư vấn và hỗ trợ trong việc chọn lựa phương pháp học tiếng Anh online cho bé phù hợp và lộ trình để đạt được mục tiêu học tập cho con một cách hiệu quả nhất!
Đọc thêm:
Làm thế nào khi con thiếu tập trung và không thích học tiếng Anh?
Chương trình học tiếng Anh cho bé miễn phí
Pingback: 4 phong cách làm cha mẹ và ảnh hưởng của từng phong cách đến trẻ