Học ngôn ngữ cũng như học ăn dặm: Bí quyết của người mẹ giúp 2 con nói được cả tiếng Anh và tiếng Trung

Mình luôn bình tĩnh, cố gắng không sốt ruột. Hồi trước dạy các con ăn dặm ra sao thì giờ áp dụng y như vậy vào việc học, nghĩa là việc học trở thành việc chơi có giờ giấc và nguyên tắc. Đúng phương pháp, đúng độ tuổi, thực sự con cái chúng ta đều giỏi – Chia sẻ của chị Phạm Thùy Linh.

thuylinh
Theo chia sẻ của chị Thùy Linh.

1. Mẹ con mình đến với group và gắn bó với group BMyC như thế nào?

Mình biết đến Group BMyC trước ngày con bắt đầu học hơn 1 năm, nhưng thực sự cũng không để ý, chỉ thi thoảng thấy hiện lên trên Newfeed. Cho đến thời điểm Hằng 4 tuổi, mình bắt đầu suy nghĩ về việc con sẽ học tiếng Anh ở đâu, học như thế nào. 

Tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc trên các phương diện: tài chính, mức độ thuận tiện, phương pháp học phù hợp, trong đó phương pháp học là điều mình quan tâm nhất. Dù bản thân mình có ” tiền sử” dốt tiếng Anh nhưng mình tin bản thân có thể dựa vào tư duy để cân nhắc đúng sai khi chọn phương pháp học.

Trước khi để tâm vào group, mình dành thời gian để tìm hiểu về cách thức, tư duy học tiếng Anh trên các diễn đàn, group Con tự học… Trong thời gian đó, mình chưa cho con học tiếng Anh ở đâu cả, cũng xin phép các cô không đăng ký học tiếng Anh ở trường. Mình cho rằng thà đi chậm, đi muộn nhưng đi đúng hướng, và nếu không tốt hơn cũng nhất định không làm con phát âm sai rồi luẩn quẩn sửa sai.

Mất 1 năm nghiên cứu các cách thức học trên mạng, dù không định hình được phương pháp nhưng mình có thể hiểu những nguyên tắc cơ bản trong việc học tiếng Anh để đảm bảo không đi sai, không xây móng hỏng. Và thời điểm tiếp cận Group ở mức độ theo dõi thường xuyên 2-3 tháng, xem bạn Ốc nhà mẹ Linh Mai, xem các bé nhà anh Huy thì mình cảm thấy đây là một group đặc biệt cần theo dõi.

4 1
Chị Thùy Linh đã học Native Talk của BMyC.

Theo dõi được một thời gian, mình đăng ký ngay khóa học Native talk cho mẹ, không hẳn để xóa mù cho mẹ, mà để test xem group vận hành gói học như thế nào, có phải chỉ bán phần mềm rồi “đem con bỏ chợ” như các nơi khác.

Mình học được 2 tháng thì có niềm tin mãnh liệt vào group và quyết định đăng ký luôn gói học chuyên sâu cho 2 con. Mình cũng ngại với chồng hoặc người khác vì không thích nghe mấy câu kiểu “chương trình online ăn thua gì mà học” hay lại “tiền mất tật mang”. 

Gói học đối với mình không quá nhiều tiền, và nếu Group đối xử với mình không như mình kỳ vọng thì thực sự mình sẵn sàng bỏ ngang hết các gói học đã đăng ký vì thời gian mới là thứ đáng tiếc chứ không phải chừng đó tiền. Chồng mình cũng không biết việc học phải nộp chừng ấy tiền, phải nửa năm sau mình mới kể chuyện nộp học phí, khi đó con đã tiến bộ vượt bậc, nên chồng càng phấn khởi chia sẻ hỗ trợ mẹ con.

Bây giờ 3 cục vàng của mình đều đang học ở đây. Dù công việc bận rộn nhưng mỗi ngày mình vẫn luôn cố gắng đồng hành cùng con, chăm post bài để duy trì niềm cảm hứng.

Đường càng đi, sẽ càng dễ đi. Đi chậm, đi nhanh, về đích là được!

2. Hành trình chinh phục tiếng Anh của hai cục vàng nhà mình

Khi mới tham gia BMyC, bé lớn Thanh Hằng đã được 5 tuổi còn Thanh Hà là 3 tuổi và chưa từng tiếp xúc với tiếng Anh trước đó. 

Tính mình vốn dĩ nhanh nhẹn nhưng khá kỹ tính. Sau khi tìm hiểu cảm thấy phương pháp học của group hợp với con và quan điểm học của mẹ nên đăng ký 2 VIP luôn không đăng ký thử hay cơ bản gì hết vì sợ mất thời gian. 

Nộp tiền xong rồi là cày cuốc không bỏ ngày nào. Ngày học 2 lần. Cơm chưa nấu thì để đó lát nấu chứ mẹ con học đã. Nộp xong bài là bọn mình hồi hộp chờ admin chấm, chiến lược là chia nhỏ ra để hoàn thành mục tiêu. 

Bạn lớn học khá ngon. Bạn bé còn hơi ngọng nên hoàn thành 2 task đầu của level 2 khá vất vả nhưng giờ đã bắt đầu dễ dàng hơn.

Mình không giỏi tiếng Anh, và mình chấp nhận con học chậm hơn các bạn nên luôn cố gắng kiên trì và kiên nhẫn hơn với con, chấp nhận chậm deadline miễn sao mẹ thấy con nắm được kiến thức.

Quan trọng là dù ban đầu có nản vì con không hợp tác cũng đừng buông xuôi. Vì bố mẹ nào cũng phải vượt qua những giờ phút như vậy khi đồng hành học cùng con.

Những ngày đầu, cũng như các bé khác, con mình vùng vằng không học khiến mẹ cũng căng thẳng, bực bội. Chọn thoả hiệp hay từ bỏ thì quá dễ nhưng mình chọn từ từ điều chỉnh bản thân trước rồi mới điều chỉnh con. Các mẹ khác có thể xem đây là một cuộc chơi, mệt thì bỏ cuộc. Còn với mình, đây là việc phải làm, dù thế nào cũng không bỏ cuộc. Thậm chí mình còn xác định 2 năm này làm móng cho con, công việc có thể lùi lại cũng được.

Hai chị em chúng nó bây giờ đều xác định được học là nhiệm vụ, mặc dù vừa học 2 đứa vẫn vừa nhảy nhót tưng bừng chỉ 10-15 phút là nghiêm túc.

Mỗi ngày 2 lần, con sẽ có tổng thời gian học khoảng 50 phút. Con đòi học thêm cũng không cho, học hết app này đến app kia chứ không cho chơi tràn lan nên các con vẫn rất hứng thú. Chỉ khổ nhất chúng nó nạnh nhau vì “chị được chơi 3 ngần mà con mới được chơi 2 ngần mẹ ạ” (em còn nói ngọng lắm).

Vừa học vừa chơi như vậy nhưng thực sự nhiều khi mình cũng không tin được con gái bé bỏng mới hơn 3 tuổi đã có thể ngồi đọc được sách thế này.

Qua từng level, các con càng tiến bộ rõ rệt. Kết thúc level 2, các con đã tự đọc được truyện đơn giản, khả năng tập trung cao lên, phần đọc chưa được hay vì chưa thấm ngữ điệu nhiều, tương tác thì hạn chế (vì mẹ gà).

5 1
Hai bé Thanh Hằng và Thanh Hà.

Thế mà lúc mới vào level 2, ba mẹ con phải đối mặt với những task đầu tiên khá căng thẳng. Con chưa hình dung ra ghép vần, mẹ cũng không hình dung ra phải làm thế nào để con hiểu được. Lúc thì bối rối, lúc lại bực tức, có khi mẹ con đều… giận luôn nhau. 

Đúng là khi trải nghiệm cùng con thì mẹ cũng “trưởng thành” lên, có nóng mới biết cần phải nguội. Dần dần mẹ cũng kiềm chế hơn, con quen việc hơn và thực sự từ dạo đó mỗi buổi học chỉ hơi giống cảm giác học một tí, còn đâu rất vui vẻ. Mẹ con thoả hiệp nhau chia sẻ nhau để ai cũng hoàn thành việc của mình: Mẹ đảm bảo con học đủ cái cần học, con được “chơi” theo ý con. Mọi cái rất nhẹ nhàng, và thời gian con đi chơi cũng rất thoải mái. Mẹ cũng hơi “ép” con một chút nhưng trộm vía là con cũng khá hợp tác.

Sau 6 tháng, hai con đã tốt nghiệp level 3 để lên level 4. Một chặng đường khá dài: con nỗ lực, mẹ kiên trì, lúc nào cần admin có, lúc nào khó có admin. 

Lúc mới đầu, hai con còn chưa biết chữ a b c đọc thế nào, giờ đã thuộc nhiều bài hát tiếng Anh, biết đọc truyện tiếng Anh, biết giao tiếp đơn giản một cách tự nhiên và cảm xúc.

Bây giờ càng học lại càng thấy dễ, không phải vì con giỏi mà vì cả mẹ và con đã quen cách học, học như chơi mưa dầm thấm lâu.

Đây là một vài kinh nghiệm của mình khi học cùng con:

  • Việc học là tự do, tài liệu tự chọn nhưng đã theo lộ trình có task thì nên bám vào task để bổ trợ. Mỗi video trong task mẹ con mình đều xem kỹ, ngày có thể xem 1 lần video task thôi nhưng 1 tuần sẽ xem 7 lần/7 ngày. Mỗi lần con xem sẽ hiểu thêm 1 tí và khi cảm thấy con hiểu được rồi thì trả bài quay video 1 phát ăn ngay ;
  • Nếu con còn bé thì tài liệu học ưu tiên tài liệu có file nghe, ưu tiên nghe nhiều hơn đọc để con thẩm âm tốt. Mục này mình rất thích Razkid vì nghe rất dễ khỏi phải làm nhiều thao tác. Mình ưu tiên các app truyện hoặc app mà Group cài sẵn vì con nghe luôn rất tiện ( mẹ cháu rất lười và ngại công nghệ);
  • Tầm này con mình đã có chút vốn từ mình thích cho con học qua các bức tranh, hợp sở thích của con và vừa luyện nói lại vừa khơi nguồn sáng tạo.

Nhiều người hỏi mình một buổi học của con diễn ra thế nào, có “hàn lâm’” như sinh viên luyện đề không thì xem video của mình là biết. Sở dĩ mình chưa sắm bàn sắm ghế học nghiêm túc vì ở tuổi này của con học một chút rồi vặn vẹo rồi bò ra khỏi ghế chạy mất tăm là chuyện bình thường. Mẹ chỉ rèn thói quen thôi còn học hành thì thả lỏng, nương theo con và độ tuổi của con.

Nhà mình thường ăn tối muộn, 8h kém mới ăn, 8h45 sẵn sàng đi chơi… đêm, hoặc đi bộ lẫn đi ngắm cảnh cả tiếng, mỏi rã chân thì về ngủ.

Lớp 1 vất vả thật đấy, nhưng kế hoạch 5 năm vào đời trước mắt của các con mình là không có chế độ học tối cho đỡ tốn điện.

Con bị cận không hẳn do dùng ipad. Con đọc sách trong thời gian dài cũng sẽ mỏi mắt, con cần có chế độ giao tiếp tự nhiên cân bằng, mắt tắm thiên nhiên cân bằng để đầu óc và mắt được thư giãn.

Chơi đủ mới thông minh và học mới hiệu quả các bạn ạ.

Chúng mình tự hào đã đi qua toàn bộ khoá học Full option của Bmyc mà chưa từng học tối sau 8h. Mình có nhiều thời gian hơn các mẹ nên dễ sắp xếp, nhưng hãy đặt ưu tiên con học hiệu quả hơn học nhiều, học tập trung hơn học vô thức để tiết kiệm thời gian các mẹ nhé.

Học tiếng Anh như một ngôn ngữ và học tiếng Anh như một môn học khác nhau thế nào?

Hai bạn nhỏ giờ trao đổi về chủ đề Animal at the zoo, không giống như kiểu học truyền thống mà tha hồ trình bày quan điểm của mình, cãi nhau câu nào đáp lại luôn câu ấy. Nếu không có mẹ canh là sẵn sàng xông vào nhau vừa tẩn vừa quát bằng tiếng Anh luôn.

Học ở trung tâm thầy cô đã dạy các con” cãi” nhau bằng tiếng Anh chưa?

Ở nhà chúng nó đã cãi nhau rồi đấy ạ. Ngày xưa thì mẹ như vịt nghe sấm nhưng giờ nghe cũng nghe ra rồi mỗi tội vẫn chậm hơn con.

Thông qua cách học tiếng Anh của BMyC, con còn học được cách tự học – tự khai thác các môn khác. Con có cộng đồng song ngữ rộng lớn, nơi mà mỗi em bé, mỗi bà mẹ đều là những người truyền động lực.

Còn mình, điều tuyệt vời nhất với mình khi đi qua khóa Native Talk là sự mạnh dạn khi nói tiếng Anh với con, phát âm tốt hơn dù còn nhiều cái sai lè. Nói chung, muốn đồng hành với con lâu dài thì không thể không tham gia Native Talk được.

Với mẹ con mình, ngoài việc con giao tiếp được bằng tiếng Anh và bước đầu dùng tiếng Anh để học kiến thức xã hội thì con có khả năng tự học, tự tiếp thu chủ động. Mẹ vui, bố vui, con tự tin.

3 1
Đi chậm, đi nhanh, về đích là được.

Sau khi đã hòm hòm tiếng Anh, ngoài việc luyện tập hàng ngày, mình cho hai con làm quen dần với tiếng Trung Quốc, mỗi ngày 15 phút.

3. Bắt đầu chặng đường mới: Chinh phục tiếng Trung

BMyC không chỉ là mái nhà chung giúp mẹ con mình chinh phục tiếng Anh mà còn chắp cánh cho chúng mình vươn tới ước mơ Multi-language. Đó cũng là lý do khiến mình quyết định cho các con học thêm tiếng Trung.

Với tiếng Trung, mình cũng áp dụng đúng như phương pháp học tiếng Anh của BMyC. Con học tiếng Trung thông qua các bài giảng và tài liệu bằng tiếng Anh. 

Lâu lâu, hai đứa nó lại đổi gió đọc truyện tiếng Trung. Khi đọc truyện, con chưa hiểu được chính xác từng từ ngữ nhưng con hiểu được từng trang nói cái gì, hiểu được cơ bản nội dung câu chuyện.

Con đọc truyện Méi ýou le và từng trang giải thích cho mẹ hiểu – diễn đạt song song Tiếng Trung – Tiếng Anh mà không hề nhầm lẫn.

Nếu là tiếng Anh thì mẹ còn “xì xồ” vài câu chứ tiếng Trung thì mẹ chỉ ngồi … hóng. Thi thoảng chúng nó giải thích cho vài từ tiếng Trung bằng tiếng Anh thì mẹ còn đoán ra nghĩa, nhưng rồi lại quên.

Thế nên đừng ai hỏi mình biết tiếng Trung à hay hỏi tiếng Anh Ai eo mấy chấm. Mình thật chỉ biết chấm hỏi với chấm than thôi ạ.

5. Mang chuông đi đánh xứ người và kết quả

Sau một thời gian học tiếng Anh ở BMyC, mình quyết định cho các con đi test trình độ ở Apolo Apax

Kết thúc buổi test còn trên cả mong đợi của mình. Số điểm của hai đứa đều vượt chuẩn và đều được offer lên mức học cao hơn nhiều so với độ tuổi của con. Khi các cô hỏi nãy test với cô Anna thế nào hai chị em nó đều bảo: So easy!

Chúng nó còn nói tiếng Trung mua vui cho các cô. Trong thời gian chị Hằng làm writing, các cô xúm xít bảo bé Ba (Thanh Hà) đọc sách tiếng Anh cho các cô nghe.

Ai cũng ngạc nhiên khi biết con chưa từng đi học thêm ở đâu.

Mình thì nghĩ bụng: “Công tôi mài 2 năm đấy có ít đâu”.

Thường thì khi xem Thanh HằngThanh Hà học, nhiều người cho rằng vốn dĩ các bé ngoan và thích học sẵn. Trẻ con chẳng ai thích học sẵn cả, kể cả bây giờ bảo cho chơi là ù té chạy quên lối về. Mẹ mất gần 1 năm để tạo thói quen cho con, vừa là mềm nắn rắn buông, vừa phải nương theo con từng chút một để con chịu học. Đối với trẻ con mà nói thì mấu chốt là 3 vấn đề:

  •  Rèn thói quen cho con gồm thói quen tự học và thói quen tự khai thác bài học;
  •  Kể cả con tự học thì mẹ vẫn là nguồn động lực ủng hộ động viên con trong mỗi buổi học, vừa là cảnh sát của con vừa là cô tiên của con;
  •  Cách tiếp cận phải phù hợp với độ tuổi của con. Chơi như học và học như chơi.

Một số câu hỏi các mẹ hay hỏi:

Sao con tớ không nói được dài như bạn ấy/ không nói được như bạn ấy?

-> Con cần tích luỹ đủ vốn từ, vốn câu, hiểu được nội dung con mới bật lên thành lời văn được.

Sao con tớ không thích đọc sách, không thích đọc sigh words toàn kêu khó?

-> Con phải nghe nhiều lần hơn số lần con đọc. Bao giờ việc đọc dễ hơn so với con thì (có thể) con mới thoải mái trong việc đọc sách được.

Sao con bạn học vui vẻ vậy, kiểu thích học ấy, con tớ chả chịu học?

-> À để được như này cũng mất tầm 1 năm liên tục tạo thói quen chứ k tự nhiên đã được vậy.

6. Các em bé đa ngôn ngữ sẽ có lợi thế gì?

Thật sự thì đa ngôn ngữ đã thành xu thế rồi, ở Việt Nam có thể còn lạ lẫm, nhưng ở nước ngoài những gia đình bố mẹ 2 ngôn ngữ khác nhau thì có xu hướng con đa ngôn ngữ, tất nhiên thông qua đồng hành tương tác có chủ đích học ngôn ngữ. Những em bé đa ngôn ngữ đều rất hoạt ngôn và tinh ý.

War: Russia and Ukraina – Thanh Hằng & Thanh Hà.

Mình mong muốn con giao tiếp được tiếng Trung và 1-2 năm tới khi tiếng Trung đã hòm hòm thì sẽ giúp con học sang tiếng Pháp. Có thể bạn thắc mắc học nhiều ngôn ngữ để làm gì? Thực sự khi đồng hành cùng con học tiếng anh, mình nhận thấy rất nhiều điều tuyệt vời.

6.1. Con tập trung hơn

Điều này không phải do ngôn ngữ mang lại, mà do cách con học trong quá trình học ngôn ngữ. Tai con phải thính, kể cả tụi nhỏ vừa học vừa chơi búp bê vừa trêu nhau nhưng chúng nó vẫn để tâm đến video đang học, vẫn nhớ được những cái cần nhớ. Bạn Hằng có độ tập trung khá tốt. Khi nghe tiếng anh, dù mồm vẫn đá đưa cãi nhau với bé Ba, tay vẫn đi chơi hơi xa, nhưng hết bài vẫn nắm được các ý của bài nghe. Mình nghĩ điều này giúp Hằng đi học ở lớp 1-2 rất thuận lợi – vì trẻ nhỏ thì chỉ cần tập trung để ý bài giảng ở lớp của cô thì đều sẽ làm được hết.

6.2. Cảm giác mỗi ngôn ngữ con khai thác như mở thêm một vùng trong vỏ não

Mình không phải là nhà sinh học, nhưng mình cảm thấy ngôn ngữ kích hoạt tất cả sự nhạy cảm linh hoạt của con. Trẻ con sinh ra một thời gian ngắn vỏ não đã chấp nhận tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ và đóng lại các cánh cửa ngôn ngữ khác để tiếp nhận Tiếng Việt. Nên việc thêm một ngôn ngữ vừa là mở thêm một cánh cửa – vừa khai thác thêm tốc độ hiệu quả của não!

Tựu chung hai ý đó, thứ mình muốn khai thác tối đa ở giai đoạn vàng của con là mở ra các khả năng của con, muốn khiến con thông minh hơn và có kỹ năng hơn. Khi con thông minh nhạy bén và biết cách học, kỹ năng tốt thì mình tin tưởng bất cứ cái gì mới mẻ con cũng sẽ khai thác được!

Mọi người kêu kèm 1 đứa học song ngữ đã khó, 2 đứa cùng lúc còn khó hơn, thì mình thấy kèm 2 đứa cùng lúc bõ công (vì mẹ lười), và có lợi thế nhất định so với kèm 1 đứa. Khi mọi người kêu kèm 3 đứa càng khó, mình lại thấy có hai chị song ngữ rồi thì rất thuận lợi cho Âu bướng (anh út nhà mình).

Nên lúc đầu khó, thì đừng nản. Hãy nghĩ rằng đoạn tiếp theo qua khúc khó sẽ dần dễ dàng.

Nhà có 3 đứa trẻ con, mỗi đứa một tính cách. Đứa nào cũng phải tự tay mẹ ” chăn nuôi” từ ABC, 123… cứng cáp vững vàng chút mới hỗ trợ nhau được. Các mẹ đừng hỏi mình là làm sao kiên nhẫn được với con. Mình cũng như các mẹ thôi, qua giai đoạn mất kiên nhẫn là sẽ kiên nhẫn dần. Sứ mệnh của mẹ là phải tự thay đổi linh hoạt phù hợp với từng đứa con, còn các con không cần phải thành 1 khuôn mẫu nào để giúp mẹ đỡ vất cả. Làm mẹ cũng nhờ chinh phục từng đứa con mà trưởng thành dần, chứ không mấy ai trưởng thành luôn từ đầu đâu, các mẹ nhé.

Trên đây là câu chuyện đồng hành cùng con học tiếng Anh và tiếng Trung của chị Thùy Linh, còn bạn thì sao, bạn có đang đồng hành cùng con học một ngôn ngữ mới nào đó không? Nếu có hãy kể lại cho BMyC những trải nghiệm của bạn và con trong hành trình đó ở phần bình luận dưới bài viết này nhé!

Xem Thêm: 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688