Các bố mẹ thân mến,
Đồng hành cùng trẻ cá tính là một chủ đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Cá tính ở đây không phải là trẻ nổi loạn hay một vấn đề nào đó quá nghiêm trọng. Đôi khi đó là sự mất tập trung kéo dài, trẻ luôn thích làm theo ý trẻ hay thường xuyên bất hợp tác với bố mẹ trong quá trình học.
Chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe chia sẻ của 3 admin về chủ đề đồng hành cùng trẻ cá tính. Hi vọng rằng những chia sẻ này từ BMyC sẽ là nguồn động viên và khích lệ to lớn cũng như giúp bố mẹ đồng hành học tiếng Anh với con hiệu quả hơn.
Nội dung chính
1. Admin Như Quỳnh – Đồng hành cùng con là quá trình làm gương
Admin Như Quỳnh là cựu học viên của khóa Native Talk đến từ Tuyên Quang. Chị có một bé gái xinh xắn với đôi mắt to tròn dễ thương. Con tên là Đỗ Minh Ngọc (tên ở nhà là Mắm), sinh năm 2015 và con là một em bé rất hoạt ngôn.
Đặc điểm nổi bật của con là khả năng tập trung không cao và không hề “dễ dụ”. Vì vậy, thật khó để chinh phục được con nếu như mẹ không biết cách đồng hành.
BMyC tin rằng cách đồng hành của admin Như Quỳnh sẽ khiến chúng ta học hỏi được rất nhiều điều và câu chuyện của chị sẽ mở ra cho bố mẹ một góc nhìn mới về việc đồng hành cùng con.
BMyC: Xin chào chị Quỳnh. Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình học tập của chị cùng với bé Mắm không? Mối lương duyên nào đã cho chị gắn kết với BMyC?
Chị Như Quỳnh: Xin chào BMyC. Về cơ duyên biết đến BMyC thì mình xin quay ngược thời gian về năm 2017. Lúc ấy, mình là một người rất quan tâm đến giáo dục sớm. Nhưng mình thực sự rất mông lung, không biết con đường cần đi sẽ như thế nào. Làm sao để mình hỗ trợ và đồng hành với con? Và khi ấy, mình vô tình biết đến livestream của anh Huy.
Mình đã dành 1 năm nghiên cứu tất cả các video của anh Huy cũng như chia sẻ của các bố mẹ thành công lúc bấy giờ. Mình “cày” hết mọi chia sẻ, từ trong group đến trang cá nhân của các mẹ để tìm hiểu về phương pháp.
Đến khi đã đọc và nghiên cứu kỹ lý thuyết, mình bước vào học tập cùng con với một tâm thế rất tự tin. Nhưng dù đã thuộc lòng lý thuyết, mẹ con mình vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong 5-6 tháng đầu. Từ lý thuyết đến thực hành đúng là một khoảng cách rất xa.
Bạn Ngọc nhà mình thích học qua hình ảnh và vận động hơn là ngồi một chỗ. Trong khi đó, ngày xưa, mình cứ nghĩ học là phải ngồi vào bàn ngay ngắn, tư thế ngồi phải chuẩn. Chính suy nghĩ này đã tạo ra rào cản và làm khổ mình mấy tháng trời. Đó cũng là lý do vì sao con mình hầu như không thích học. Nhắc đến học là khóc lóc, lẩn trốn.
Thêm nữa là mình bị áp lực khi nhìn vào thành công của các bố mẹ khác trong group. Lúc gặp những khó khăn như vậy thì mình đã tìm đến admin, hỏi admin mọi lúc có thể. Sáng trưa chiều tối, rảnh công việc lúc nào là mình hỏi lúc đó, hỏi liên tục từ vấn đề này sang vấn đề khác.
BMyC: Vậy ngoài việc chia sẻ với admin, chị đã có chiêu thức gì để biến cô bé ưa hoạt động, kém tập trung trong học tập này trở thành một cô bé yêu thích học tập và có thể diễn đạt mọi thứ bằng tiếng Anh như hiện tại?
Chị Như Quỳnh: Như mình chia sẻ ở trên, khi học theo cảm xúc của con thì sẽ nảy sinh vấn đề thiếu thời gian học. Vì vậy, bí kíp của mình là chia nhỏ thời gian học cho con. Bạn Mắm nhà mình thường học vào buổi sáng và chiều, thêm một chút vào buổi tối.
Bố mẹ nào dành thời gian 1-2 tiếng buổi tối để học cùng con thì thường sẽ khá đuối. Con đuối, con không muốn học sẽ làm cho cảm xúc của mẹ không tốt. Vì vậy nên khi bắt đầu, mình chỉ cho con học 5-10 phút với toàn nội dung con thích. Khi con đã quen dần, mình mới tăng thời gian lên 15-20 phút rồi 30 phút/lần học. Đầu tiên phải làm cho con thích giờ học với mẹ. Khi con đã thích thì sau này, mẹ muốn cho con học gì cũng đều được.
Với mẹ nào đang đồng hành với con 6-7 tuổi trở lên, các mẹ nên lập ra kế hoạch học tập: sáng học nội dung gì, chiều học nội dung gì. Chẳng hạn như sáng đọc 3 truyện Razkids, chiều 1 Cup Lingo. Tối dành ra 5 phút đánh dấu tick vào những phần đã làm.
Trước đây, mình từng loay hoay lập kế hoạch rồi đến khi kế hoạch đổ bể thì lại nản, thấy cái gì thì học cái đó. Thật ra nguyên nhân của việc bể kế hoạch là do mình bị tham, lập ra quá nhiều mục tiêu. Thế nên khi lập kế hoạch, bố mẹ cần phải xem lại xem nó có phù hợp với thời gian của bản thân hay không. Nếu không phù hợp thì mình bỏ bớt, học ít cũng được. Thà học ít còn hơn không học. Để có thời gian thuận lợi học cùng con, mẹ cũng phải sắp xếp thời gian biểu của mẹ cho phù hợp.
Hiện tại thì điều khiến mình tự hào nhất là con đã có khả năng tự học. Mình có thể dần dần rút ra và chỉ thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, giao nhiệm vụ cho con để con tự làm. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, nhất là với bé mầm non, các bố mẹ sẽ chưa thể làm được điều này mà phải lăn xả vào để học và chơi cùng con.
BMyC: Cám ơn những chia sẻ rất tuyệt vời của chị Như Quỳnh. Trong quá trình nghe bạn Quỳnh chia sẻ thì mình nhớ bạn đã nói bạn cũng từng là học viên của Native Talk. Vậy động lực nào khiến bạn tham gia khóa học này và theo bạn, bố mẹ có nên học tiếng Anh cùng với con không?
Chị Như Quỳnh: Chắc chắn là nên rồi. Theo mình, nếu có thể học được thêm kỹ năng gì thì cũng nên học, không chỉ riêng tiếng Anh.
Sau khi đăng ký gói cơ bản cho con thì admin mới tung ra gói Học lại từ đầu. Tính ra thì mình đã học trước bạn nhà mình. Mình cũng học ít một chứ không đặt mục tiêu sau 1,2 năm nói được tiếng Anh. Đến khi con học sang Speed 2 thì mình thấy quyết định học tiếng Anh của bản thân hoàn toàn đúng đắn. Bởi khi sang Speed 2, việc tạo môi trường nói tiếng Anh cho con sẽ khó hơn. Bố mẹ nào ở Hà Nội thì cuối tuần thường dẫn con ra bờ hồ để giao tiếp với người nước ngoài. Nhưng vào năm 2018-2019, con mình ở Tuyên Quang nên rất khó tìm bạn giao tiếp. Thế nên, khi có thể nói tiếng Anh ở mức cơ bản để giao tiếp với con, mình thấy rất tuyệt vời. Thậm chí, đôi lúc con còn nói những từ mà mình không biết và mình đã học thêm từ con. Mình nghĩ chỉ cần bố mẹ nắm được khoảng 100 câu giao tiếp cơ bản là có thể thoải mái tương tác với con.
Một lý do nữa mà mình nghĩ bố mẹ nên học tiếng Anh là để làm gương cho con. Có lần, mình quay video cho con và con nói: “Các bạn có biết vì sao mình chăm học không? Đó là bởi mẹ mình chăm học đấy. Mẹ mình chăm học nên mình chăm học theo”.
Đồng hành cùng con không phải là thúc giục con, quát nạt con, dọa dẫm con mà chính là quá trình làm gương. Con sẽ thấy mẹ, một người hơn 30 tuổi vẫn đang học thì con sẽ học tập theo. Các bố mẹ nên học tiếng Anh cùng với con, có thể học theo lộ trình của người lớn, có thể học theo con, miễn là học mỗi ngày.
2. Admin Thanh Hải – Đồng hành cùng con, mẹ cần thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm
Admin Thanh Hải là người mẹ đã đồng hành với 2 bé Bùi Nguyễn Hà Lê, sinh năm 2012 và bé Bùi Nguyễn Hà An, sinh năm 2018 đến bây giờ là 5 năm. Điểm qua một vài thành tích mà bé Hà Lê, năm nay học lớp 5 đã đạt được:
-Năm 2021 -2022, con đạt giải nhất Trạng Nguyên tiếng Anh cấp trường và giành được học bổng do Trung tâm Anh ngữ Amas tổ chức cho khối tiểu học.
-Con đạt giải nhì MD tiếng Anh học đường.
-Năm 2022, con đạt giải nhì tiếng Anh hội thi khơi nguồn tri thức cấp trường.
BMyC: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, khoảng thời gian không quá ngắn nhưng cũng chưa phải là dài, chị có thể chia sẻ với các bố mẹ về hành trình đồng hành cùng con tự học tại nhà của chị được không? Trong quá trình đó chị gặp những khó khăn nào và chị đã vượt qua chúng ra sao?
Chị Thanh Hải: Cảm ơn câu hỏi của BMyC. Mình là Hải đến từ Đà Nẵng. Nhà mình bắt đầu hành trình chinh phục ngôn ngữ theo phương pháp của BMyC vào thời điểm mà Hà Lê bước vào lớp 1. Hầu hết giai đoạn này nhiều bố mẹ bối rối vì không biết sắp xếp kế hoạch học tập như thế nào để giúp con tự học tiếng Anh mà vẫn đảm bảo được thời gian học ở trường.
Ở tuổi này con thích khẳng định cá tính và muốn thể hiện chính kiến của bản thân. Hà Lê có thiên hướng thích lãnh đạo người khác. Trong quá trình học cùng mẹ, con cũng có những biểu hiện đó. Tức là con chỉ thích học những nội dung mà con muốn. Những nội dung mẹ yêu cầu con đều từ chối hoặc nếu đồng ý thì cũng học rất qua loa. Nhiều lúc con không muốn học, hay cãi mẹ và hay trốn tránh việc học. Ví dụ như khi mình mở loa cho con nghe thì con tắt, khi mình lấy Ipad để cùng chơi với con thì con lên giường đắp chăn đi ngủ.
Giai đoạn đầu là khoảng thời gian vật lộn của hai mẹ con. Đến giờ học lúc nào cũng căng thẳng. Con khóc còn mẹ lại giận và cáu với con. Tình cảm gia đình đi xuống bắt đầu từ những va chạm đó. Bản thân mình lúc đó cũng chăm con nhỏ, nhiều áp lực đổ dồn như đưa đón Hà Lê đi học, chương trình lớp 1 của con cũng chưa kịp bắt nhịp rồi chăm sóc Hà An đang còn bé…chưa kể tới việc thấy các bạn nhỏ trong Group nói tiếng Anh giỏi mà nhà mình cứ vướng mãi. Chính điều đó khiến mình luôn mệt mỏi và muốn bỏ cuộc.
Mình đã hỏi các admin thì nhận được giải pháp; muốn con thay đổi, mẹ phải là người thay đổi trước. Nghe tới đó thôi mình đã bừng tỉnh và quyết tâm làm lại từ đầu.
BMyC: Đồng hành với cô bé cá tính như vậy, BMyC được biết bạn đã ghi lại cảm xúc của mình trong một cuốn nhật ký và nó đi theo hành trình của ba mẹ con bạn. Ngay lúc này có thể chia sẻ về cuốn nhật ký này được không?
Chị Thanh Hải: Câu hỏi này gợi lại cho mình rất nhiều kỷ niệm về cuốn nhật ký. Nó giống như một thước quay phim chậm, giúp mình quay ngược trở lại thời gian và nhìn lại những khó khan gian nan. Với nhiều cảm xúc lẫn lộn trong cuốn nhật ký, mình nhìn thấy được những hạn chế của bản thân và từng bước hoàn thiện.
Mình nhận ra không nên kỳ vọng nhiều vào các con vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Nhìn các bé khác để làm động lực chứ không phải để so sánh với con của mình. Chúng ta hãy rộng lượng chấp nhận cá tính của con, chấp nhận những cái sai cái chưa tốt của con để dung hòa với cảm xúc của bản thân mình.
Ngoài sự tự giác học tập thì quá trình mẹ dám thay đổi từ suy nghĩ đến cách làm sẽ giúp hành trình tự học tại nhà trở nên dễ dàng hơn trước nhiều.
BMyC: Con có một đội nhóm để rèn luyện sự tự tin và nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho con và các bạn. Đó là chương trình gì vậy ạ?
Chị Thanh Hải: Đó chính là chương trình English Speaking. Trong chương trình này, có nhiều bé sẽ là host dẫn dắt chương trình, các bé khác tham gia với tư cách là người chơi. Hiện nay Hà Lê làm host, giao lưu cùng các bạn từ các chủ đề từ đơn giản đến nâng cao. Chương trình này đã giúp con trưởng thành, tự tin lên rất nhiều.
Nhờ zoom cùng các bạn mà con cũng giảm bớt được cá tính của bản thân để hòa đồng với các bạn hơn. Theo đó, kỹ năng dẫn dắt đội nhóm của con cũng chuyên nghiệp hơn. Đây là một sân chơi vô cùng bổ ích.
BMyC: Cảm ơn những chia sẻ rất chân thành của admin Thanh Hải. Cảm ơn bạn đã mang đến khoảng thời gian rất tuyệt vời cho buổi giao lưu ngày hôm nay.
3. Admin Giang Thanh – Bố mẹ phải lường trước những khó khăn
Đồng hành học tiếng Anh cùng một con đã khó, đồng hành cùng lúc với hai con ở hai độ tuổi, tính cách khác nhau lại càng khó nhưng chị Giang Thanh đã làm được. Hiện tại chị đã giúp hai con chinh phục được tiếng Anh thành công. Hai bạn nhỏ có thể học cùng nhau trong một chương trình Acellus dù cách nhau 3 tuổi.
BMyC: Chào bạn Giang Thanh! Đồng hành với hai bạn nhỏ ở hai độ tuổi khác nhau và tính cách khác nhau như vậy bạn có gặp nhiều khó khăn không? Bạn có những lời khuyên nào cho các bố mẹ giúp họ dễ dàng đồng hành cùng con trong trường hợp tương tự không ạ?
Chị Giang Thanh: Chào các bạn, mình là Thanh đến từ Hà Tĩnh. Nhà mình hơi ngược với các gia đình khác một chút, đấy là mình đồng hành với bạn Minh Trí (2016) trước, và học cùng với Minh Quân (2013) sau. Không chỉ tính cách khác nhau mà thời điểm giúp các con cũng khác nhau. Mình đồng hành với Minh Trí lúc con 2 tuổi và Minh Quân khi còn gần 7 tuổi, sắp kết thúc lớp 1.
Thời điểm mình học với các con, Group chưa có lộ trình bài bản như bây giờ, các admin cũng không nhiều như hiện nay và cộng đồng tự học cũng chưa lớn mạnh.
Khi đã quyết định học cùng con thì gặp các vấn đề trở ngại như bạn bé thì quá nhỏ tuổi, sợ hại mắt, bạn lớn thì bài vở nhiều.. rất nhiều nỗi lo nhưng mình đã cố gắng tìm cách khắc phục dần. Mình hỏi rất nhiều admin, xin zoom với các con của admin mỗi tối và dần kết nối các bố mẹ khác ở Hà Tĩnh lại với nhau thành một cộng đồng nhỏ. Group BMyC ở Hà Tĩnh chưa đông thành viên nhưng rất “máu lửa”.
Minh Trí rất thích học nhưng Minh Quân thường hay mất tập trung. Mới học được chút thôi con đã nhìn lên bóng đèn ở trần nhà, hay chú ý đến con gà con chó ở ngoài sân. Cách mình giúp con tập trung hơn là chia nhỏ khoảng thời gian học. Mỗi một lần chỉ từ 10 đến 15 phút.
Mình hiểu Minh Quân lớn hơn nên vốn từ cần tăng tốc nhiều hơn so với Minh Trí vì mức độ giao tiếp khác hơn, do đó mình tìm mọi cách để giúp con như: đọc sách qua app, qua sách giấy và xem các video mà con thích. Khoảng sau hơn 1 năm thì con đã bắt đầu thuyết trình được hoàn toàn cùng với em trai.
Hiện tại là khả năng nói tiếng Anh của hai con đã trình độ tương đương dù Minh Quân xuất phát sau em 2 năm. Với mình đó là một thành công ngoài mong đợi của bản thân.
BMyC: Ngoài tăng tốc vốn từ cho các con, bạn có bí quyết nào khác nữa giúp con có được thành công như ngày hôm nay?
Chị Giang Thanh: Mình thấy điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần chú ý, đó là ngoài lộ trình của Group thì bạn phải chủ động linh hoạt để phù hợp với các con nhà mình. Dù phương pháp hay, admin tận tâm đến ấy nhưng không thể hỗ trợ hoàn toàn được.
Bạn là người bên cạnh các con, thấu hiểu tính cách các con thì sắp xếp được kế hoạch và thời gian biểu phù hợp với tính cách và sở thích của con. Bố mẹ phải là người lường trước các khó khăn để tìm cách vượt qua.
BMyC: Bố mẹ đúng là những người thầy đầu tiên của con và cũng chính bố mẹ là người hiểu con nhất. Thực sự việc đồng hành cùng các bạn nhỏ dù cá tính đến đâu, bố mẹ vất vả như thế nào nhưng nếu chúng ta bám sát, áp dụng linh hoạt những phương pháp đồng hành theo từng thời điểm sẽ mang lại kết quả thật ngọt ngào.
Một lần nữa BMyC muốn nhắn nhủ với các quý phụ huynh rằng, những đứa trẻ mà bạn nghĩ là con có cá tính đặc biệt, thật ra con chỉ đang muốn “báo hiệu” cho bạn hiểu cách bạn đồng hành với con chưa phù hợp tại thời điểm đó mà thôi.
Mỗi đứa trẻ là một bản thế khác nhau, không có đứa trẻ khó, không có đứa trẻ trẻ nào dễ hoàn toàn, chỉ là với mỗi cá tính của con, các gia đình chúng ta chọn cách hành xử như thế nào để giúp con vượt qua.
Muốn “chinh phục” con thành công, bạn cần quan sát tính cách và mong muốn của con mỗi ngày để tìm ra cách đồng hành hay và hiệu quả nhất.
Nếu bố mẹ còn bất cứ thắc mắc nào về việc đồng hành cùng trẻ cá tính, hãy để lại câu hỏi dưới đây để được BMyC giải đáp nhé.
BMYC PRO – KHÓA HỌC NÂNG CAO PHẢN XẠ GIAO TIẾP & SỬ DỤNG TIẾNG ANH CHO BÉ
- Đối tượng học viên: các bé 5-9 tuổi chưa học tiếng Anh hoặc chưa nghe nói, đọc hiểu được tiếng Anh.
- Cách học: Bố mẹ đồng hành cùng con và 2-3 buổi 60 phút/tuần con học với giáo viên theo hình thức 1 kèm 3, kiểm tra cuối kỳ và họp phụ huynh 3 lần.
Đọc thêm:
Chương trình: ĐỐI THOẠI CÙNG ADMIN BMYC
Tổng hợp những kinh nghiệm quý giá giúp bố mẹ “gà” tiếng Anh tương tác cùng con