Mình là Thái (fb: Thái Đoàn) một bà mẹ không biết gì về tiếng Anh. Vì muốn cải thiện nên mình đã thử rất nhiều cách, khóa học online có, học trung tâm có nhưng do công việc, con cái và rất nhiều mối bận tâm về cơm áo gạo tiền nên mình đành bỏ cuộc.
2 năm trước, mình đã nghĩ tiếng Anh là một cái gì đó rất lớn lao. Mình luôn mặc định một đứa trẻ biết nói tiếng Anh chính là thần đồng. Và bà mẹ nào có thể tự cho con học được tiếng Anh thì chắc chắn bà mẹ đó là giáo viên tiếng Anh.
Thế nên mình luôn đinh ninh con chỉ có thể đi học trung tâm thì mới phát âm chuẩn.
Tình cờ một lần thấy bé Sóc của mẹ Lương Dung (FB: Lương Dung) đọc được sách tiếng Anh, mình thấy hơi lạ lạ không giống học trung tâm. Hỏi han Dung một hồi, mình như cá mắc cạn gặp được nước nên đăng ký cho con học BMyC ngay, không cần suy nghĩ nhiều.
Nội dung chính
1. Đối mặt với bài toán kinh tế nan giải
Khi đưa ra quyết định này, khó khăn ban đầu là không tránh khỏi vì đâu phải ai cũng khá giả để mua ipad, đâu phải ai cũng được sự ủng hộ từ gia đình.
Chồng mình lúc ấy còn chưa kịp hình dung ra vợ đang muốn làm gì, cứ nghĩ vợ nói đùa.
Anh bảo: “Tự nhiên bỏ ra một đống tiền như vậy thà cho con đi học trung tâm được 2 năm, không khỏe hơn à?”
Bạn bè có con cùng độ tuổi cũng khuyên mình giờ có rất nhiều nguồn miễn phí, tài liệu hay trên mạng đầy ra sao cứ phải bỏ tiền lãng phí.
Lúc đó thú thật mình cũng lung lay lắm. Nhưng nhớ đến câu nói của dì Lương Dung “Không mất phí thì mẹ dễ bỏ cuộc lắm”, mình thấy cũng có lý, nhất là với người mẹ bỏ cuộc không biết bao nhiêu lần như mình.
Đã hạ quyết tâm rồi thì phải tìm cách giải quyết khó khăn thôi. Không có cả cục tiền mua máy cho con thì mình mua trả góp, chưa có tiền đóng học phí thì mình đi mượn.
2. Thế nhưng vấn đề không chỉ là tiền…
Thấy mình quyết tâm cho con học bằng được, chồng phản đối kịch liệt, nói nào là mẹ biết gì mà dạy, bỏ ra một đống tiền khi nhà khó khăn. Thậm chí hai vợ chồng mình còn căng thẳng với nhau đến mức chồng chưa bao giờ bế bé nhỏ để vợ rảnh rang học cùng bé lớn. Về tới nhà thấy bật loa là kêu đau đầu bắt tắt đi, bắt con gái đi chơi không học hành gì hết.
Hàng xóm ở khu tập thể thấy mình cho con nghe tiếng Anh cũng nói ra nói vào: nghe vậy hiểu không, đang nhỏ mà học gì, không sợ bị loạn ngôn à, đọc sách vậy có hiểu gì không dịch cô xem…. Nhiều lúc cũng thấy nản lắm nhưng nghĩ đến mặt ông chồng, với số tiền bỏ ra, mình lại xốc tinh thần để vững tâm đi tiếp.
Nghĩ lại mới thấy, không hiểu sao lúc đó mình quyết tâm cao thế, kiểu như làm bằng được cho chồng và mọi người xung quanh biết mặt.
Bên cạnh đó, quá trình đồng hành cùng con không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Nhà mình ở khu tập thể, số lượng trẻ con ở khu này không dưới 100. Cứ lúc con vào học thì bạn lại đứng ngoài cửa sổ gọi. Rồi bé nhỏ nhà mình cứ tháng 30 ngày thì hết 29 ngày ốm. Một năm đầu đồng hành với con, mình không dám chia sẻ công khai là con đang học tiếng Anh. Sợ vẫn chưa bằng ai đã khoe nên hai mẹ con cứ học trong âm thầm.
Mình là giáo viên và có nghề phụ là buôn bán. Đến khi thấy công việc buôn bán quá bận rộn, mình quyết định nghỉ một thời gian để tập trung đồng hành với con. Dù biết rằng bỏ buôn bán sẽ phải tằn tiện chắt bóp hơn nhưng có thế nào mình cũng chấp nhận. Làm việc là chuyện cả đời nhưng giai đoạn phát triển quan trọng của con thì mình không thể xem nhẹ.
Chưa một giây phút nào mình nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì lỡ bỏ tiền ra, vì thấy được sự tiến bộ của con gái, vì thấy được sự gắn kết giữa 2 mẹ con.
3. Kiên nhẫn, chìa khóa đồng hành giúp con học tiếng Anh
Bé nhà mình bắt đầu học tiếng Anh khi lên 4 tuổi, lúc con chưa biết gì về ngôn ngữ này. Giai đoạn đầu tiếp cận cũng không khó khăn vì bé khá hợp tác và việc học cũng nhẹ nhàng.
Nhưng tới giai đoạn thứ 2 – học phonic thì bé bắt đầu phải học thật sự. Đây cũng là giai đoạn khá mệt mỏi với mình: stress vì công việc, con học mãi không thuộc âm, con chán không chịu đọc sách..vv
Mỗi lần như vậy mình lại cho con đi chậm hơn một tí, nhẹ nhàng hơn một xíu, đơn giản hơn một xíu. Mình cho phép con chơi những app bé thích để 2 mẹ con cùng thoải mái.
Có những app bé không chịu chơi như Lingo thì mình phải dùng mẹo. Ví dụ, ban đầu bé lười chơi thì mình chơi cùng bé. Sau đó, mình cứ giả vờ chọn sai, thế là bé giành máy tự chơi luôn.
Học mãi thì cũng có lúc con chán. Những lúc như vậy, mình lại làm bảng dán sticker để động viên con. Mỗi lần bé gom được 10 cái sticker, mình sẽ tặng một món quà mà bé thích.
Giai đoạn đầu có rất nhiều khó khăn và lo lắng vì lúc đó mình vẫn chưa tin tưởng thật sự. Có khi nào lộ trình học chỉ phù hợp với các bạn khác mà không hợp với con mình không? Lúc đó, để đỡ hoang mang, mình lại lân la hỏi những bố mẹ đi trước và thật vui là ai cũng chia sẻ rất nhiệt tình.
Nhờ học hỏi từ các bố mẹ khác và kết hợp thêm kinh nghiệm khi đồng hành với con, mình đã giúp con từ một đứa trẻ không hứng thú với Razkid trở nên mê mẩn đến độ mẹ phải cản lại, không dám cho đọc nhiều vì sợ đau họng.
Bé nhà mình bắt đầu đọc Razkid khi ở speed 1. Khi đó, bé còn chưa biết mặt chữ. Đối với bé lúc đó thì Razkid là 1 app khá khô khan nên bé thường không hứng thú khi đọc.
Con không thích đọc thì mình không ép. Thay vào đó, mình cho bé nghe. Mỗi câu chuyện mình khuyến khích bé nghe 3 lần.
Bé nghe từ level aa đến level C rồi lại quay lại level aa để bắt đầu đọc.
Một ngày mình cho bé khai thác 3 câu chuyện. Trước khi đọc mình khuyến khích bé nghe 3 lần. Với 3 câu chuyện mỗi ngày, bạn ấy sẽ được chọn 2 câu chuyện mình yêu thích và 1 câu chuyện do mẹ chỉ định.
Bất kỳ level nào mình cũng cho bé khai thác hết rồi mới chuyển qua level khác, tránh việc bé bị hổng kiến thức khiến level sau bé không hiểu. Với câu chuyện bé thích thì có thể mình sẽ cho bé đọc lại.
Phương châm của mình là không cần vội miễn sao con ngấm.
Sau khoảng 1 năm khai thác Razkid đều đặn, bé nhà mình từ ghét chuyển sang mê Razkid, nhiều khi còn lén mẹ đọc. Ngoài mê đọc, bạn ấy còn thích thuyết trình theo những câu chuyện trong app. Vì vậy, quá trình này khiến con học được rất nhiều kỹ năng: không chỉ nghe, nói, đọc mà còn nói trước máy quay rất tự tin.
Đây là điều khiến mình vô cùng ngạc nhiên vì từ trước đến nay, con vốn là một bạn nhỏ nhút nhát. Nhưng với tiếng Anh thì con khác hẳn. Con chủ động nói theo ý mình, không cho mẹ sửa nên mình cũng để con phát triển tự nhiên. Mình cảm thấy bản thân đã giúp con đi đúng hướng.
4. Đồng hành cùng con học tiếng Anh mình được gì và mất gì?
- Cái được đầu tiên là một em bé tự tin giao tiếp tiếng Anh, tự tin nói một chủ đề tiếng anh bất kỳ mà em đã đọc, đã xem.
- Được một em bé luôn có ý thức học tập, ý thức hoàn thành bài học khi được giao mà không cần nhắc nhở nhiều.
- Được một em bé đam mê khám phá thiên nhiên để thực tế hóa những gì em đọc trong sách.
- Được một em bé mê đọc sách đến nỗi mẹ phải bắt ngưng vì sợ hư mắt, viêm họng.
- Được một bà mẹ từ không biết gì về tiếng Anh đã có thể bập bẹ được vài câu.
- Được một bà mẹ hiểu con nhiều hơn, những điều con thích và không thích.
- Được một ông bố từ phản đối con học, yêu cầu tắt loa vì điếc tai giờ lại không ngừng khuyến khích.
- Được thêm một cơ số các mẹ quyết định thay đổi quan điểm đồng hành với con sau khi nhận thấy sự thay đổi chóng mặt từ hai mẹ con mình.
Cái được thì nhiều vậy nhưng cái mất chỉ có một điều duy nhất là tốn tiền mua sách vì con mê đọc sách quá.
Rainbow Fruit- Thảo Nguyên ( 2016)
Bố mẹ nào muốn được và mất như mình thì bí quyết là kiên trì, kiên trì và kiên trì.
Sau 1 năm đồng hành cùng con thì tới năm thứ hai, con đã có thể tự học. Bây giờ mẹ chỉ việc cầm điện thoại lên và quay, rất nhàn. Quan trọng là mẹ có thời gian quay, có tiền mua sách hay không thôi.
Lúc này, khi con đã có chút thành quả nhất định, mình mới bắt đầu chia sẻ lên facebook và nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, người bạn năm xưa kêu cho con học miễn phí liền inbox hỏi mình học sao hay vậy trong khi bạn ấy đã tốn rất nhiều sách, loa, máy…..cuối cùng cho con đi học trung tâm.
Đăng ký khóa học của BMyC, mình nhận được một lộ trình đầy đủ, một đội ngũ tư vấn nhiệt tình, dày dặn kinh nghiệm và rất nhiều đồng đội sát cánh.
Kết quả hôm nay mình làm được là cả một khu chung cư có trên 20 bé mang loa theo khi đạp xe, về nhà mở loa mọi lúc.
5. Câu chuyện nếu thì và những món quà vô giá
- Nếu ngày đó mình không quyết tâm vượt qua khó khăn về mặt kinh tế thì hôm nay mình chỉ biết ngồi xem video con nhà người ta và trầm trồ.
- Nếu ngày đó mình không vượt qua sự ngăn cản của chồng thì hôm nay mình vẫn nghe câu “Mẹ mi biết gì mà dạy”.
- Nếu ngày đó mình không vượt qua được sự tự ti khi không biết gì tiếng Anh thì hôm nay cũng không bập bẹ giao tiếp được với con.
- Nếu ngày đó mình không vượt qua được khó khăn về mặt thời gian thì hôm nay mình sẽ phải vắt chân lên cổ mà chạy.
- Nếu ngày đó mình không may mắn biết được BMyC qua bạn Lương Dung thì sẽ không có con của ngày hôm nay.
Bây giờ, với bé thứ hai mình cũng BMyC mà thẳng tiến. Khỏi cần đi lòng vòng để rồi mẹ mệt, con mệt lại tốn tiền.
6. Lời nhắn nhủ đến các mẹ “gà” tiếng Anh
Gửi gắm đến các mẹ “gà” tiếng Anh như mình: đừng thấy lộ trình BMyC tràn lan trên mạng mà nghĩ sao phải bỏ tiền ra mua, đừng nghĩ nhiều chỗ học free mà sao phải bỏ tiền ra học, đừng nghĩ bỏ tiền ra mua ipad rồi mua khóa học thì thà đi học trung tâm.
Mình nói thẳng luôn: dù bạn có lộ trình từ đầu đến cuối mà bạn không ở trong môi trường này thì đố bạn làm được, đố bé nào học trung tâm tuần 3 buổi về nhà không bồi thêm mà nói được tiếng Anh một cách tự nhiên.
Trẻ em cũng có bé này bé kia, bé nhanh bé chậm, bé chống đối bé hợp tác nhưng hãy vì số tiền mình bỏ ra mua khóa học, mua ipad đó mà quyết tâm. Nếu như không làm cho người nhà hết phản đối, hàng xóm hết dòm ngó thì hãy lấy đó động lực cho mình cố gắng. Hãy lấy điều đó làm thước đo cho sự kiên trì của mình.
Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ là động lực cho mẹ nào đang bị xuống dốc. Vì nói thật ai cũng có giai đoạn khó khăn, ai cũng có lý do để từ bỏ.
Hãy nghĩ đến 2 năm sau mình có 1 em bé nói chuyện tiếng Anh rất tự nhiên.
Hãy nghĩ đến 2 năm sau tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của bé.
Hãy nghĩ đến 2 năm sau con mình tự giác trong học tập, không cần mẹ phải hò hét khản cổ.
Và ngay cả mẹ, từ chưa biết gì 2 năm sau cũng có thể cùng con bàn luận một vấn đề bằng tiếng Anh.
Chúng ta có thể không cần đi nhanh, nhưng miễn là đừng dừng lại.
Xem Thêm:
- Học tiếng Anh đúng cách cho trẻ mầm non
- Top 5 phần mềm luyện phát âm tiếng Anh ” chuẩn ” nhất hiện nay