Nếu con không được đánh giá cao ở trường, làm thế nào để con tự tin hơn trong cuộc sống?

Sự tự tin của trẻ tuy rằng được xây dựng trong suốt quá trình lớn lên cùng bố mẹ (thậm chí ngay cả trước khi đi học) nhưng vẫn sẽ tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực theo thời gian, tùy vào các tác động.

Nhiều đứa trẻ có xuất phát điểm rất tự tin nhưng sau khi trải qua một vài “cú sốc” ở trường học lại trở nên thu mình và e dè hơn trước. Vậy làm thế nào để con hồi phục tinh thần và trở nên tự tin trong cuộc sống?

BMyC có 6 gợi ý cho bố mẹ dưới đây:

1. Bố mẹ thể hiện tình yêu và sự đồng hành của mình mọi lúc

Có thể “rời xa bố mẹ là bão tố”, vậy khi ở bên bố mẹ, hãy cho con tận hưởng sự bình yên. Cảm giác bình yên mà con muốn tận hưởng chính là tình yêu thương và sự tin tưởng vô điều kiện. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần thể hiện cho con thấy tinh thần sẵn sàng đồng hành với con ở mọi nơi, mọi lúc.

Nói về tình yêu cũng thật vô vàn bởi mỗi bố mẹ lại có một cách thể hiện khác nhau. Có người ưa ngọt ngào, cũng có người muốn nghiêm khắc, thậm chí có phần khắc nghiệt. Bởi đâu đó trong quan điểm giáo dục, nhiều người vẫn cho rằng “Yêu cho roi cho vọt”.

Tuy nhiên, tình yêu mà BMyC muốn đề cập ở đây là yêu thương và tôn trọng. Điều đó được thể hiện ngay trong ngôn ngữ và cử chỉ hàng ngày của bố mẹ.

Chẳng hạn, thay vì nói rằng:

  • Đúng là đồ dốt nát, học hỏi bạn nhiều vào

Hãy nói rằng:

  • Mẹ thấy con bắt đầu tiến bộ rồi, con rất có tiềm năng ở môn này. Con thử cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa nhé.

Với sự đồng hành, bố mẹ đừng hời hợt chỉ quan tâm đến điểm số và coi đó là thước đo để đánh giá con. Hãy quan sát cảm xúc của con đối với môn học, theo dõi cụ thể xem con đang yếu ở đâu, con thích phần nào và không thích phần nào. Bên cạnh đó, hãy quan sát quá trình nỗ lực của con để tạo động lực khi cần thiết.

Mẹ sẽ luôn đồng hành bên con
Mẹ sẽ luôn đồng hành bên con

Tìm hiểu thêm: 4 phong cách làm cha mẹ và ảnh hưởng của từng phong cách đến trẻ


2. Phát hiện và khen ngợi điểm mạnh của con

Khi con không được đánh giá cao ở trường, sự tự tin của con sẽ sụt giảm và mức độ sụt giảm sẽ tùy thuộc vào từng đứa trẻ. Nếu tính cách của con càng nhạy cảm với sự khác biệt với bạn bè, con sẽ càng bị ảnh hưởng.

Trong lúc sự tự tin bị sụt giảm, có thể con sẽ vô tình quên đi những điểm mạnh vốn có mà chỉ tập trung nhìn vào những điểm yếu và tự oán trách bản thân.

Lúc này, bố mẹ cần đủ tinh tế và tỉnh táo để nhận ra khoảnh khắc yếu mềm của con và giúp con xốc lại tinh thần.

Là một người quan sát và luôn song hành cùng con, đa số bố mẹ đều nhận ra con có những điểm mạnh nào. Hoặc nếu bố mẹ không nhận ra điều này do vẫn quen với cách dạy nghiêm khắc, hãy tham khảo ý kiến của những người mà con hay tiếp xúc. Hãy hỏi họ xem trong mắt họ thì con bạn có những ưu điểm gì và nhờ họ chỉ ra những hoàn cảnh cụ thể mà con bạn đã thể hiện ưu điểm đó.

Sau khi nắm được ưu điểm của con, hãy soi chiếu lại xem liệu những ưu điểm đó sẽ giúp con đạt được điều gì trong việc học tập cũng như trong cuộc sống. Cuối cùng, hãy thu thập lại các thông tin này và kể lại cho con nghe, tiếp thêm lòng tin và sức mạnh cho con.

3. Khi khen con, chú trọng vào sự cố gắng chứ không phải thành tích

Bố mẹ biết không? Khen con là việc mà chúng ta nên làm nhưng khen thế nào để con biết cố gắng thì không phải bố mẹ nào cũng biết. 

Bố mẹ có để ý rằng khi con đạt điểm cao, chúng ta thường chỉ khen một câu ngắn gọn: “Ồ, con đã được điểm 10 môn toán à, con giỏi quá”.

Lời khen này đang chú trọng vào kết quả thay vì quá trình. Nếu lời khen ngắn gọn như vậy, con sẽ hiểu rằng chỉ điểm 10 mới thể hiện sự giỏi giang và chỉ khi đó mới nhận được lời khen. Điều này sẽ khiến con chịu áp lực nếu như không thể đạt điểm cao trong những bài thi sắp tới.

Trong trường hợp này, bố mẹ hãy đổi lại cách khen thành: “Ồ, con đã được điểm 10 cơ à? Mà ngày trước mẹ nhớ con thường được 7 điểm. Vậy là nỗ lực của con đã có kết quả tốt rồi. Chúc mừng con. Sau này, với các môn khác, con cũng hãy nỗ lực như vậy nhé”.

Đừng chỉ khen con cho xong chuyện. Hãy khen con một cách chân thành và tranh thủ mọi cơ hội để cổ vũ con, bố mẹ nhé.

4. Kể cho con nghe về những tấm gương xuất chúng có xuất phát điểm thấp

Đôi khi, con mãi không thoát khỏi sự tự ti ở trường học vì chẳng tìm thấy một tấm gương nào để noi theo, nhất là khi các bạn điểm cao trong lớp luôn tỏ ra có năng khiếu và có thành tích xuất sắc ngay từ đầu.

Không có ai là tấm gương “trở nên xuất chúng từ xuất phát điểm thấp” để con có thể học tập. Vậy lúc này phải làm sao?

Bố mẹ hãy đi tìm những câu chuyện về các tấm gương này. Một vài cuốn sách mà bố mẹ có thể tham khảo: Tôi tài giỏi bạn cũng thế, Giải mã tài năng, Oprah Winfrey….

Hãy mua những cuốn sách này làm quà cho con như một lời động viên thầm kín nhưng mạnh mẽ, bố mẹ nhé.

Học hỏi từ tấm gương truyền cảm hứng
Học hỏi từ tấm gương truyền cảm hứng

5. Cùng con đánh giá thất bại thay vì trách móc

Gặp thất bại, chắc chắn không ai cảm thấy vui vẻ và cũng không ai muốn nhận thêm lời trách móc bởi có lẽ trong thâm tâm, họ đã tự trách bản thân mình rất nhiều. Những đứa trẻ của chúng ta cũng không ngoại lệ.

Khi đối diện với thất bại, những lời trách móc sẽ chẳng có ý nghĩa gì mà chỉ càng khoét sâu thêm vào tổn thương của con. 

Trước khi trách móc con, bố mẹ hãy tự hỏi bản thân rằng:

  • Mục tiêu của bố mẹ là gì khi buông lời trách móc con?
  • Nếu để con nhận ra sai sót và không chủ quan với chuyện học hành, vậy theo bố mẹ con có thể tự nhận ra điều này hay không?
  • Điều mà bố mẹ muốn thực sự là con nhận ra sai lầm và có hướng để cải thiện thành tích, hay đơn thuần là đem con ra làm chỗ xả cơn tức giận?
Hãy cùng con đánh giá lại nguyên nhân thất bại thay vì chỉ trích
Hãy cùng con đánh giá lại nguyên nhân thất bại thay vì chỉ trích

Nếu mục tiêu của bố mẹ là giúp con vượt qua sai lầm và vươn lên với thành tích cao hơn, hãy cùng con ngồi lại đánh giá thất bại xem:

  • Con đã trải qua bài thi trong trạng thái như thế nào?
  • Đâu là những câu con bị sai, câu nào do hổng kiến thức, câu nào do con làm nhanh làm ẩu?
  • Trong những câu con làm đúng, câu nào là con chắc chắn, câu nào không chắc nhưng may mắn chọn đúng?
  • Những câu sai và những câu may mắn đúng này thuộc phần kiến thức nào?
  • Con gặp khó khăn gì khi tiếp thu phần kiến thức đó? Do sách giới thiệu khó hiểu hay còn nguyên nhân nào khác như từ giáo viên? (đôi khi con không chú ý vào môn học vì không yêu quý giáo viên dạy môn đó)

Khi cùng con nhìn nhận lại thất bại và đánh giá chính xác nguyên nhân, bố mẹ mới có thể cùng con xây dựng lại kế hoạch cải thiện thành tích.

6. Cùng con lên kế hoạch cải thiện thành tích học tập

Sau khi đánh giá được nguyên nhân, bố mẹ hãy cùng con lên kế hoạch để cùng con cải thiện thành tích, chẳng hạn:

  • Nếu con thi khi sức khỏe không tốt, do đau bụng, dị ứng đồ ăn, hãy đảm bảo con luôn được ăn thực phẩm lành mạnh;
  • Nếu con hay làm bài ẩu, hãy giúp con nâng cao tính cẩn thận;
  • Nếu con bị hổng kiến thức, hãy giúp con xem đâu là phần kiến thức con còn yếu;
  • Với phần kiến thức con còn yếu, đâu là cách cải thiện tốt nhất? (Học từ một giáo viên khác, tìm một cuốn sách khác chi tiết và dễ hiểu hơn…);
  • Lên kế hoạch về thời gian để vừa hoàn thành bài trên lớp vừa phụ đạo thêm phần kiến thức còn yếu.

Trong toàn bộ quá trình, bố mẹ hãy luôn là người bạn, người đồng hành đáng tin cậy của con mà không phán xét hay trách mắng. Bởi ai mà chẳng gặp thất bại trong cuộc sống, quan trọng là cách ta đối mặt với thất bại và vượt qua ra sao.


Tìm hiểu thêm: 4 bước lập thời gian biểu học tập khoa học và hiệu quả


Nếu bố mẹ có thái độ tích cực và lạc quan với thất bại, con cũng sẽ học được tinh thần này: sẵn sàng đối mặt với thất bại và tìm ra cách để vượt qua. Và đây chính là nền tảng cơ bản của sự tự tin trong cuộc sống.

Hi vọng rằng, với những gợi ý nhỏ trên đây, bố mẹ sẽ áp dụng với con thành công và giúp con trở thành một đứa trẻ tự tin thật sự, ngay cả khi thành tích của con chưa được đánh giá cao ở trường lớp.

*Bài viết có sử dụng nguồn ảnh minh họa từ Google.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688