Cách cân đối thời gian biểu học tiếng Anh tại nhà cho bé lớp 1

Vào lớp 1 là một bước ngoặt quan trọng đối với các bé. Các con có nhiều điều bỡ ngỡ, từ các môn học đến môi trường.

Cách cân đối thời gian biểu học tiếng Anh tại nhà
Cách cân đối thời gian biểu học tiếng Anh tại nhà

Không chỉ vậy, bố mẹ của các con cũng phải đối mặt với ít nhiều những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này có thể làm đảo lộn thời gian biểu sinh hoạt của gia đình trong thời gian đầu nói chung và việc duy trì tự học tiếng Anh tại nhà nói riêng.

Cùng tham khảo những giải pháp khắc phục về việc cân đối thời gian biểu trong giai đoạn con mới vào lớp 1 nhé

I. Những lợi thế của bé lớp 1 đã quen với việc học tiếng Anh BMyC tại nhà

Các gia đình đã đồng hành cùng con học tiếng Anh từ 3,4 tuổi sẽ có 4 lợi thế nhất định khi con bước vào lớp 1 như sau.

1. Có thói quen học hàng ngày

Một số gia đình để con chơi thoải mái trong thời kỳ mầm non nhưng đến khi con vào lớp 1 lại vội vàng ép các bé vào khuôn khổ mà không cho các con giai đoạn chuẩn bị. Điều này sẽ khiến các con cảm thấy ngỡ ngàng và có cảm xúc tiêu cực với việc học, cho rằng “học là không vui”.

Chưa kể, các bé còn thực sự sốc khi nhận thấy bố mẹ mình dường như đã thay đổi. Từ người bố, người mẹ luôn tươi cười, chiều chuộng con cái bỗng chốc vì áp lực con vào lớp 1 mà trở nên cáu gắt, quát tháo suốt ngày. Các bé sẽ cảm thấy vì chuyện học hành mà bố mẹ không còn yêu thương mình nữa, từ đó càng chán ghét việc học. Nhắc đến học là uể oải.

Tuy nhiên, nếu con được tiếp cận với việc học và xây dựng thói quen học hàng ngày từ 1 đến 2 năm trước khi vào lớp 1, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Việc học đã quá quen thuộc đối với bé, chỉ khác là khi vào lớp 1, bé sẽ làm quen với nhiều môn học hơn. Bố mẹ chỉ cần khéo léo áp dụng phương pháp tiếng Anh BMyC vào các môn Toán, Tiếng Việt là mọi thứ lại ổn thỏa.

2. Có sự tự giác và chủ động học tập

Khi đã có thói quen học và có kế hoạch cụ thể cho mỗi ngày thì điều tất yếu là bé sẽ có sự tự giác và chủ động học tập. Có thể bé sẽ vẫn ham chơi và mè nheo bố mẹ nhưng với kinh nghiệm đồng hành 1-2 năm, các bố mẹ sẽ không gặp nhiều khó khăn để điều hướng con quay lại với việc học và hoàn thành bài tập được giao.

Chia sẻ phụ huynh BMyC - Chị Trần Ngần
Chia sẻ phụ huynh BMyC – Chị Trần Ngần

Hơn nữa, đối với việc tiếp cận với một môn học mới, cách tốt nhất là tạo hứng thú và niềm vui cho bé kết hợp với việc duy trì học hàng ngày. Các bố mẹ BMyC đã quá quen với điều này nên thừa khả năng quan sát để biết được con thích học kiểu gì. Khi con đã thích thì tự nhiên con sẽ chủ động học mà chẳng cần bố mẹ nhắc nhở.

3. Không sợ học, thậm chí thích học

Hầu hết các bố mẹ sau khi trải qua “lò luyện” BMyC 1-2 năm đều công nhận rằng cả bố mẹ và con đều tận hưởng những giây phút được học tập và vui chơi cùng nhau. Đối với cả nhà, giờ phút đồng hành học tập không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn là khoảng thời gian quý giá để con được gần gũi với bố mẹ.

Nếu đem cách tiếp cận này áp dụng cho các môn học mới ở trường, BMyC tin rằng bố mẹ sẽ nhận thấy hiệu quả tương tự. Bố mẹ đã khéo léo biết cách gợi mở, khiến con hứng thú với kiến thức mới còn con thì vui vẻ vì bố mẹ dành nhiều thời gian trò chuyện, hướng dẫn mình. Hơn nữa, bố mẹ còn hay khen và động viên bé thì chẳng bé nào cảm thấy sợ học nữa.

4. Cực nhàn với tiếng Việt

Chia sẻ phụ huynh BMyC - Trần Thanh Huyền
Chia sẻ phụ huynh BMyC – Chị Trần Thanh Huyền

1-2 năm ở BMyC là khoảng thời gian mà các con đã được rèn luyện phonics bài bản. Khi đã nắm vững phonics, các con sẽ dễ dàng áp dụng vào việc đọc tiếng Việt. Với một số vần khó, bố mẹ chỉ cần bỏ ra vài tuần hướng dẫn là con có thể đọc sách tiếng Việt ngon lành. Tuy nhiên, mức độ trôi chảy sẽ phụ thuộc vào lượng thời gian mà bố mẹ cho con luyện tập bởi việc con biết cách đọc không đồng nghĩa với việc con có thể đọc suôn sẻ, không vấp chữ nào.

II. Những khó khăn khi bé vào lớp 1 ảnh hưởng đến tiến độ học tiếng Anh tại nhà

Trong kỳ nghỉ hè, việc học tiếng Anh tại nhà của các bé nhìn chung vẫn ổn định theo quỹ đạo. Tuy nhiên, khi bước vào lớp 1, việc học tiếng Anh của các bé tại nhà bị xáo trộn ít nhiều. Thậm chí, thời gian chơi tự do của con cũng eo hẹp hơn trước bởi một số khó khăn như sau.

1. Phải dành thời gian cho các môn học khác

Lớp 1 là giai đoạn nền tảng quan trọng với hai môn học chính là Toán và Tiếng Việt. Với các bé đã học tiếng Anh BMyC và thông thạo phonics thì việc học tiếng Việt tương đối nhàn nhã. Tuy nhiên, với môn còn lại là môn Toán thì không phải bé nào cũng nhanh nhạy.

Lần đầu tiên các con được tiếp xúc với nhiều loại khái niệm và học cách suy luận logic nên ít nhiều vẫn cảm thấy choáng ngợp. Nếu không muốn con bị tụt lại so với các bạn thì thông thường, các bố mẹ vẫn cần dành thời gian để phụ đạo thêm cho con ở nhà.

2. Có sự bỡ ngỡ về giờ giấc

Thông thường, giờ vào học của trường cấp 1 sẽ sớm hơn trường mầm non. Con phải mất một thời gian đầu để làm quen với việc dậy sớm, học cả ngày ở trường mà không phải vừa học vừa chơi như thời kỳ mầm non.

Bên cạnh đó, một số gia đình đã quen với việc cho con ăn sáng ngay tại trường với cô giáo mầm non thì lên tiểu học, việc ăn sáng của con lại là tự túc. Vì vậy mà ngay cả với các bé lúc học mầm non đã có thói quen dậy sớm để học tiếng Anh với bố mẹ cũng không có nhiều thời gian học buổi sáng như trước.

Đến buổi chiều đi học về, con có thể còn đi học thêm các môn thể thao hoặc năng khiếu hay làm bài tập về nhà nên việc học tiếng Anh sẽ có đôi chút xáo trộn. Bố mẹ và các con khó có thể đảm bảo thời lượng học như trước.

3. Phụ thuộc vào số lượng bài tập của giáo viên lớp 1

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu không giao bài tập cho học sinh lớp 1 học 2 buổi ở trường nhưng thực tế thì các con vẫn phải làm bài tập về nhà.

Số lượng bài tập ít, nhiều phụ thuộc vào từng trường học, thậm chí từng giáo viên.

Phụ huynh Tan Ho chia sẻ trong group BMyC rằng:

“Bạn nhà mình lớp 1. Bạn ấy học trên lớp cả ngày, tối về viết 4-5 trang trả bài cho cô giáo, tranh thủ đọc bài tiếng Việt theo yêu cầu là gần hết buổi tối. Tiếng Anh thì chỉ có bật loa buổi tối cho bạn ấy chìm vào giấc ngủ và buổi sáng để đánh thức bạn ấy dậy thôi.”

Bên cạnh đó, phụ huynh Trần Ngần lại có trải nghiệm ngược lại:

“Chỗ mình cô giáo chỉ giao cho viết 1 trang mà không phải ngày nào cũng viết. Thường thì cách một hôm mới có 1 bài viết vì con đã viết hết trên lớp. Môn toán con cũng làm hết trên lớp nên không mất nhiều thời gian.”

III. Những giải pháp khắc phục giúp bố mẹ và bé vượt qua thời kỳ khó khăn và sắp xếp thời gian hiệu quả

Để giúp bố mẹ cùng con khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn này, BMyC xin chia sẻ một số giải pháp như sau.

1. Dành nhiều thời gian để trò chuyện và phát hiện những khó khăn của con

Vào lớp 1, bố mẹ chắc chắn sẽ thấy con thay đổi ngay trong vài tuần đầu vì ảnh hưởng từ môi trường học và cách gia đình quan tâm. Có bé trở nên chững chạc, dạn dĩ và hào hứng với việc đi học nhưng cũng có bé lại khép kín, thu mình và luôn sợ hãi khi phải tới trường.

Vì vậy, mỗi ngày bố mẹ cần dành ít nhất 15-20 phút để trò chuyện với con về những trải nghiệm ở trường:

  • Hôm nay ở trường có gì vui không con? Kể bố mẹ nghe với
  • Hôm nay ở lớp con đã học môn gì? Con thích môn nào nhất?
  • Con thấy cơm ở trường thế nào? Con có ăn hết cơm không?
  • Con đã làm quen với những bạn nào? Con chơi với bạn vui chứ?
  • Ở trường có điều gì làm con buồn hay không thoải mái không?
  • Có bạn nào làm con đau không?
  • Nào, để bố mẹ giúp con ôn bài. Có chỗ nào chưa hiểu thì bố mẹ sẽ hỗ trợ con nhé.

Dù bỡ ngỡ và lo lắng đến mấy thì khi cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ, bé cũng sẽ yên tâm và cởi mở chia sẻ với bố mẹ hơn. Hãy kiên nhẫn với con ở giai đoạn này.

2. Lập thời gian biểu phù hợp với từng giai đoạn của con

Bố mẹ cần xác định rằng mỗi giai đoạn sẽ cần ưu tiên cho một vài vấn đề chính. Thế nên thời gian biểu cũng cần linh hoạt điều chỉnh. Tiến độ học tiếng Anh khi vào năm học chậm hơn giai đoạn hè là chuyện hết sức bình thường. Bố mẹ không cần quá lo lắng hay sốt ruột mà ép con học nhiều để đáp ứng tiến độ bố mẹ đặt ra.

Kế hoạch học tập
Kế hoạch học tập

Phụ huynh Trần Ngần cho rằng:

“Con nhà BMyC muốn đảm bảo bài trên lớp và duy trì việc tiếng Anh nhất định là phải lên kế hoạch và tranh thủ thời gian phân chia thời gian. Mình duy trì 2 buổi ngoài giờ cho các môn vận động cho 3 bạn như : nhảy, võ với mục đích luyện tập duy trì sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn lớp 1 nhà mình sẽ vẽ con vật và mindmap tối hôm trước, sáng hôm sau tranh thủ thuyết trình trước khi đi học.”

Phụ huynh Trần Thị Mỹ Huyền, người có kinh nghiệm đồng hành cùng con học tiếng Anh, tiếng Trung và bây giờ là tiếng Pháp đã chia sẻ thời gian biểu trong hè và khi vào năm học của bé Như Ý như sau:

Thời gian biểu trong hè Thời gian biểu khi vào năm học
1. Ngủ dậy, chơi piano 30 phút 1. Đánh đàn
2. Học tiếng Anh 1 tiếng (20 phút Acellus, 20 phút lồng tiếng, 20 phút đọc Razkids) 2. Đi học bán trú ở trường
3. Đọc truyện, xem Little Fox tiếng Trung 30 phút 3. Từ 4h30 đến 5h30, thứ 2,4,6 đi bơi và thứ 7, chủ nhật đi nhảy
4. Nghỉ ngơi, ăn trưa 4. Học tiếng Anh từ 6h30 đến 7h30
5. Học tiếng Pháp 50 phút (20 phút Acellus, 15 phút đọc cuốn đánh vần tiếng Pháp, 15 phút đọc Razkids tiếng Pháp) 5. Nghỉ ngơi
6. Tối đi chơi 6. Học tiếng Pháp với anh từ 8h đến 8h45
7. Đọc truyện, xem Little Fox tiếng Trung khoảng 15, 20 phút

Chị Mỹ Huyền cũng chia sẻ thêm rằng bé Như Ý không có bài tập về nhà. Các bài tập con đều làm hết tại lớp nên khi về nhà, con có nhiều thời gian cho ngoại ngữ và các môn năng khiếu.

3. Gợi ý con tranh thủ làm bài ngay tại lớp hoặc đề nghị giảm số lượng bài tập ở trường (nếu cần)

Các bài tập khi vào chương trình lớp 1 thường khá dễ với các bé đã có thói quen học tại nhà như học viên BMyC. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, bố mẹ có thể đề nghị bé tranh thủ làm bài tập ngay tại lớp trong thời gian chờ bố mẹ đến đón.

Bên cạnh đó, nếu cảm thấy số lượng bài tập quá nhiều so với khả năng của con, bố mẹ hãy mạnh dạn đề nghị với cô giáo giảm bớt số lượng bài tập mỗi ngày cho các con hoặc chia đều lượng bài tập trong tuần để tránh tình trạng: hôm thì nhàn nhã, hôm thì vật vã cả buổi.

Nếu không thể thay đổi quyết định của giáo viên về lượng bài tập của con, bố mẹ cũng có thể đề nghị cô giáo cho con làm bài tập theo sức của mình. Việc này đòi hỏi bố mẹ có góc nhìn tỉnh táo, khách quan, thái độ quyết đoán cùng với sự quan tâm sát sao về cảm nhận của con đối với việc làm bài tập.

4. Bố mẹ mạnh dạn đề nghị vợ/chồng hoặc ông bà nội ngoại hỗ trợ

Đề nghị các thành viên trong gia đình hỗ trợ là một lựa chọn không tồi. Chẳng hạn, nếu bố hoặc mẹ đi làm về muộn, hãy nhờ vợ/chồng của mình hoặc ông bà nội, ngoại của bé đón con, cho bé ăn và tắm sớm để khi đi làm về, bố mẹ có thể sẵn sàng hỗ trợ con học mà không quá gấp gáp.

Khi gặp khó khăn, việc chia sẻ và đề nghị giúp đỡ là cần thiết. Như vậy thì các thành viên trong gia đình mới thêm thấu hiểu và thông cảm cho nhau.

Giai đoạn con vào lớp 1 thật sự có nhiều vấn đề mà bố mẹ cần giúp con làm quen và thích nghi. Thậm chí, ngay cả bố mẹ cũng phải tự học cách vượt qua sự choáng ngợp ban đầu để giúp con quay về quỹ đạo học tập ổn định.

Hi vọng với những chia sẻ ở trên của BMyC, bố mẹ sẽ phần nào vững tâm hơn trong hành trình đồng hành học tập cùng con ở giai đoạn tới.

Tham gia Group Bố mẹ yêu con ngay để được tư vấn và hỗ trợ trong việc chọn lựa phương pháp học tiếng Anh online cho bé phù hợp và lộ trình để đạt được mục tiêu học tập cho con một cách hiệu quả nhất!

Tham Gia Ngay

Xem Thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688