9 nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị chậm nói và cách khắc phục

“Mẹ ơi, con nóng”, “Con muốn kẹo dâu”, “Kẹo dâu rất ngon”. Nhìn các bé 3 tuổi xung quanh nói năng nhanh nhảu, không ít bố mẹ chạnh lòng lo lắng khi nghĩ đến đứa con 3 tuổi của mình.

Nguyên nhân trẻ chậm nói và cách khắc phục
Nguyên nhân trẻ chậm nói và cách khắc phục.

Ít nói như vậy, có khi nào con bị chậm nói hay bị tự kỷ hoặc vấn đề gì tương tự không?

Hãy tham khảo những thông tin dưới đây về vấn đề trẻ 3 tuổi chậm nói để có hướng khắc phục sáng suốt, bố mẹ nhé.

1. Các mốc thời gian thể hiện tiến trình tập nói của trẻ 

Điều quan trọng mà mọi bố mẹ cần phải ghi nhớ là tốc độ phát triển của mỗi đứa trẻ sẽ có sự khác biệt. Vì vậy, bố mẹ có thể tham khảo khả năng nói của trẻ theo các mốc thời gian dưới đây nhưng đừng áp đặt con phải có mọi dấu hiệu.

Sơ sinh đến 5 tháng
  • Thủ thỉ.
  • Phát ra âm thanh thể hiện sự hài lòng hoặc không hài lòng (cười, khúc khích, khóc…).
6-11 tháng
  • Hiểu ý nghĩa của từ “không”.
  • Bập bẹ nói “ba-ba-ba”.
  • Nói “ba-ba” hoặc “ma-ma”.
  • Cố gắng giao tiếp bằng hành động hoặc cử chỉ.
  • Cố gắng nhại lại âm thanh từ bố mẹ.
  • Nói từ đầu tiên.
12-17 tháng
  • Trả lời các câu hỏi đơn giản.
  • Nói 2-3 từ để gọi tên người, đồ vật (có thể phát âm chưa rõ ràng).
  • Cố gắng bắt chước những từ đơn giản.
  • Lượng từ vựng khoảng 4-6 từ.
18-23 tháng
  • Biết khoảng 50 từ nhưng phát âm thường không rõ.
  • Gọi tên đồ ăn để yêu cầu.
  • Bắt chước âm thanh của động vật như “gâu gâu”, “ò ó o”.
  • Bắt đầu kết hợp thêm các từ như “thêm sữa”.
  • Bắt đầu sử dụng đại từ như “của tôi”.
  • Sử dụng cụm 2 từ đơn.
2-3 tuổi
  • Biết một số khái niệm không gian, chẳng hạn như “trong” hoặc “trên”.
  • Biết các đại từ, chẳng hạn như “bố”, “mẹ”, “ông”, bà”, “con”, “cháu”.
  • Biết các từ mô tả, chẳng hạn như “to”, “nhỏ” hoặc “vui vẻ”.
  • Sử dụng câu 3 từ như “táo màu đỏ”, “con gà gáy”.
  • Phát âm dần chính xác hơn nhưng người lạ, ít tiếp xúc với trẻ vẫn có thể không hiểu. 
  • Trả lời câu hỏi đơn giản.
3-4 tuổi
  • Hiểu về nhóm các đối tượng, chẳng hạn như thực phẩm hoặc quần áo.
  • Xác định được màu sắc.
  • Sử dụng hầu hết các âm lời nói, nhưng có thể bóp méo một số âm khó hơn. Trẻ có thể không làm chủ những âm thanh này hoàn toàn cho đến khi 7 hoặc 8 tuổi.
  • Sử dụng phụ âm ở đầu, giữa và cuối từ. Một số phụ âm khó hơn có thể bị bóp méo.
  • Người lạ có thể hiểu phần lớn những gì trẻ nói.
  • Có thể mô tả việc sử dụng các đồ vật, chẳng hạn như “ngã ba” hoặc “xe hơi”.
  • Vui vẻ với ngôn ngữ; thích những bài thơ và nhận ra những điều phi lý trong ngôn ngữ, chẳng hạn như “Đó có phải là một con voi trên đầu bạn không?”
  • Thể hiện ý tưởng và cảm xúc thay vì chỉ nói về thế giới xung quanh.
  • Trả lời những câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như “Con làm gì khi đói?”
  • Lặp lại câu.

2. Những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị chậm nói

Một em bé trông khá trầm lặng và không có phản ứng với bất cứ âm thanh nào nên được bác sĩ kiểm tra ngay lập tức, nhất là khi bé đang có một số dấu hiệu cụ thể sau đây: 

(Các dấu hiệu được tổng hợp từ trang kidshealth.org – một trang thông tin đáng tin cậy về sức khỏe, hành vi và sự phát triển của trẻ em từ trước khi ra đời đến những năm thiếu niên).

  • Đến mốc 12 tháng: bé không biết sử dụng hoặc bắt chước theo các cử chỉ như vẫy tay, trỏ ngón tay vào đồ vật.
  • Đến mốc 18 tháng: bé thích dùng cử chỉ hơn giọng nói để giao tiếp, bé gặp khó khăn khi bắt chước các âm thanh và hiểu những yêu cầu đơn giản.
  • Đến mốc 2 tuổi: bé chỉ có thể bắt chước lời nói, hành động mà không tạo ra từ hay cụm từ một cách tự nhiên, bé chỉ lặp đi lặp lại một số âm mà không thể sử dụng lời nói để giao tiếp nhiều hơn nhu cầu hiện tại, bé có giọng nói khác thường (chẳng hạn như giọng khàn hoặc giọng mũi).

Về số từ, nếu đứa con 3 tuổi của bạn không thể nói được ít nhất 200 từ, không hỏi tên đồ vật ngay cả khi sống bên cạnh chúng thì rất có thể trẻ đang bị chậm nói.

Dấu hiệu trẻ chậm nói
Dấu hiệu trẻ chậm nói.

Bạn cũng có thể gọi cho bác sĩ nếu cảm thấy lời nói của con mình có vẻ khó hiểu hơn so với độ tuổi của chúng:

  • Bố mẹ và những người chăm sóc thường xuyên như ông bà nên hiểu khoảng 50% lời nói của trẻ ở mốc 2 tuổi và 75% ở mốc 3 tuổi.
  • Khi trẻ 4 tuổi, lời nói của trẻ nên được hiểu gần hết bởi ngay cả những người không biết trẻ. 

Thông thường, một đứa trẻ 3 tuổi điển hình đã có thể:

  • Sử dụng khoảng 1000 từ.
  • Gọi được tên mìnhtên người khác như: bố Huy, mẹ Lan, bạn Bin.
  • Biết sử dụng danh từ, động từ, tính từ trong các câu nói 3-4 từ như: con muốn ăn thịt, con chó sủa, bà ơi đi chơi, nước cam đắng.
  • Sử dụng dạng số nhiều: 4 cái bánh, 2 con chó.
  • Biết đặt câu hỏi: đây là gì? mẹ đi đâu?
  • Biết kể một câu chuyện, lặp lại một bài đồng dao hay hát một bài hát như Twinkle Twinkle Little Star, ABC Song.

3. Vì đâu trẻ chậm nói?

Việc trẻ chậm nói có thể đến từ những nguyên nhân chủ quan (trẻ có vấn đề cụ thể về sức khỏe) hoặc nguyên nhân khách quan (những yếu tố về gia đình, môi trường xung quanh).

Bố mẹ có thể xem xét lý do con mình chậm nói ở các nguyên nhân cụ thể dưới đây.

3.1. Trẻ sống trong gia đình song ngữ

Nếu vợ/chồng bạn là người nước ngoài hoặc bạn muốn trong 2 vợ chồng, mỗi người sẽ đảm nhận giao tiếp với trẻ một ngôn ngữ từ khi chào đời để giúp trẻ song ngữ từ nhỏ, con bạn cũng có thể sẽ chậm nói hơn các trẻ chỉ tiếp xúc với một ngôn ngữ.

Nhưng điều này cũng không có gì đáng ngại vì thời gian đầu, con sẽ lắng nghe và tiếp thu trong im lặng. Sau một thời gian nữa, đến khi bật nói, con bạn có thể sẽ quen dần với môi trường song ngữ.

3.2. Trẻ có vấn đề về thính giác

Trẻ nghe kém hoặc mất thính giác có thể sẽ nghe thấy những giọng nói méo mó, từ đó gặp khó khăn trong việc hình thành từ ngữ.

Dấu hiệu điển hình cho thấy con bạn đang bị mất thính giác là chúng không nhận ra khi bạn gọi tên một người hoặc một đồ vật nhưng lại nhận ra khi bạn chỉ tay vào người/đồ vật đó.

3.3. Trẻ gặp vấn đề với miệng

Đôi khi, việc chậm nói ở trẻ có thể đến từ những vấn đề của cấu trúc lưỡi hoặc vòm miệng. Ví dụ, nếu trẻ bị dính khớp lưỡi (lưỡi được nối với sàn miệng), trẻ sẽ gặp khó khăn khi nói các âm: Đ, I, R, S, T, Z.

3.4. Trẻ thiếu sự kích thích từ bố mẹ

Thật khó để phát triển kỹ năng nói nếu không có ai tương tác, nói chuyện cùng trẻ. Môi trường sống đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ.

Nếu bố mẹ và người chăm sóc trực tiếp thường xuyên bận rộn và hay để trẻ chơi một mình với đồ chơi hoặc điện thoại, trẻ sẽ không có cơ hội để phát triển vốn từ và kỹ năng nói, từ đó dẫn đến tình trạng chậm nói.

3.5. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Trẻ 3 tuổi có thể hiểu và giao tiếp cơ thể nhưng không thể nói nhiều từ hoặc không thể diễn đạt thành các cụm từ dễ hiểu cũng có thể bị chậm nói. 

Điều này có thể đến từ một số rối loạn ngôn ngữ và lời nói liên quan đến chức năng não, một nguyên nhân khác là do sinh non.

Nguyên nhân trẻ chậm nói.
Trẻ chậm nói có nhiều nguyên nhân.

Một số trẻ bị mắc chứng mất ngôn ngữ. Đây là một chứng rối loạn thể chất khiến trẻ khó hình thành âm thanh theo đúng trình tự để tạo thành từ. 

3.6. Trẻ mắc hội chứng tự kỷ

Các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ thường có nhiều liên quan tới hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Lặp lại cụm từ thay vì tạo ra cụm từ.
  • Hành vi lặp đi lặp lại.
  • Ít giao tiếp (cả bằng lời nói và cử chỉ).
  • Ít tương tác với mọi người, đồ vật xung quanh.

3.7.Trẻ bị thiểu năng trí tuệ

Nếu con bạn không thể nói, đây có thể là vấn đề về nhận thức hơn là không có khả năng hình thành từ ngữ. Hãy cho con gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ trẻ bị thiểu năng trí tuệ.

3.8. Trẻ có vấn đề về thần kinh

Khả năng nói chuyện của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu trẻ gặp một số rối loạn thần kinh dưới đây:

  • Bại não.
  • Loạn dưỡng cơ bắp.
  • Chấn thương sọ não.

3.9. Trẻ bị sốc tâm lý

Trẻ em vốn là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Nếu trong gia đình có những sự kiện gây sốc đối với trẻ như bị đánh đập, bố mẹ ly hôn hoặc thường xuyên tranh cãi…, trẻ sẽ có xu hướng khép kín và không có nhu cầu giao tiếp với thế giới bên ngoài.

4. Làm thế nào để giúp trẻ nói tốt hơn?

Từ những nguyên nhân khác nhau của việc trẻ chậm nói, chúng ta cũng cần đưa ra những giải pháp khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của từng trẻ.

4.1. Với những trẻ chậm nói thông thường

Để giúp con cải thiện vốn từ và tăng thời gian nói cho con mỗi ngày, bạn hãy thực hiện 10 hành động cụ thể dưới đây:

  • Nói chuyện trực tiếp với trẻ, ngay cả khi bạn chỉ thuật lại những gì mình đang làm.
  • Sử dụng cử chỉ và chỉ vào đồ vật khi bạn nói những từ tương ứng. Bạn có thể làm điều này với các bộ phận cơ thể, con người, đồ chơi, màu sắc hoặc những thứ bạn nhìn thấy khi đi dạo quanh khu nhà.
  • Đọc truyện, đọc thơ cho trẻ. Nói về những bức tranh mà các bạn đã nhìn thấy.
  • Hát những bài hát đơn giản, dễ lặp lại.
  • Hãy tập trung hoàn toàn khi nói chuyện với trẻ. Hãy kiên nhẫn khi con bạn cố gắng nói chuyện với bạn.
  • Khi ai đó hỏi con bạn một câu hỏi, đừng trả lời hộ.
  • Ngay cả khi bạn đoán trước được nhu cầu của con, hãy cho con cơ hội tự nói ra điều đó.
  • Thay vì chỉ ra lỗi sai từ ngữ của con, hãy lặp lại các từ một cách chính xác.
  • Hãy để trẻ chơi và tiếp xúc với những đứa trẻ đã nói tốt.
  • Đặt câu hỏi và đưa ra lựa chọn, dành nhiều thời gian để trẻ trả lời.

4.2. Với những trẻ nghi ngờ bị chậm nói do sự phát triển khiếm khuyết của não bộ

Ngoài vấn đề chậm nói, nếu bố mẹ quan sát thấy con có nhiều hành vi bất thường lặp lại, giấc ngủ không sâu, khó ngủ, khó hòa nhập với mọi người, thích ở một mình, hãy đưa con đến gặp bác sĩ giàu kinh nghiệm để xác định tình trạng của con.

Cách giúp trẻ cải thiện khả năng nói.
Cách giúp trẻ cải thiện khả năng nói.

Ở đó, các bác sĩ sẽ sử dụng tâm lý trị liệu kết hợp với âm ngữ trị liệu để cải thiện tình trạng cho con.

Tuy nhiên, bố mẹ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các bác sĩ mà hãy nói chuyện để tìm hiểu nhiều hơn về các liệu pháp trị liệu và những hành động hỗ trợ để giúp con tự trị liệu ở nhà.

Dù thế nào đi nữa, sự đồng hành của bố mẹ là vô cùng quan trọng.

5. Kinh nghiệm của người mẹ Vũng Tàu giúp con khắc phục tình trạng chậm nói, thậm chí phát triển 2 ngôn ngữ cùng lúc

Người mẹ mà BMyC muốn đề cập tới là chị Nhàn (fb: Nguyễn Thị Thanh Nhàn).

Chị Nhàn có một bé sinh năm 2008 (con bị tự kỷ) và một bé sinh năm 2015. 

Bạn lớn bị tự kỷ nên 14 tuổi mà con vẫn chưa biết nói, chưa tự phục vụ được bản thân và đang học lớp chuyên biệt.

Ước mơ bạn lớn được đến trường bình thường như các bạn quá xa vời nên mọi tâm huyết học hành, chị Nhàn dồn hết cho bạn nhỏ.

Bé Rin (2015) – The Spider’s Web

 Bạn nhỏ vốn là một em bé chậm nói và khá khó tính, lại không thể trò chuyện, nô đùa với anh chị em trong nhà vì anh hai bị bệnh. Đôi khi, anh hai còn la hét ảnh hưởng đến em nên hành trình học ngôn ngữ của Rin (bạn nhỏ nhà chị Nhàn) luôn có những khó khăn thường trực.

Chẳng thấy khó mà lui, dù bị chồng và họ hàng phản đối vì sợ con học sớm, dù anh hai thường xuyên quấy rầy em nhưng chị Nhàn vẫn tập trung tuyệt đối vào việc giúp con tự học tiếng Anh tại nhà. Bạn lớn đã không có cơ hội, chị không muốn bản thân chần chừ để vụt mất cơ hội của bạn nhỏ.

Để giúp con học hiệu quả, chị bắt đầu học cách tương tác với con dù đây là phần chị sợ nhất.

Chị ghi các mẫu câu cần tương tác ra giấy và luôn mang theo bên mình để nói chuyện với con mỗi khi đi ra ngoài. Ngày qua ngày, chị Nhàn đã luyện tập thành thạo đến mức nắm được toàn bộ các mẫu câu cần tương tác và không cần dùng giấy để đọc.

Tuy nhiên, chị hiểu rằng bản thân mình dù cố gắng tới đâu thì cũng có lúc không đủ vốn liếng để hỗ trợ con. Vì vậy, chị tìm đến nhóm học BMyC quy tụ các bố mẹ ở Vũng Tàu.

Bé chậm nói
Bé Rin (2015)

Trước khi dịch Covid hoành hành, nhóm chị gặp nhau 1 lần/tuần vào tối thứ 7 để các con được gặp nhau, trò chuyện, cãi nhau, hát hò…

Việc duy trì nhóm học này không hề dễ dàng nên các bố các mẹ trong nhóm đều phải hết sức kiên trì và tâm huyết.

Khi còn là thành viên mới của nhóm, chị Nhàn chỉ đi theo để ngồi nghe và học hỏi kinh nghiệm của các mẹ đi trước. Bé Rin nhà chị lúc ấy cũng chưa dạn dĩ như bây giờ. Con đi cùng mẹ nhưng chưa thể chơi và hòa nhập với các bạn. Nhưng chị Nhàn chưa bỏ một buổi nào.

Mặc dù theo thời gian, một số bố mẹ đã bỏ dở giữa chừng nhưng cùng với chị Nhàn, cùng có một số bố mẹ khác đi off đầy đủ không thiếu buổi nào nên nhóm vẫn duy trì hoạt động xuyên dịch. Không gặp mặt trực tiếp thì nhóm gọi nhau qua video call.

Các con cũng vậy, không ngày nào là các con không nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau.

Nhờ có bạn nói tiếng Anh và được luyện tập hàng ngày nên Rin nhà chị đã sớm có khả năng song ngữ, thậm chí tiếng Anh của con đôi lúc còn tốt hơn tiếng Việt. Các con chơi cùng nhau có sự thi đua nên học hỏi từ nhau rất nhiều thứ.

Từ hành trình đồng hành với con, chị Nhàn hiểu ra việc tương tác, giao tiếp nhiều mới giúp con tiến bộ trong các kỹ năng nghe, nói, phản xạ giao tiếp.

Hiện tại, bé Rin nhà chị Nhàn đã tốt nghiệp lộ trình tiếng Anh BMyC sau 18 tháng học tập và đang theo học lộ trình tiếng Trung. 

Tìm hiểu thêm câu chuyện nhà chị Nhàn tại đây:


Cách giúp trẻ chậm nói học tiếng Anh thành công nhanh nhất: tìm hiểu thêm.


Một điều quan trọng mà BMyC muốn nói với các bố mẹ là mỗi trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau. Các dấu hiệu ở trên tuy có giá trị tham khảo cao nhưng không nên áp đặt.

Nếu con được bác sĩ khám và kết luận là bình thường, hãy đặt niềm tin vào con và kiên nhẫn chờ đợi. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng đừng quên áp dụng những hành động cụ thể để giúp con cải thiện khả năng nói: tạo môi trường và thường xuyên tương tác cùng con.

Dù thế nào đi nữa, bố mẹ cũng là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con. Hãy tham khảo những kinh nghiệm tương tác và giúp con luyện nói trong group BMyC để giúp con phát triển ngôn ngữ, bố mẹ nhé!

*Bài viết có sử dụng nguồn ảnh minh họa từ Google.

>>Xem Thêm>>>

Học tiếng Anh đúng cách cho trẻ mầm non

Top 5 phần mềm luyện phát âm tiếng Anh ” chuẩn ” nhất hiện nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688