Rèn tính kỷ luật cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ sống khỏe mạnh, dễ thành công trong tương lai và có thể trở thành những bố mẹ thấu hiểu và biết cách giáo dục con cái sau này.
Rèn tính kỷ luật cho trẻ ở độ tuổi mầm non là điều mà bố mẹ cần phải làm ngay từ bây giờ. Bởi nếu bạn nuông chiều theo mong muốn của trẻ ngay khi trẻ khóc lóc, ăn vạ hay đòi hỏi thì các liên kết trong phần trước não bộ không được hình thành, và trẻ sẽ khó phát triển tính kỷ luật của bản thân.
Thói quen không tốt đó sẽ theo bé khi trưởng thành và biến chúng thành những người thiếu kỷ luật và cơ hội thành công sẽ ít đi. Đó là lý do bố mẹ nên rèn tính kỷ luật khi trẻ ở độ tuổi mầm non là vậy.
5 cách rèn tính kỷ luật cho trẻ mầm non dễ thực hiện dưới đây BMyC hy vọng sẽ giúp bạn có được cách làm hiệu quả:
Nội dung chính
1. Tạo quy tắc rèn tính kỷ luật cho trẻ trong gia đình
Để trẻ có tính kỷ luật, ngay từ độ tuổi mầm non bạn đã phải có nguyên tắc trong gia đình. Bạn cần trao đổi thẳng thắn với con về những việc nên làm, không nên làm cũng như tạo ra kế hoạch cụ thể cho trẻ. Đừng nghĩ rằng trẻ ở độ tuổi mầm non sẽ không hiểu những nguyên tắc đó.
Cần có phần thưởng hoặc hình phạt khi trẻ không tuân thủ nguyên tắc để trẻ thấy được hành vi của mình sẽ tạo ra kết quả như thế nào. Tránh dùng việc đòn roi và những lời mắng chửi nặng nề để áp đặt trẻ. Thay vào đó động viên, khích lệ và hướng dẫn con từng bước thực hiện nguyên tắc của gia đình.
1.1. Cùng tham gia công việc gia đình
Rất nhiều bố mẹ muốn tạo điều kiện thời gian cho con cái học tập, vì vậy làm hết phần việc của trẻ thay vì hướng dẫn con làm để con có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
- Mỗi tuần dành một buổi để cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, trò chuyện cùng nhau
- Không dùng các thiết bị điện tử, ti vi khi ăn cơm cùng nhau
1.2. Một số nguyên tắc quan trọng khác
- Trung thực nhận lỗi.
- Không đổ lỗi cho người khác.
- Chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm.
- Không nói dối.
Chị Hằng Nguyễn (Nha Trang) là một người mẹ hết sức kỷ luật cho con cái. Chị chia sẻ: “Mình làm việc tại nhà và quản lý 3 đứa con, chồng bộ đội đi làm xa nên phải tạo ra kỷ luật cho các con để vừa tạo thói quen tốt sau này vừa giúp mình kiểm soát được mọi việc.
Giờ nào việc đó, mình đưa ra lịch trình cụ thể để các con nghiêm túc thực hiện. Mình có thưởng phạt phân minh nên các con tuân thủ rất kỷ luật.
Rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ không hề đơn giản với người mẹ 3 con như mình. Vì biết cần phải rèn tính kỷ luật cho trẻ từ độ tuổi mầm non nên mình đã lên kế hoạch từ nhiều năm trước và nghiêm túc thực hiện. Bản thân mình cũng phải làm gương cho các con nữa.”
2. Lên lịch trình chi tiết cho trẻ
Mình nhớ câu chuyện dạy con của tác giả cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương, bà Sara Imas, cách làm của bà rất hay: Bà đã vạch ra cụ thể từng việc cho 2 cậu con trai. Bà hiểu rằng bộ não của nam giới nói chung chỉ tập trung được từng việc, vì vậy thay vì nhắc nhở con, bà đã viết ra những công việc mình muốn các con làm để các con thực hiện.
Chính nhờ thói quen này mà các con trai làm tốt từng việc mà không cần bà phải mất nhiều thời gian trao đổi.
Câu chuyện này muốn nói rằng, bạn muốn con rèn tính kỷ luật hay muốn làm bất cứ điều gì cho mình, hãy lên lịch trình chi tiết và cụ thể để trẻ hiểu việc cần phải làm. Mỗi ngày từng bước một, trẻ sẽ dần hình thành thói quen và có tính kỷ luật.
- Đề ra thời gian thực hiện và thời gian cần hoàn thành: Mỗi một việc khi có mốc thời gian cụ thể, chi tiết, trẻ càng có ý thức hoàn thành sớm. Từ đó ý thức rèn luyện sự kỷ luật cho bản thân càng được nâng cao.
- Ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng: Trong một ngày sẽ có một số nhiệm vụ mà trẻ cần thực hiện, bạn nên phân tích cho trẻ hình dung thứ tự các nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào quan trọng thì làm trước và bắt buộc hoàn thành, nhiệm vụ nào chưa cần thiết sẽ thực hiện sau.
- Kiểm tra lại kết quả của nhiệm vụ: Sau mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, bạn cần ngồi lại cùng con để kiểm tra lại những nhiệm vụ đã thực hiện được hay chưa? Những khó khăn mà trẻ trải qua để hiểu vì sao trẻ chưa hoàn thành? Nếu hoàn thành rồi thì trong thời gian bao lâu và có thể làm tốt hơn không?
Việc trao đổi và trò chuyện cùng trẻ giúp bố mẹ hiểu con hơn và giúp trẻ nhận ra nhiều bài học cùng rút kinh nghiệm.
3. Không làm thay trẻ
Rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ mầm non là để tự trẻ làm và trải nghiệm tất cả những việc vừa sức với trẻ. Bạn nhất định không được làm việc thay trẻ.
Ví dụ như việc cất đồ chơi, sách vở khi đọc xong để đúng nơi quy định… nếu một vài hôm trẻ lười biếng không muốn làm và bạn làm hộ thì nguy cơ trẻ sẽ ỉ lại bạn lần tiếp theo.
Tuỳ vào độ tuổi mầm non của trẻ mà bạn cần đưa ra những công việc phù hợp từ dễ đến khó để thử thách con. Nếu có việc nào khó, bạn cần hướng dẫn, giúp đỡ trẻ và cùng trẻ thực hiện.
4. Quan sát và giúp đỡ trẻ
Bạn không thể đưa ra một lịch trình và áp đặt trẻ thực hiện theo đó và mong muốn, kỳ vọng trẻ có tính kỷ luật. Hãy quan sát con khi thấy con gặp khó khăn để điều chỉnh cho phù hợp.
Ví dụ: Bạn lên kế hoạch 6 giờ 30 sáng trẻ phải dậy để chuẩn bị đến trường, tuy nhiên trẻ chưa dậy được vào khung giờ này. Thay vì quát mắng và phạt trẻ, bạn cần thay đổi linh hoạt và có những hành động động viên trẻ để con dậy sớm.
5. Khen ngợi trẻ mỗi khi thực hiện được một kế hoạch
Rèn tính kỷ luật cho trẻ mầm non cần sự khen ngợi của bố mẹ. Bạn càng khen trẻ, con càng mong muốn được làm điều đó.
Bởi vậy khi con thực hiện được một nhiệm vụ như: xếp sách vở, đồ chơi đúng nơi quy định…bạn hãy cho con biết bạn rất vui và tự hào vì con đã làm đúng việc của mình.
Đứa trẻ nào cũng thích được khen và bạn đừng tiếc lời khen với con bạn nhé.
- Khi trẻ giúp đỡ bạn, hãy nói “bố mẹ cảm ơn con”: Mỗi một việc nhỏ trẻ làm được cho bạn, đừng quên cảm ơn con và hướng dẫn trẻ hãy cảm ơn người khác khi mình được giúp đỡ. Những bài học thực tế trong gia đình dù là lời cảm ơn thôi cũng đã tạo động lực cho trẻ làm nhiều việc tốt hơn mỗi ngày.
- Tôn trọng ý kiến của trẻ khi muốn trẻ làm điều gì đó: ”Con thấy việc học tiếng Anh như thế nào? Điều gì làm con thích nhất khi học tiếng Anh?…” Hãy hỏi trẻ các câu hỏi như vậy để con thấy được sự tôn trọng của bố mẹ, và chính trẻ đôi lúc lại nảy ra những ý tưởng cực kỳ tuyệt vời mà người lớn chúng ta không nghĩ ra được.
- Thường xuyên khen con khi con làm tốt: Khen, khen và khen ngợi trẻ là cách giúp trẻ có nhiều động lực làm tốt các nhiệm vụ mà trẻ cần thực hiện.
- Khi trẻ chưa làm được, hãy lấy đó làm bài học thất bại cho trẻ: Để con đối mặt với thất bại hay thua cuộc là một phần quan trọng trong sự rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ.
Rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ mầm non không thể ngay lập tức hay một vài tuần, vài tháng là con có thể có được tính cách này. Cần phải tính bằng năm và tuỳ thuộc vào sự kiên trì của bố mẹ.
Khi trẻ có tính kỷ luật, trẻ sẽ rất tự tin và khả năng tự lập rất cao.
Trên đây là 5 bí quyết gợi ý giúp bạn đồng hành giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật ở trẻ. Bạn có thể áp dụng ngay cho con mình.
Nếu bạn đang áp dụng cách nào đó hiệu quả, hãy chia sẻ cách làm của bạn ở đây để mọi người cùng học tập nhé!
Xem Thêm:
- Bí kíp luyện nghe tiếng Anh cho trẻ chuẩn như người bản ngữ
- Từ vựng tiếng Anh: Cách học hiệu quả nhất cho người mới bắt đầu