Bạn bất lực vì con không thèm để ý đến lời mình nói? Áp dụng ngay 7 cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời ở đây nhé.
Bạn đã yêu cầu con bạn làm một việc gì đó với thái độ rất bình tĩnh, lý trí và có chủ ý. Tuy nhiên, thay vì phản hồi, con đáp lại bạn bằng sự im lặng.
Bạn có thể nghĩ rằng: “Có lẽ con không nghe thấy mình nói gì chăng?”. Vì vậy, bạn yêu cầu một lần nữa nhưng kết quả vẫn không có gì thay đổi.
Quá trình này xảy ra thêm một vài lần cho đến khi bạn thật sự “nổ tung”. Bạn cảm thấy thất bại hoàn toàn vì không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Bạn cũng không biết làm thế nào để dạy trẻ kỹ năng lắng nghe người khác.
BMyC hiểu cảm giác của bạn bởi trong quá trình đồng hành cùng con tự học tiếng Anh tại nhà, rất nhiều bố mẹ cũng từng chia sẻ về “nỗi bất lực vì con không nghe lời” này. Tình trạng này không chỉ xuất hiện riêng trong việc học tiếng Anh mà còn rất nhiều vấn đề hàng ngày của trẻ.
Tuy nhiên, nếu muốn xử lý tình trạng không phản hồi của con, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm ra lý do vì sao con không lắng nghe.
Nếu bạn không giải quyết vấn đề này từ gốc rễ, nó sẽ “leo thang” thành các hành vi phức tạp hơn như giận dữ, thách thức và cãi lại.
Nội dung chính
- I. Muốn biết cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời, hãy tìm hiểu nguyên nhân trẻ không lắng nghe lời bạn nói
- II. 7 cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời
- 1. Cho con cảm giác được tôn trọng và được chú ý
- 2. Sử dụng câu khẳng định thay vì phủ định
- 3. Hãy đồng ý với các đề nghị của con (nếu chúng an toàn)
- 4. Rút ngắn lời nói của bạn
- 5. Nói lời cảm ơn để khuyến khích hành vi tích cực của con
- 6. Đảm bảo rằng con hiểu những gì bạn vừa nói
- 7. Quan sát
- III. Kinh nghiệm để con vui vẻ nghe lời vô điều kiện khi cùng mẹ học tiếng Anh
I. Muốn biết cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời, hãy tìm hiểu nguyên nhân trẻ không lắng nghe lời bạn nói
Trẻ em ở mọi lứa tuổi – từ trẻ mới biết đi đến tuổi thiếu niên – đều có nhu cầu thể hiện quyền lực . Khi trẻ không có cơ hội để phát huy sức mạnh của mình theo những cách tích cực như: tự chọn quần áo để mặc, lên thực đơn cho bữa tối, chọn trò chơi để chơi,… thì chúng sẽ phát huy sức mạnh của mình theo những cách tiêu cực.
Lựa chọn KHÔNG lắng nghe cũng là một trong số những cách để trẻ có thể khẳng định quyền lực của mình. Khi trẻ chọn im lặng, đôi khi điều trẻ muốn thể hiện chỉ là nhu cầu được kiểm soát và ra quyết định nhiều hơn trong cuộc sống của chúng.
Cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ đã cho bạn biết rằng trẻ bắt đầu có dấu hiệu của sự tự lập bằng cách muốn làm mọi việc theo ý thích. Thế nên, sự im lặng và “không nghe lời” này cũng có ý nghĩa tương tự.
Tuy nhiên, đằng sau việc con không lắng nghe có thể còn nhiều vấn đề hơn nhu cầu thể hiện “tiếng nói riêng”.
Có thể con đang mệt, đang đói hoặc cảm thấy không khỏe? Cũng có thể con bạn đang lo lắng về bài tập về nhà hoặc buồn bã vì mâu thuẫn với bạn bè, anh chị em?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không lắng nghe, không phản hồi của con. Vì vậy, bạn đừng gom chúng vào làm một và giải quyết tất cả các nguyên nhân với cùng một cách thức.
II. 7 cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời
Để phá bỏ tình trạng yên lặng này và tìm ra nguyên nhân để giải quyết vấn đề, BMyC khuyên bạn nên thực hiện theo 7 cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời dưới đây.
1. Cho con cảm giác được tôn trọng và được chú ý
Khi bạn cần con mình chú ý thì hãy chắc chắn rằng mình đã thu hút được sự chú ý của con.
Đừng đứng ở phía trên và ra lệnh cho con. Thay vào đó, hãy hạ mình ngồi xuống để đầu bạn ngang hàng với con, nhìn vào mắt con và nói chuyện.
Nếu bạn đang ở trong bếp hay ở sân thượng, hãy tạm thời gác việc lại, ra nói chuyện và nhớ giao tiếp bằng ánh mắt với con.
Sự gần gũi và tôn trọng là chìa khóa đầu tiên để con chú ý tới lời nói của bạn.
2. Sử dụng câu khẳng định thay vì phủ định
Thông thường, khi thấy con đang có những hành vi không được phép hoặc gây nguy hiểm, nhiều bố mẹ thường có phản xạ nói:
- Không được chạy trong hội trường;
- Đừng bốc đồ ăn.
Tuy nhiên, đối với trẻ, những câu phủ định này sẽ gây ra tình trạng khó hiểu và bối rối bởi trẻ sẽ không biết phải làm gì tiếp theo.
- Hội trường này rất vui, rất rộng. Con đang tò mò và rất muốn tìm vài chỗ để chơi. Nếu không được chạy thì làm gì bây giờ?
- Món ăn này trông rất giống mấy món đồ chơi. Con rất muốn chạm vào xem sao.
Thay vì đề nghị con “đừng làm gì”, hãy nói cho con biết “con nên làm gì”.
Thay vì nói “Đừng chạy trong hội trường”, hãy nói “Hãy đi bộ trong hội trường”.
Thay vì nói “Đừng bốc đồ ăn”, hãy nói “Hãy dùng thìa xúc đồ ăn” hoặc “Hãy rửa tay trước khi chạm vào đồ ăn”.
3. Hãy đồng ý với các đề nghị của con (nếu chúng an toàn)
Con bạn có thể đưa ra hàng trăm yêu cầu hoặc đề nghị mỗi ngày nhưng nếu bạn liên tục từ chối con, kiểu như: “Không, mẹ không có thời gian để đọc truyện với con.” “Không, tối nay mình phải học tiếng Anh nên không công viên, siêu thị gì hết” thì chẳng có gì ngạc nhiên khi đến một ngày, con ngừng lắng nghe yêu cầu của bạn.
Vì vậy, đảo ngược lại, hãy thay câu trả lời “không” bằng “có”, bạn sẽ thành công thu hút sự chú ý của con. Tất nhiên, bạn có thể vẫn nói “có” và chuyển hướng đề nghị này đến một thời điểm khác mà không phải hiện tại.
Thay vì “Không, chúng ta không thể đến công viên,” hãy thử “Công viên nghe hay đấy! Chúng ta nên đi vào thứ Sáu sau giờ học hay sáng thứ Bảy?”
Thay vì “Không, con không được ăn kem” hãy thử “Kem rất ngon! Con có muốn ăn kem vào tối thứ bảy hoặc chủ nhật không?”
Mặc dù vẫn sẽ có những tình huống đòi hỏi phải nói “không” nhưng bằng cách nói “có” nhiều hơn với đề nghị của con, tình trạng “không lắng nghe” của con có thể dần được cải thiện.
4. Rút ngắn lời nói của bạn
Các bố mẹ, đặc biệt là các mẹ thường có xu hướng nói dài và nói dai. Lời nói càng dài thì con càng khó nắm bắt điểm mấu chốt.
Vì vậy, hãy rút gọn nhất có thể để con chú ý và hiểu lời nói của bạn.
5. Nói lời cảm ơn để khuyến khích hành vi tích cực của con
Thay vì nói “Đừng để mẹ thấy con không dọn dẹp đồ chơi thêm lần nữa”, hãy nói “Lát chơi xong, con nhớ dọn đồ chơi vào nhé, mẹ cám ơn”.
Cách làm này không chỉ hiệu quả với trẻ em mà còn có tác dụng với cả những người lớn. Hầu hết mọi người đều đáp ứng kỳ vọng của bạn nếu chúng được đưa ra một cách tích cực. Nếu bạn cho con biết trước rằng bạn tin tưởng con sẽ làm điều đúng đắn, con sẽ cởi mở và có khả năng cao hoàn thành nhiệm vụ.
6. Đảm bảo rằng con hiểu những gì bạn vừa nói
Trong lĩnh vực y tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 40-80% thông tin mà bác sĩ chuyển cho bệnh nhân bị lãng quên hoàn toàn hoặc bị hiểu sai
Người lớn còn hay quên và hiểu sai thông tin thì điều này cũng dễ hiểu nếu xảy ra với trẻ em.
Để tránh trường hợp con bị quên hoặc hiểu sai những gì bạn nói, ngoài việc rút ngắn lời nói và giải thích dễ hiểu cho con, hãy yêu cầu con lặp lại những gì chúng vừa nghe.
Khi đảm bảo hai bên đều thấu hiểu và đồng thuận thì việc giao tiếp của bạn và con chắc chắn sẽ được cải thiện.
7. Quan sát
Nếu bạn thấy con chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, đừng vội quát mắng hay khiển trách nặng nề.
Hãy quan sát và nói về thực tế mà bạn đang thấy: “Mẹ thấy con chưa hoàn thành phần lồng tiếng mà mẹ giao hôm qua”.
Sau đó, hãy hỏi con: “Con có kế hoạch gì để hoàn thành phần lồng tiếng còn thiếu ngày hôm qua và quay video tương tác vào hôm nay?”
Bằng cách hỏi “Kế hoạch của con là gì?”, bạn đang khiến con cảm thấy mình giành được quyền chủ động trong kế hoạch cá nhân và con sẽ nhanh chóng đưa ra câu trả lời của mình để thể hiện sự chủ động này.
“Vâng! Sau khi học ở trường về, con sẽ ngồi lồng tiếng và quay video tương tác với mẹ luôn ạ. ”
Cách làm này sẽ khiến bạn tiết kiệm công sức, con vẫn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà không khí của cuộc trò chuyện lại không hề căng thẳng.
III. Kinh nghiệm để con vui vẻ nghe lời vô điều kiện khi cùng mẹ học tiếng Anh
“Chỉ khi thấu hiểu con, biết con cần gì và muốn gì, sau đó khéo léo dẫn dắt thì mọi yêu cầu của mẹ, con sẽ nghe lời vô điều kiện”.
Nhận định này của chị Nguyễn Thị Minh Huệ, một phụ huynh của cộng đồng BMyC không chỉ ứng dụng được trong cuộc sống nói chung mà còn hiệu quả trong việc đồng hành học tiếng Anh cùng con nói riêng.
Vốn là mẹ của một em bé hiếu động và hơi khó bảo nên chị Huệ cũng nhiều lần khá nản lòng khi giúp con tự học tiếng Anh tại nhà.
Nhưng sau này, chị dần học được cách thay đổi bản thân. Chị bắt đầu giảm bớt công việc, dành nhiều thời gian hơn cho con và cũng giảm bớt kỳ vọng vào con.
- Không cần quan tâm hôm nay con nhớ được gì vì đồng hành cùng con là một quá trình dài.
- Không tự gây áp lực cho mình và con.
- Không từ chối yêu cầu nào của con không phải là mặc kệ con với thứ con thích mà là cho con thực hiện 50% theo ý con và lồng ghép 50% theo ý mẹ.
Nhờ vậy mà chị nhận ra con nghịch, con ham chơi lại là một lợi thế to lớn khi chơi game ngôn ngữ. Sau 1 tháng duy trì, con đã có thể ngồi vào bàn học được 1 tiếng chứ không phải chỉ 1 phút.
>> Tìm hiểu thêm các trò chơi sáng tạo giúp con hào hứng học tập của mẹ Nguyễn Thị Minh Huệ: tại đây>>
Ngày xưa, con không thích các app ngôn ngữ bao nhiêu thì bây giờ hào hứng bấy nhiêu.
Mẹ bày ra một nghìn trò thì con hợp tác chơi đủ cả mà không ngờ trong một nghìn trò đó toàn là chữ, số đếm và câu chuyện mà mẹ “cài cắm”.
Bây giờ cứ sang task học mới là con và mẹ cứ chạy bon bon, không còn bị nhắc nhở như trước đây.
Mặc dù việc con “không lắng nghe” khiến các bố mẹ cảm thấy bị thách thức hoặc thờ ơ nhưng nhiều khả năng, đó cũng là một cách để trẻ thể hiện quyền lực hoặc thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Hãy thử thực hiện 7 cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời ở trên, tham khảo kinh nghiệm của mẹ Minh Huệ và quan sát sự biến chuyển trong suy nghĩ, cảm xúc, hành động của cả bạn và con. BMyC tin rằng bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều bất ngờ.
Bên cạnh đó, nếu có bất cứ vấn đề gì khó khăn trong việc đồng hành cùng con, bạn có thể thoải mái than thở trên group BMyC để nhận được lời khuyên và sự hỗ trợ của tập thể các bố mẹ cùng chí hướng nhé.
Xem Thêm:
- Bí kíp luyện nghe tiếng Anh cho trẻ chuẩn như người bản ngữ
- Ngôn ngữ Anh: 4 yếu tố thành công bố mẹ chinh phục cho con