Làm thế nào để nuôi dạy con thành đứa trẻ kiên cường?

Người lớn chúng ta phải gánh vác hàng tá áp lực, từ việc kiếm tiền đến chăm lo những đứa trẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những đứa trẻ của chúng ta (đối tượng được chăm lo) không phải chịu bất cứ khủng hoảng nào trong cuộc sống của chúng.

day con thanh dua tre kien cuong3 scaled
Làm thế nào để nuổi dạy con thành đứa trẻ kiên cường?

Ngay từ những tháng đầu đời, khi bắt đầu có ý thức về khoảng cách và sự vắng mặt của mẹ, trẻ đã gặp khủng hoảng.

Lớn thêm một chút, trẻ bắt đầu biết sợ người lạ. Đến tuổi đi học, trẻ hốt hoảng khi phải đột ngột làm quen với môi trường mới.

Để giúp trẻ làm quen với khủng hoảng và vượt qua một cách lành mạnh, bố mẹ cần là người đầu tiên thấu hiểu và hướng dẫn bởi chúng ta là người duy nhất khiến trẻ tin tưởng lúc này.

Nhưng thế nào là đối diện với khủng hoảng một cách lành mạnh?

Đó là học cách đối mặt, nhận trách nhiệm và tìm ra phương án giải quyết tích cực. Cụ thể như sau:

1. Thay vì né tránh hãy để trẻ đối diện với khó khăn

“Ôi cái bàn làm cháu bà ngã đau à, bàn hư nhỉ, để bà đánh chừa nó nhé. Thôi con nín đi”.

Bạn thấy cách dỗ dành này quen chứ? Khi con ngã đau hay thất bại thì đổ tại cho ngoại cảnh hoặc người khác. 

Chúng ta bảo bọc trẻ quá kỹ càng, sợ trẻ đau đớn, cả nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần. Chúng ta tin rằng việc ngăn cản trẻ đối diện với nỗi đau là yêu thương đúng cách nhưng không hề lường được tác động của việc này đến tương lai của đứa trẻ. 

Một đứa trẻ được bảo bọc quá mức theo thời gian sẽ mất đi tinh thần vượt khó. Điều này sẽ biểu hiện trong thực tế như thế nào?

  • Khi thấy bài khó, trẻ sẽ nản và lười nghĩ.
  • Khi đến giờ ra chơi, trẻ ngại xuống sân trường tham gia các hoạt động thể chất vì sợ ngã, sợ nắng, sợ đổ mồ hôi.
  • Khi xích mích với bạn bè, trẻ sẽ đổ thừa cho người khác thay vì nhận trách nhiệm về mình.
  • Đến tuổi trưởng thành, chúng cũng sẽ khó có thể độc lập ra quyết định vì đã quen dựa dẫm vào bố mẹ từ bé.

Rõ ràng, cách nuôi dạy của bố mẹ đã góp phần bẻ đi đôi cánh tự lập của trẻ, khiến chúng trở thành những con người yếu đuối và phụ thuộc.

day con thanh dua tre kien cuong1
Thay vì né tránh hãy để trẻ đối diện với khó khăn

Vậy bây giờ, chúng ta nên sửa sai như thế nào?

Đơn giản là hãy làm ngược lại.

Thay vì làm mọi cách để trẻ nín khóc, hãy yên lặng ở bên và cho chúng một cái ôm trong thời gian chúng tự do bộc lộ cảm xúc. 

Qua thời gian, trẻ sẽ hiểu rằng những cảm xúc vui, buồn là điều bình thường trong cuộc sống. Và rồi nó cũng sẽ qua đi. Điều quan trọng là trong thời khắc tự vượt qua khó khăn, trẻ luôn yên tâm rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên cạnh.

2. Để trẻ học cách tự nhận trách nhiệm và giải quyết vấn đề 

Sau khi trải qua khoảnh khắc bùng nổ cảm xúc, giờ sẽ là lúc trẻ cần đối mặt và tự giải quyết vấn đề của mình.

Có thể nhiều bố mẹ sẽ thắc mắc rằng “Con tôi còn nhỏ vậy biết gì mà tự giải quyết?” 

Dĩ nhiên, trẻ nhỏ chưa thể tự mình nghĩ ra phương án giải quyết cho vấn đề rối ren của chúng. Nhưng nếu có bố mẹ định hướng thì hoàn toàn có thể.

Nhiều bố mẹ thường giải quyết vấn đề bằng cách trừng phạt hoặc trách móc trẻ với lí lẽ “để cho nó chừa đi”. Kỳ thực cách làm này không giúp ích nhiều cho sự phát triển của trẻ. Nếu như vấn đề trở lại trong tương lai, con bạn sẽ vô cùng bối rối bởi nếu im lặng, bản thân chúng sẽ không thấy vui vẻ. Nếu khóc lóc, bố mẹ sẽ trách mắng hoặc đánh đòn.

day con thanh dua tre kien cuong2
Trẻ học cách nhận trách nhiệm và giải quyết vấn đề.

Vì vậy, lúc này bố mẹ cần tỏ ra đồng cảm và trở thành một người bạn lớn của trẻ. Hãy lắng nghe vấn đề dựa trên góc nhìn của trẻ và sau đó đưa ra những câu hỏi định hướng.

Chẳng hạn, khi trẻ xích mích và đánh nhau với bạn bè, bạn có thể hỏi con:

  • Bây giờ con đang cảm thấy thế nào?
  • Mẹ biết chỗ này của con đang rất đau, mẹ hiểu. Vậy con nghĩ bạn mình có đau không?
  • Nếu như không đánh nhau, con nghĩ xem mình có thể làm thế nào?

Lưu ý rằng trong những câu hỏi này, bạn chỉ là người gợi mở và để cho trẻ trả lời câu hỏi theo suy nghĩ của chúng. Đừng cố tình lồng ghép câu trả lời của bạn vào trong câu hỏi.

Thay vì nói rằng:Đánh bạn là sai đúng không con?”

Hãy nói: “Con nghĩ thế nào về chuyện đánh bạn?”

Tùy từng độ tuổi và khả năng ngôn ngữ của trẻ, hãy lựa chọn những câu hỏi phù hợp. Trẻ càng nhỏ thì câu hỏi càng nên ngắn gọn và đơn giản.

3. Ghi nhận nỗ lực của trẻ thay vì khen thưởng

Đứa trẻ nào cũng thích phần thưởng nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu bố mẹ nhận ra sự cố gắng của chúng và công nhận. Điều này khiến chúng tự hào về bản thân và mạnh mẽ hơn gấp bội. Đương nhiên, khi tự tin rằng bản thân có khả năng tự giải quyết vấn đề, theo thời gian, khi trưởng thành, trẻ sẽ trở thành một người bản lĩnh.

day con thanh dua tre kien cuong
Ghi nhận nỗ lực của trẻ thay vì khen thưởng.

Con mình khi đi vệ sinh luôn phải rủ mẹ đi theo vì sợ bóng tối. Mình từng thử dụ bé bằng phần thưởng nhưng không hiệu quả.

Vậy là sau đó, mình đổi cách khác. Mình hướng dẫn bé từng bước:

  • Đầu tiên, con hãy bật cái đèn bếp kia lên. Việc này con vẫn làm mà, đúng không?
  • Sau đó, con hãy lấy một chiếc ghế nhỏ ở góc bếp, đứng lên đó và với tay bật công tắc nhà vệ sinh. Như vậy thì mình sẽ không bị tối nữa phải không?

Bé nhà mình làm theo và hào hứng khoe:Mẹ ơi, con làm được rồi, con không sợ một tí nào”.

Lúc này, mình chỉ cần nói thêm: “Đúng rồi, con đã làm được. Con dũng cảm lắm”.

4. Chỉ cho trẻ cách học từ thất bại thay vì trách phạt, dán nhãn

Ai cũng có lúc thất bại. Chính chúng ta, những người làm bố mẹ cũng thất bại thường xuyên. Vậy thì cớ gì ta lại mong đợi trẻ hoàn hảo ngay từ đầu?

Thời đi học, ta vẫn thường được dạy rằng “Cứ mạnh dạn giơ tay. Nói sai thì lúc sửa mới nhớ”. Trên thực tế, chúng ta cũng học hỏi và trưởng thành từ những thất bại. Nhờ thất bại mà ta học được cách phòng tránh và nghĩ ra các phương án tốt hơn. 

Mình thấy nhiều bố mẹ khi hướng dẫn con học bài thường rất gay gắt. Trẻ viết sai một chữ là gạch đỏ choe choét, rồi gõ vào tay khiến trẻ sợ hãi chuyện học hành. Rồi khi dạy mà trẻ không hiểu, bố mẹ sẽ dán cho trẻ cái nhãn “học kém”.

Việc chỉ trích thường xuyên sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ?

Kiera James, nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Binghamton cho biết: “Những đứa trẻ có bố hoặc mẹ hay chỉ trích có thể tránh chú ý đến những khuôn mặt đang thể hiện bất kỳ loại cảm xúc nào. Hành vi này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng với những người khác. Có thể đó là một trong những lý do khiến trẻ em tiếp xúc với mức độ chỉ trích cao có nguy cơ trầm cảm và lo lắng.”

Khi học về làm bố mẹ tích cực, mình được giới thiệu về chiến thuật bút mực xanh khi cùng trẻ tập viết. Cụ thể, thay vì dùng mực đỏ để gạch lỗi sai của trẻ, bố mẹ sẽ dùng bút mực xanh để khoanh tròn những chữ mà trẻ đã viết tốt. Đồng thời, bố mẹ so sánh giữa chữ được khoanh mực xanh và những chữ còn lại rồi phân tích cho trẻ hiểu.

Khi làm vậy, trẻ sẽ vừa học được cách viết vừa cảm thấy mình được công nhận và khen ngợi, từ đó có động lực để lặp lại những chữ viết đúng nhiều hơn.

Thay vì tự ti, nghĩ mình kém cỏi, trẻ sẽ tự tin và không ngừng nỗ lực khi biết phía sau luôn có sự ủng hộ và đồng hành của bố mẹ.

Bạn thấy đó, các bậc bố mẹ cùng hướng đến một mục tiêu: muốn con mình giỏi giang và bản lĩnh nhưng chính cách tiếp cận khác nhau đã đem lại những kết quả khác biệt.

Bản thân chúng ta, những người làm bố mẹ cũng không phải tự dưng mà kiên cường mà sự kiên cường chỉ được hình thành khi ta dũng cảm đối diện và buộc phải tìm ra giải pháp. 

Xem Thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688