Đúng là như vậy. Trong suy nghĩ của đa số phụ huynh, học tiếng Anh ở trung tâm còn chẳng ăn ai nữa là tự học ở nhà, nhất là với sự dìu dắt của một bà mẹ kém tiếng Anh như mình. Bởi vậy, cũng dễ hiểu vì sao khi mình chia sẻ với bạn bè về ý định đồng hành tự học tiếng Anh cùng con ở nhà thì tất cả đều không tin mình sẽ thành công.
Nội dung chính
1. Khi người học trò sẵn sàng người thầy sẽ xuất hiện
Hành trình kỳ diệu nhưng không kém phần gian nan của nhà mình bắt đầu khi con được 3,5 tuổi.
Vốn là một bà mẹ học mãi không giỏi tiếng Anh nên mình rất khao khát con có thể nói và đọc tiếng Anh lưu loát. Thế nên trong đầu mình lúc nào cũng nghĩ đến chuyện tìm kiếm phương pháp giúp con làm quen với tiếng Anh.
Một lần, khi tình cờ lang thang trên mạng thì đập vào mắt mình là Group Bố mẹ yêu con. Tò mò nên mình bấm vào xem thử. Quả đúng là đang chết đuối thì vớ được cọc.
Mình say sưa xem từ video này qua video khác của các bé nói tiếng Anh trong group và ngưỡng mộ các bé vô cùng. Có những bé mới chỉ 3 tuổi đã nói tiếng Anh và đọc được sách tiếng Anh y như trẻ bản ngữ. Mình cứ mắt chữ a, mồm chữ o không hiểu sao một em bé lại có thể làm được điều đó. Càng thắc mắc, mình càng quyết tâm tìm câu trả lời.
Hồi đó, do không quen ai đang học theo cách của Group nên mình tự đào Group để tìm hiểu và lần mò ra được bài ghim chia sẻ phương pháp học và lộ trình.
Xem xong tất cả các livestream của anh Huy dù khá dài nhưng mình đã có cái nhìn tổng quan về con đường sắp đi. Hiểu được cách thức và lộ trình tổng quan đồng thời cũng bị thuyết phục bởi video nói tiếng Anh của các em bé, mình quyết định học theo cách của người thành công.
Vì vậy mà sau khoảng 2 tuần tìm hiểu, mình đã quyết định đăng ký học cho bé.
Ngày ấy, mình có chia sẻ Group cho một số người bạn, có lẽ do niềm tin chưa đủ lớn vào một khóa học trên mạng xã hội nên không ai muốn làm. Họ không làm, còn mình vẫn quyết tâm hành động với khao khát con nói được tiếng Anh và đọc được sách tiếng Anh. Đến bây giờ mình thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn.
Hai mẹ con mình dù đã có khởi đầu đúng đắn, lộ trình bài bản nhưng cũng phải trải qua vô vàn khó khăn mới có kết quả đầu tiên. Con mình lúc đó mới gần 4 tuổi, xuất phát điểm tiếng Anh của con là số 0 tròn trĩnh. Còn mình, một bà mẹ quá nhiều kỳ vọng và háo hức nên nhiều lúc không thể kiểm soát cảm xúc, đến nỗi có một giai đoạn cả hai mẹ con đều stress. Nhưng nhờ kiên trì hành động và thay đổi nên kết quả cuối cùng cũng êm đẹp.
2. Đồng hành tự học tiếng Anh cùng con: cần nhất là kiên nhẫn và tỉnh táo
Thật ra ở giai đoạn đầu, khi con tầm 3,5 tuổi, 2 mẹ con cũng học cùng nhau nhưng khá hời hợt, một phần vì mọi thứ tự mình làm hết nên cũng dễ nản và lười.
Chính nhờ có sự động viên, tiếp lửa của các Admin và các bố mẹ khác trong Group mà mẹ con mình mới có được kết quả như ngày hôm nay. Để đến khi con khoảng 4 tuổi, mình và con mới nghiêm túc và quyết tâm thực sự. Nghĩ lại thì thật tiếc cho khoảng thời gian hoang phí.
Trên hành trình đồng hành cùng con tự học tiếng Anh tại nhà, chắc hẳn nhiều bố mẹ đã từng rơi vào tình trạng bế tắc và ko hiểu vì sao con đang có thói quen tự học khá tốt, con tiến bộ nhưng bỗng nhiên lại mải chơi, mất tập trung, ngồi học uể oải, chống đối…
Con mình cũng vậy nên lúc đó mình đã mất kiểm soát, bực bội và tỏ ra khó chịu với con khiến buổi học của 2 mẹ con diễn ra căng thẳng.
Khi tỉnh táo nhìn lại thì mình đã nhận ra có rất nhiều nguyên nhân tác động tới thói quen học của con.
Chẳng hạn:
- Mẹ thấy con tiến bộ và kỳ vọng con sẽ tiếp nhận được nhiều bài học, dẫn đến thiết kế lịch trình học những buổi học sau quá sức với con;
- Mẹ không có sự thay đổi và điều chỉnh trong cách tương tác, các buổi học diễn ra đều đều làm mất dần sự hứng thú cho con;
- Nhà có khách, mẹ bận công việc, nên thời gian ngồi học cùng con bị gián đoạn;
- Khi cơ thể con không được khỏe, tâm trạng con không được vui nhưng mẹ ko nhận ra để kịp thời kết nối với con…
Khi kịp thời nhận ra vấn đề, chúng ta sẽ cần đi tìm giải pháp.
Don’t be greedy- Minh Châm- Gia Linh- Bảo Hân
Mình có một số giải pháp gợi ý để giải quyết các vấn đề trên như sau:
- Bố mẹ cần công nhận sự tiến bộ của con, không so sánh con mình và con người khác để tránh gây áp lực và xây lộ trình học quá sức với con;
- Có sự thay đổi trong kế hoạch, điều chỉnh để phù hợp;
- Hôm nào mẹ bận hoặc mẹ thấy con uể oải, mất tập trung, có thể giảm khối lượng kiến thức mới và cho con được tự chọn ôn lại phần học con yêu thích. Miễn sao giúp con duy trì được việc học đều đặn;
- Chia nhỏ thời lượng học để giảm áp lực cho con;
- Thay đổi môi trường học tiếng Anh cho con: thay vì ngồi 1 chỗ đọc sách, xem app, thì dẫn con ra ngoài để con học từ thực tế. Trẻ có khả năng tự học, nhưng để trẻ có nhu cầu học thì cách thức tiếp cận cần giúp cho trẻ cảm thấy thích thú, từ đó con sẽ có nhu cầu tìm hiểu;
- Dừng thời điểm học đúng lúc. Trẻ con cũng như người lớn vậy, có những lúc vì lý do chủ quan lẫn khách quan tác động, như tâm trạng hôm đó không được vui, cơ thể mệt mỏi… dẫn đến hiệu suất học tập ko được cao. Dừng đúng lúc để con giữ được sự tò mò, hứng thú cho buổi học tiếp theo.
Tóm lại, trẻ cần được trao cơ hội để chủ động học, quá trình mới là chính, còn kết quả là phụ. Khi quá trình mình làm tốt thì kết quả khắc đến.
Có lần xem xong livestream “Kiểm soát cảm xúc khi giúp con tự học tiếng Anh tại nhà” của anh Huy, mình gật gù tâm đắc và chợt nhớ lại ngày mà mình bắt đầu giúp con tự học cũng trải qua các cung bậc cảm xúc: vui, buồn, tức giận…
Có 1 giai đoạn do tâm lý kỳ vọng vào con quá nhiều, khi con ko làm được như mẹ hướng dẫn, mình cáu gắt và kéo dài cảm xúc bực bội đó khiến con bắt đầu sợ học và ko muốn học.
Vì bực con nên mình quay ra bực luôn với chồng. Thời điểm đó, chồng mình lên tiếng và yêu cầu để con nghỉ mấy hôm. Hai vợ chồng đã có buổi nói chuyện và mình bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề xuất phát từ chính mình chứ ko phải từ con, mình đang sai chứ không phải con sai.
Trẻ nhỏ học tiếng Việt còn mất 1-1,5 năm mới nói được vài từ đơn giản, tại sao con vừa bắt đầu mà mình đã vội vàng đòi hỏi kết quả? Thời gian đó vì kiểm soát cảm xúc chưa tốt nên mình vô tình gây áp lực cho chính bản thân mình và cho con.
Đã là cha mẹ thì ai cũng yêu thương con cái. Nhưng rất ít người biết cách yêu thương con đúng cách. Thời điểm đó, mình cũng như số đông kia, yêu thương con theo bản năng chứ chưa hề biết yêu thương con đúng cách.
Nghĩ lại mà thấy mình tệ quá. Sau khi ý thức được vấn đề từ bản thân, mình lên kế hoạch và quyết tâm thay đổi:
- Mình bắt đầu học cách kết nối với con, cho con nhiều trải nghiệm rồi sau đó quan sát để biết con thích gì, con muốn gì ( Biết được con muốn gì, thích gì để thỉnh thoảng đem ra thương lượng với con, áp dụng quy tắc 50/50) và khi con ko muốn thì mình tự học và chơi, ko ép con làm;
- Qua livestream của anh Huy mình học được thêm 1 số cách để kiểm soát cảm xúc tốt hơn khi học cùng con;
- Không so sánh con mình với con người ta;
- Nên tìm đọc 1 số sách về kiểm soát cảm xúc, sách sẽ cho ta kim chỉ nam để hành động;
- Học cách neo cảm xúc tích cực, thoát khỏi cảm xúc tiêu cực bằng cách tập hít thở và vận động;
- Sau khi bình tĩnh chấp nhận thì tìm giải pháp (Nếu ko tự mình tìm được thì hãy tìm những người có kinh nghiệm để hỏi).
Ngoài những khó khăn từ quá trình tương tác giữa hai mẹ con, nhà mình còn gặp khó khăn khi giúp con tiếp thu kiến thức, điển hình là chuyện học chữ cái tiếng Anh của bé Min nhà mình.
Cách mình học cùng Min khác hẳn khi học với Bông. Min là con trai, tính bạn ấy hiếu động và gặp khó khăn trong việc nhớ mặt chữ. Nên khi đồng hành cùng Min, mình bối rối không biết làm sao vì bạn ấy cứ học trước quên sau. Chị Bông chỉ khoảng 3 tuần là thuộc hết bảng chữ cái tiếng anh, còn em Min thì cần tới hơn 2 tháng.
Biết điểm yếu của con, nên mình luôn phải chia nhỏ thời gian học, mỗi lần học chỉ khoảng 5-10 phút và tăng số lần học trong ngày lên nhiều lần.
Đây là một số mẹo mà mình đã áp dụng thành công khi cho Min học chữ cái:
- Cho chữ cái vào chậu tắm của con, cùng con chơi đoán chữ;
- Luôn mang theo 1 túi đựng chữ cái khi đưa con đi chơi công viên cát, cùng con chơi trò dấu chữ cái trong cát và tìm chữ cái;
- Khi đưa con đi chơi, nếu thấy các biển quảng cáo có chữ cái thì mình sẽ nhắc lại cho con nhớ;
- Rủ chị Bông tham gia trò chơi tương tác cùng chữ cái, tô màu chữ cái. Thỉnh thoảng, mình nhờ chị Bông làm cô giáo hướng dẫn em học chữ cái. Nhà nào có 1 bé học ổn rồi là bố mẹ được nhờ lắm.
Càng đồng hành cùng con, mình càng thấu hiểu rằng mỗi đứa trẻ là 1 cá thể độc lập và duy nhất. Không có phương pháp nào là đúng hoàn toàn với mọi đứa trẻ. Không có đứa trẻ nào không thể dạy dỗ, chỉ có cách dạy chưa phù hợp mà thôi. Và cách phù hợp nhất với mọi đứa trẻ là bố mẹ hãy giữ tâm bình an khi đồng hành cùng con.
3. Giá trị mình nhận được khi biết đến Group BMyC là gì?
Còn nhớ những ngày đầu tiên xuất phát con mới bập bẹ được vài từ, phát âm chưa chuẩn, chưa có chút vốn từ gì về tiếng Anh. Đến hôm nay, sau những ngày tháng chăm chỉ rèn luyện con đã có những thành quả đáng kể, tuy chưa phải quá xuất sắc nhưng đó là cả một quá trình cố gắng của con, mình ghi nhận và trân trọng điều đó.
Sau hơn 1 năm đồng hành cùng con theo phương pháp của Group BMyC, cái mình nhận được là gì?
Mình hiểu được vai trò của bố mẹ đối với con cái, mình thay đổi nhận thức, xóa bỏ được quan niệm phó mặc con cho thầy cô giáo, học được cách kiểm soát cảm xúc bản thân mình tốt hơn, học cách thấu hiểu con, học được cách làm bạn cùng con.
Thông qua quá trình học tập và rèn luyện thuyết trình tiếng Anh, con không chỉ học được ngôn ngữ mà còn học được rất nhiều kiến thức xã hội.
Chẳng hạn như chủ đề “Keep your hands to yourself”, con học được cách phân biệt việc sử dụng bàn tay khi va chạm vào người khác thế nào là đúng sai. Con được bày tỏ thái độ khi có những va chạm không hợp lý.
Các bài học trong preschool vô cùng hữu ích và thiết thực, giúp con học được những bài học về văn hoá ứng xử.
Điều mà mình thấy giá trị nhất đó là con mình có kỷ luật, con có được thói quen tốt- thói quen tự học. Một đứa trẻ 5 tuổi biết chia sẻ công việc nhà với mẹ: quét nhà, phụ mẹ rửa chén bát, gấp quần áo, biết nhường nhịn và chăm sóc em.
Để thiết lập thói quen cho con, mình cũng tạo ra bảng Goal Card. Nhờ vậy mà con tự giác học bài theo kế hoạch và khoanh tròn các bài đã hoàn thành. Bạn ấy có thể tự ngồi học, tự đọc sách 30 đến 45 phút một mình mà không cần có bố mẹ ngồi kè kè ở cạnh thúc dục. Còn mẹ không cần ngồi canh bạn ấy học nữa và có thời gian làm việc khác. Đương nhiên, ngoài thời gian tự học, mình vẫn dành thời gian ngồi học cùng và định hướng cho con.
Sau 1 tuần chăm chỉ, con sẽ được thưởng một buổi đi chơi Thảo Cầm Viên, cả nhà đều đạt được mục tiêu, lại cùng nhau tận hưởng thời gian thư giãn quý giá.
Bất ngờ nhất là hôm 16/6, mình có cho bé đi test ở trung tâm (có học phí khá cao). Bé được giáo viên nước ngoài đánh giá phát âm tốt và bạn ý vượt trội hơn hẳn so với các bạn cùng độ tuổi và được xếp vào lớp Primary 2B ( tương đương khả năng tiếng Anh của các bé tiểu học- 7 tuổi). Sau 1 năm tự học ở nhà, từ con số 0 bạn ý đã có thể học được chương trình của các bé 7 tuổi. Xét về mặt thời gian, 1 năm tự học bằng 2 năm học trung tâm và xét về mặt chi phí, mình tiết kiệm được 158 triệu.
Mình hài lòng với những gì con đạt được và chấp nhận tất cả những gì thuộc về con. Việc học ngôn ngữ là cả một quá trình và tính bằng năm bằng tháng, chứ ko thể tính bằng ngày bằng giờ. Con người ta học nhanh 1 năm song ngữ, con mình chậm hơn thì 2 năm, miễn sao con học vui vẻ là thành công.
Con có kỷ luật và có thói quen tốt là điều mình thấy hạnh phúc và tuyệt vời nhất. Việc học ngôn ngữ con sẽ tiếp thu dần dần, chỉ cần làm đúng 3 bước: tạo thói quen, tạo thói quen học đúng và duy trì thói quen học đúng đều đặn mỗi ngày thì chắc chắn sẽ tới đích.
Bên cạnh đó, nên có 1 chút lửa để thúc đẩy mình hành động, chứ ko nên biến nó thành áp lực. Mình tin rằng mình đã đi đúng phương pháp, chỉ cần kiên trì cùng con mỗi ngày chắc chắn sẽ đi đến đích.
Xem Thêm:
- Học tiếng Anh đúng cách cho trẻ mầm non
- Top 5 phần mềm luyện phát âm tiếng Anh ” chuẩn ” nhất hiện nay