Tiếng Anh là ngôn ngữ, là công cụ để các con tìm hiểu kiến thức của nhân loại. Nó chính là đôi cánh để con trở thành những công dân toàn cầu.
“Những điều tốt đẹp, không chỉ đến qua 1 giờ, 1 phút mà nó là sự nỗ lực bởi nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm”.
Đó là chia sẻ của chị Lê Thu Huyền (Facebook: Lê Thu Huyền), giáo viên mầm non tại một vùng miền núi nghèo huyện Thanh Sơn – Tỉnh Phú Thọ khi trải nghiệm đồng hành cùng con chinh phục ngôn ngữ thứ 2 – tiếng Anh và hiện nay tiếp tục với ngôn ngữ thứ 3 – tiếng Trung.
“Có bát gạo nào không có giọt mồ hôi.
Có thành công nào không thấm mùi khổ luyện
Đồng hành cùng con có biết bao kỉ niệm
Hạnh phúc đong đầy từ những việc giản đơn.”
Những vần thơ chan chứa đầy cảm xúc của người mẹ khi được hỏi về hành trình đồng hành cùng con với 2 cậu con trai ở cái tuổi “dở dở ương ương” Quang Hưng (nay 15 tuổi) và Tùng Dương (nay 11 tuổi). Qua những vần thơ ấy, chắc bạn cũng hình dung được hành trình của ba mẹ con chị. Một hành trình đã đi qua biết bao gian nan, thử thách để đến thành công.
Nội dung chính
- 1. “Nhà vốn ở miền núi, việc tiếp xúc với tiếng Anh không nhiều, con chưa bao giờ tới trung tâm hay lớp học thêm nào cả”.
- 2.“Mình mơ ước con nhà mình cũng có thể nói được tiếng Anh như thế. Biến ước mơ thành hành động!
- 3. “30 phút tiếp xúc với tiếng Anh mỗi tối tuy ít ỏi, nhưng lại rất hiệu quả nếu chúng ta duy trì đều đặn mỗi ngày không cách nhật”.
- 4.“Để vượt qua những khó khăn, mình luôn ib hỏi admin. Thật vui khi mình cứ rối ở đâu, lại được gỡ rối ngay ở đó”.
- 5.“Để quyết định sự thành công của con là sự đồng hành mỗi ngày của bố mẹ”.
- 6. “Muốn con thay đổi trước hết mình cần thay đổi”.
- 7. “Không biết tiếng Anh sao đồng hành cùng con?”
- 8. “Mẹ cháu thì vui rõ rồi còn con thì bảo như là Giao thừa”
1. “Nhà vốn ở miền núi, việc tiếp xúc với tiếng Anh không nhiều, con chưa bao giờ tới trung tâm hay lớp học thêm nào cả”.
Mình sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn miền núi. Tuổi thơ với mình là rơm rạ, thả diều, cánh đồng lúa, trâu bò, cắt cỏ, mò cua bắt ốc…nói ngắn gọn hơn là mở mắt thấy đồi, mở nồi thấy sắn.
Các việc ở quê mình thạo lắm, còn việc học thì không. Nhất là tiếng Anh. Trong 3 năm học cấp 3, mình mới được tiếp cận. Và lúc đó cũng như cưỡi ngựa xem hoa mà thôi.
Chính ở quê nên trẻ con vào lớp 3 cũng mới được học tiếng Anh theo chương trình của Bộ giáo dục. Không có tiền đi học trung tâm, không học thêm bất cứ môn học nào. Mình đã đồng hành rất tốt cùng con trong các môn học Toán hay Tiếng Việt (cấp 1 thôi, cấp 2 thì chịu). Môn tiếng Anh thì con tự bơi vì mẹ đâu có biết tiếng Anh mà kèm cặp (may mà ý thức tự học của bạn anh khá tốt). Nhưng việc học tiếng Anh cũng chỉ dừng lại như mẹ của 20 năm về trước: ngại nói, xấu hổ vì sợ sai, sợ phát âm không đúng.
Mình bước chân vào Group BMyC từ cuối tháng 1/2019 thông qua một cô em họ.
Chao ôi! Vào Group mà ngưỡng mộ vô cùng đặc biệt các mẹ Hằng Nguyễn, mẹ Mai Linh, mẹ Dung Nguyễn… đã đào tạo ra những phiên bản xuất sắc mang những màu sắc khác nhau.
Ông chủ của Group lại là một ông bố, nên càng ngưỡng mộ vì việc học cùng con đa phần là các mẹ chịu trách nhiệm. Hiếm có nhà nào bố kiên trì cùng con lắm. Mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ôi yêu lắm những em bé thần thái tự tin ngoài sức tưởng tượng. Mình đề nghị con trai nói một bài theo yêu cầu, con nói nhưng rụt rè, ngại ngùng lắm.
Nhà vốn ở miền núi, việc tiếp xúc với tiếng Anh không nhiều. Con chưa bao giờ tới trung tâm hay lớp học thêm nào cả nên ngại ngùng cũng là điều dễ hiểu.
Mình cũng lo lắng khi bản thân không biết tiếng Anh, chưa tưởng tượng ra sẽ đồng hành cùng con trong lĩnh vực đó như thế nào. Tìm hiểu kỹ thì càng khâm phục vì những nhà thành công đều xuất phát từ việc không biết hoặc vốn tiếng Anh không nhiều. Họ làm được, mình cũng làm được.
Mình đọc rất nhiều các bài viết trong nhóm, thậm chí đọc cả những bình luận để làm vốn cho riêng mình. Nhưng hồi đó mình chưa có đủ tiền để vừa đầu tư mua iPad, vừa mua khoá học cho con nên cứ lần khân mãi để chờ tiền.
Không thể chờ mãi được, mình đi vay thêm tiền để mua iPad và đóng một phần khoá học. Cũng may mình được chia nhỏ thành 2 lần đóng học phí.
Tháng 4/2019 mình đã đăng ký gói VIP cho bạn em 9 tuổi và đến tháng 6/2019 quyết định đưa bạn anh 13 tuổi vào cuộc.
Cái tuổi cuối trăng náu, sắp trăng tròn của con tưởng chừng khó mà rất may con hợp tác tương đối tốt. Bởi trước khi vào cuộc mẹ đã cho con xem rất nhiều, cho con đọc, nói cho con về tầm quan trọng của tiếng Anh. Mẹ cháu trở thành người sáng tác ra vô vàn câu chuyện hàng ngày nên con thấm nhuần tư tưởng rất thoải mái.
2.“Mình mơ ước con nhà mình cũng có thể nói được tiếng Anh như thế. Biến ước mơ thành hành động!
Niềm tin là cảm nhận về một sự việc, một giá trị nào đó, là nguồn động lực to lớn khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn của mỗi con người. Nó không những giúp ta có được suy nghĩ tích cực mà còn giúp ta hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên chỉ mơ ước thôi thì chưa đủ mà mình hành động bằng niềm tin, và chính niềm tin đã giúp mình nỗ lực để thực hiện ước mơ.
Trước khi đến với group thì các con cũng chỉ dừng lại ở việc học tiếng Anh ở trường như mình của 20 năm về trước, ngại nói, xấu hổ vì sợ sai, sợ phát âm không đúng, chưa từng giao tiếp với người nước ngoài, chưa từng thuyết trình hay xem các kênh bằng tiếng Anh.
Trước đây mình luôn nghĩ học tiếng Anh cần có năng khiếu hay 1 cái gì đó cao siêu. Nhưng từ khi vào Group, mình xóa bỏ hoàn toàn điều đã được cài đặt trước đó. Mình nhận ra rằng quá trình học tiếng Anh cũng như quá trình học tiếng Việt, con được tiếp xúc mỗi ngày thì sẽ có khả năng nghe nói như ngôn ngữ nơi mình sinh ra.
Đó là niềm tin của mình, còn niềm tin của con thì sao, làm sao để con tự tin và có động lực học?
- Tập trung vào điểm mạnh. Để con có thể thực hiện tốt các yêu cầu của bài học thì mình luôn động viên con, tập trung vào điểm mạnh của con để khích lệ. Thay vì nói câu sao con lại làm như vậy thì mình có thể dùng câu Ôi con thật sự tiến bộ, hôm nay mẹ thấy con bật âm cuối rõ hơn ngày hôm qua, hay con thuyết trình ngày càng tự tin, ngữ điệu ngày càng hay ngôn ngữ cơ thể cũng rất tuyệt.
- Tập trung vào điểm mạnh tuy không dễ dàng gì (nhiều khi có những lúc rất muốn cáu) nhưng đó là việc cần làm để giúp con có động lực học. Nếu chỉ tập trung vào điểm yếu thì chỉ khiến con thấy tự ti về bản thân và chán nản trong việc học.
- Phát triển môi trường học tập trong gia đình bằng đọc sách. Đọc sách mỗi ngày đem lại nhiều lợi ích vô cùng. Đọc sách không chỉ giúp con cải thiện vốn từ, cải thiện được cách diễn đạt mà còn giúp con có cách ứng xử phù hợp trong từng hoàn cảnh. Đọc sách nuôi dưỡng cho tâm hồn con mỗi ngày 1 thiện. Để con ham đọc sách thì mình biến việc đọc thành niềm vui, không gượng ép.
- Làm gương cho con. Hàng ngày ngoài hàng tỉ thứ việc có tên, không tên thì mình cũng tập đọc tiếng Anh để con thấy mình chăm chỉ. Mỗi ngày dù ít, dù nhiều thì mình đã cố gắng duy trì, đã đọc razkid hơn 300 ngày liên tục.
Khi con học đến giai đoạn cần thuyết trình, mình đã tìm hiểu về sơ đồ tư duy để lấy kinh nghiệm hỗ trợ con. Từ lúc khái niệm Sơ đồ tư duy còn mới mẻ cho đến lúc cả mẹ và con cứng cáp hơn thì con cũng trải qua khoảng 500 bài thuyết trình lớn nhỏ.
Những điều tốt đẹp, không chỉ đến qua 1 giờ, 1 phút mà nó là sự nỗ lực bởi nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Lượng nhiều sẽ sinh ra chất. Cách chắc chắn nhất để tạo niềm tin là ta hãy thử làm một lần, khi hành động và tạo ra thành quả thì lúc đó sẽ có cơ sở để hình thành niềm tin.
3. “30 phút tiếp xúc với tiếng Anh mỗi tối tuy ít ỏi, nhưng lại rất hiệu quả nếu chúng ta duy trì đều đặn mỗi ngày không cách nhật”.
Một trong những yếu tố để thành công là việc sắp xếp thời gian hợp lý. Chúng ta đều có 24 giờ trong ngày như nhau, ai cũng phải làm việc, lo cơm áo, gạo tiền, và cả tỉ thứ việc không tên khi trở về nhà nữa chứ.
- Nhà mình bắt đầu buổi sáng lúc 5h30 đến 5h45, mình mở loa có coppy bài học của con để con nghe và thức dậy. Vừa làm các việc buổi sáng đánh răng, rửa mặt vừa nghe. Nghe xuyên qua giờ ăn sáng đến lúc cả mẹ cả con rời nhà đến trường là đã được gần 1h nghe rồi đấy. Chiều về cũng có thể cho con nghe khi con tắm, nghe khi chờ giờ cơm, nghe khi chơi cờ và các hoạt động khác mà không có gì áp lực.
- Tối về các con còn bận rộn bài vở ở trường nên chỉ có khoảng 30 phút tiếp xúc với tiếng Anh. Nhưng đừng nghĩ thời gian ít ỏi đó không làm được gì. Tuy ít nhưng lại rất hiệu quả nếu chúng ta duy trì đều đặn mỗi ngày không cách nhật. Vì nếu nghỉ được 1 ngày thì sẽ có lý do để nghỉ 2 ngày hay nhiều ngày hơn. Khi đó sẽ mất đi thói quen đã gây dựng.
- Thời gian đầu bọn trẻ đâu có hợp tác hoàn toàn vì thế bố mẹ cần chịu khó vất vả hơn, dành thời gian bên con nhiều hơn. Thay vì điện thoại chỉ để lướt mạng, xem phim thì mình ngồi bên cạnh xem con học gì, chơi gì, đọc truyện cùng con…
Tìm hiểu thêm : Khó khăn khi học tiếng Anh
- Mình không đưa ra những lý do để trì hoãn rằng con không có năng khiếu. Luôn nghĩ rằng 1 đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam thì nói được tiếng Việt, sinh ra ở Pháp thì nói được tiếng Pháp và sinh ra ở Mỹ thì nói được tiếng Anh… nên cái lý thuyết năng khiếu là hoàn toàn không đúng. Điều chưa đúng là mình chưa tạo được môi trường ngay trong gia đình cho con mà thôi.
- Bạn thứ 2 nhà mình rất hiếu động, ham chơi, học không tập trung nóng tính… Nhưng “con mình chẳng lẽ mặc kệ”. Thay vì than thở thì mình hành động, đồng hành cùng con để làm bạn với con, thấu hiểu con, biết con gặp khó khăn ở đâu để có hướng hỗ trợ phù hợp. Mình đã kiểm soát cảm xúc tốt hơn khi đồng hành cùng con và các con cũng có những thay đổi tích cực. Đây là nguồn động lực để mình tiếp tục cố gắng.
4.“Để vượt qua những khó khăn, mình luôn ib hỏi admin. Thật vui khi mình cứ rối ở đâu, lại được gỡ rối ngay ở đó”.
Mình luôn luôn inbox hỏi admin mỗi khi gặp khó khăn. Thật vui khi mình cứ rối ở đâu, lại được gỡ rối ngay ở đó. Kinh nghiệm cho thấy, không biết, không hiểu ở đâu cứ admin mà hỏi, mà đã hỏi là họ trả lời bất chấp thời gian.
Tăng cường trao đổi sẽ làm cho quá trình học của con không nhàm chán, đơn điệu mà thêm sự gắn bó tình cảm, giúp bố mẹ kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
5.“Để quyết định sự thành công của con là sự đồng hành mỗi ngày của bố mẹ”.
Mình đã lên kế hoạch và chia nhỏ mục tiêu để thực hiện. Kinh nghiệm là không nên ôm đồm quá nhiều mục tiêu cùng lúc sẽ tạo áp lực cho con.
- Mục tiêu thứ nhất: Ngồi vào bàn học đúng giờ.
Mình đã gọi từng bạn ra bàn bạc về giờ giấc học tập buổi tối (Lý do gọi riêng để chúng khỏi tạo phe cánh). Cuối cùng thống nhất 7h30 là ngồi vào bàn học. Thống nhất với con tuần thứ nhất mẹ nhắc các con 4 lần/tuần đến giờ học bài, tuần 2 nhắc 3 lần. Nếu các con hoàn thành mẹ sẽ thưởng sau mỗi tuần. Tuần thứ 3 mẹ nhắc con khoảng 1-2 lần hoặc có khi con đã quen 7h30 là ngồi vào bàn học mà chưa cần mẹ nhắc. Như vậy đã có thể coi là hoàn thành mục tiêu thứ nhất, tiếp tục duy trì đều đặn để con thành thói quen thực sự.
- Mục tiêu thứ 2: “Học tập trung”.
Mình giao cho con 1 đề toán hoặc bài tập trong sách bài tập. Khuyến khích con làm thật nhanh và đúng nhất trong thời gian bao lâu (phút), mẹ bấm giờ để kiểm tra. Ví dụ một đề toán con làm trong 5 phút. Ngày hôm sau mình giao cho con 2 đề và để chuông đồng hồ 15 phút, chắc chắn con sẽ làm xong trước tiếng chuông. Hãy ôm con 1 cái và khen ngợi con học rất tập trung, làm xong trước cả giờ báo, chắc chắn con sẽ rất vui.
6. “Muốn con thay đổi trước hết mình cần thay đổi”.
Hai anh em mỗi bạn một tính, bố mẹ không thể tạo ra hai bản sao với tính cách giống hệt nhau. Mỗi con là một cái cây riêng biệt. Việc của bố mẹ là đồng hành giúp con thu nạp chất dinh dưỡng, khí trời, nước, ánh sáng để sau này ra quả theo đúng cây của nó. Nếu con là cây táo thì ra quả táo, là cây na thì ra quả na cho đúng chất của cây đó.
Trước khi nói để con nghe lời mình cần làm bạn thật sự của con, đặt mình vào vị trí của con đã, làm gương cho con, thấu hiểu con. Đừng cố gắng sửa chữa gì cả khi chưa kết nối được với con. Hành vi sai trái của con (theo cách nghĩ của người lớn) là biểu hiện 1 nhu cầu nào đó của con.
Hãy tạo cho con niềm vui sự khích lệ, động viên, nhiều khi còn phải giả vờ “ngẫn ngờ” để chúng được giải thích chỉnh sửa mình ấy chứ. Ngày hôm nay, con tiến bộ hơn ngày hôm qua đã là thành công rồi, con cần được bố mẹ ghi nhận, cổ vũ cho sự thành công đó để tạo đà cho bước sau.
7. “Không biết tiếng Anh sao đồng hành cùng con?”
Không sao. Vì các con học thông qua hình ảnh, qua app, xem video, mp3 nghe chất giọng của người bản ngữ, có nghe giọng của mẹ đâu mà lo con phát âm sai. Mãi sau này khi đồng hành cùng con một quá trình dài mình mới ngấm được điều đó.
Bố mẹ không chỉ lo cơm áo gạo tiền hằng ngày mà còn là người bạn, người đồng hành đồng hành tốt nhất trong hành trình phát triển của con. Góp nhặt những tiến bộ nhỏ của con để làm động lực, niềm vui thì sẽ thấy đồng hành cùng con không quá khó.
Ai chưa hành động hãy hành động nhé, ai đã hành động đừng sốt ruột, đừng chùn bước vì cái gì cũng có giai đoạn của nó, nhất là ngôn ngữ thì con cần nhiều thời gian hơn.
8. “Mẹ cháu thì vui rõ rồi còn con thì bảo như là Giao thừa”
Có ai đó đã nói rằng :
“Trên hành trình chinh phục mục tiêu, có thể bạn sẽ phải làm những thứ mà bạn chưa từng làm, chưa từng hiểu”
Thật là rất đúng với mình trong quá trình đồng hành cùng 2 con trai học tiếng Anh.
Nhưng muộn còn hơn không, qua chặng đường mình nhận ra rằng mình cũng đang ngưỡng mộ chính bản thân các con. Các con thật cố gắng, tuy lớn, bài vở ở trường nhiều, hiếu động mà các con vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ. Con có thể ngồi tỉ mỉ hàng giờ để vẽ mindmap, nghiên cứu bài cẩn thận. Lúc đầu vẽ cũng xiên xẹo lắm, nhưng càng vẽ càng lên tay. Được admin và các bố mẹ trong group động viên con lại càng tự cố gắng để phù hợp với lời khen đó. Hai con đều đã hoàn thành lộ trình của group và luôn phát huy tinh thần tự học mỗi ngày. Có thể xem phim, các kênh khoa học bằng tiếng Anh và chém gió chuyện lặt vặt với người nước ngoài. Động lực lớn của mẹ cháu đó.
Xem thêm
- Hành trình đưa con “Vươn ra biển lớn”
- Trải nghiệm tuyệt vời của ông bố cùng con học tiếng Anh tại nhà