Nếu chỉ đọc những chia sẻ của phụ huynh BMyC khi con đã song ngữ thành công thì bố mẹ sẽ chỉ thấy những thành tích đáng ngưỡng mộ của các con, niềm tự hào, hạnh phúc của các bố mẹ và tình cảm gia đình khăng khít, gắn bó.
Bố mẹ có thể sẽ tự hỏi: “Có phải tất cả những người bố người mẹ trong group BMyC đều là những phụ huynh hiền dịu, thấu hiểu con? Vậy những bố mẹ nóng tính, hay đánh mắng con liệu có thể bình tĩnh để đồng hành giúp con song ngữ được không?”
Hãy cùng khám phá câu trả lời trong bài viết này nhé.
Nội dung chính
- Lời trải lòng của những phụ huynh BMyC từng nóng tính với con
- Phụ huynh Trần Thanh Huyền
- Phụ huynh Hoàng Xuân
- 5 lời khuyên kiểm soát cảm xúc dành cho bố mẹ nóng tính
- 1. Tỉnh táo lựa chọn hành động sau khi tức giận
- 2. Thử nhìn sự việc qua cách nhìn của trẻ
- 3. Điều chỉnh giọng nói và ngôn ngữ cơ thể
- 4. Chỉ chú tâm vào một mục tiêu trong một thời điểm
- 5. Hiểu rằng nóng giận là bình thường
Lời trải lòng của những phụ huynh BMyC từng nóng tính với con
Hãy cùng lắng nghe tâm sự của các phụ huynh BMyC về hành trình uốn nắn bản thân mình khi đồng hành cùng con nhé.
Phụ huynh Trần Thanh Huyền
“Không biết các bạn có giống mình không? Khó khăn nhất của mình khi đồng hành cùng con đó là kiểm soát cảm xúc! Vốn được mệnh danh tính khí đàn ông, sư tử sổ lồng nên khi dạy con học, mình đã có không ít những lần mắng con, đánh con để rồi hối hận, phải khóc một mình vì hành động sai trái!”
Chia sẻ của chị Trần Thanh Huyền như nói lên nỗi lòng của các bố mẹ nóng tính trong group BMyC khi đồng hành cùng con. Mặc dù dằn vặt, cắn rứt là vậy nhưng khi đã tức giận thì lý trí khó có thể kiểm soát được lời nói, hành động.
Khoảng 3-4 tháng đồng hành đầu tiên, chị Huyền luôn ở trong một vòng luẩn quẩn: con học thì ít mà mẹ nổi khùng thì nhiều.
Bản thân chị Huyền đã cảm thấy chuyện này không hề ổn. Nếu tiếp tục, con gái chị sẽ càng bị tổn thương nhiều hơn. Con cái là tấm gương phản ánh tính cách của bố mẹ, may mắn là chị đã kịp nhận ra trước khi quá muộn.
Quyết tâm thay đổi, chị Huyền quyết định trải lòng tâm sự với những người mẹ khác để giải tỏa cảm xúc cho bản thân. Bên cạnh đó, chị cũng dành nhiều thời gian quan sát con và đọc các bài chia sẻ về điều chỉnh cảm xúc cho các bố mẹ trên group.
Nhờ điều này mà chị nhận ra bản thân đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng khi đồng hành cùng con:
- Ngại tìm hiểu thông tin, ngại đọc bài chia sẻ, đi hỏi bí quyết từ bố mẹ khác nhưng lại nhanh quên, không áp dụng được gì.
- Quá kỳ vọng vào việc con tiến bộ, bắt con phải nhớ, phải thuộc. Nếu con trót quên thì máu nóng lại nổi lên.
- Áp lực con phải nộp bài trong 1 tuần, áp lực khi so sánh con mình – con người ta
- Thiếu kiên nhẫn và không tìm được tiếng nói chung với con.
Sau khi nhận ra những sai lầm của mình, chị Huyền đã thay đổi bản thân từ tư duy đến hành động một cách triệt để như sau:
- Tự tìm tòi kiến thức đồng hành cùng con.
- Dành nhiều thời gian quan sát con, nắm bắt điểm mạnh điểm yếu của con để bổ sung kịp thời.
- Duy trì việc học đều đặn một cách vui vẻ với phương châm “không bỏ hôm nào” dù mỗi ngày có khi chỉ học 15-30 phút.
- Tìm động lực cho con bằng cách đăng ký group Đọc sách.
- Tăng động lực bằng cách theo dõi những bố mẹ đã đồng hành thành công
Một bài học quan trọng nữa mà chị Huyền đã nhận ra là: “Để hiểu con, hãy tâm sự và tập nói lời yêu thương con mỗi ngày.”
Mỗi ngày, chị thường dành 5-10 phút trước khi ngủ để nói chuyện với con:
- Con gái à, hôm nay ở trường có gì vui không?
- Có điều gì khiến con không vui? Hãy kể cho mẹ nghe.
Nhờ vậy, con gái chị bắt đầu có cảm giác tin tưởng, an toàn và bắt đầu tâm sự với mẹ. Từ đó, chị đã hiểu con hơn và biết đồng hành cùng con đúng cách mà con muốn.
Giờ học tiếng Anh vui vẻ của hai mẹ con chị Huyền
Cùng theo dõi bài chia sẻ chi tiết về hành trình đồng hành cùng con của chị Huyền tại đây nhé: Ngồi nghe mình kể: Hành trình trưởng thành cảm xúc của bà mẹ nóng tính
Phụ huynh Hoàng Xuân
Bố mẹ có bao giờ tự hỏi: “Tính cách nóng nảy của mình xuất phát từ đâu?” chưa? Đôi khi chúng ta có thể bị ảnh hưởng từ tính cách của chính bố mẹ mình ngày trước.
Phụ huynh Hoang Xuan, một người luôn quan tâm đến yếu tố cảm xúc khi đồng hành cùng con đã chia sẻ về thời thơ ấu của mình rằng:
“Mình có ba rất nóng tính, ký ức về những lần ba nổi giận luôn in đậm trong tâm trí mình…Ký ức tuổi thơ về những cơn nóng giận của ba luôn nhắc nhở mình không được làm như vậy với con. Khi nóng giận, mình sẽ làm cho con sợ hãi, con sẽ không gần gũi ba mẹ nữa. Mình đã từng như vậy, mình từng mong ba cứ đi công tác mãi…
Bố mẹ là tấm gương của con. Vì vậy mình rất sợ nếu như con mình cũng học tính cách nóng giận của mình. Vậy nên khi cơn nóng giận dâng lên, nhìn thấy ánh mắt sợ sệt của con là mình lại dịu xuống.”
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của cảm xúc bố mẹ đến sự phát triển của con, chị Xuân đã bỏ ra nhiều thời gian để đọc những cuốn sách nuôi dạy con và những cuốn sách về tâm lý theo lứa tuổi. Nhờ cất công tìm hiểu mà chị nhận ra một số bài học quan trọng rằng:
- Con không hợp tác, thiếu tập trung là chuyện bình thường. Dưới 5 tuổi, khả năng tập trung của con đạt 10-15 phút đã là rất tốt.
- Hãy luôn tìm ra những điều nhỏ nhặt để khen ngợi con. Chẳng hạn, nếu con chưa nhớ cách phát âm của từ vựng thì ít ra, con đã có sự tự giác khi học bài.
- Với trẻ con, chơi chính là học. Bố mẹ nên lồng bài học vào trò chơi để con học hiệu quả hơn.
- Tôn trọng sự khác biệt của con, không so sánh con mình – con người ta.
- Hãy luôn nhất quán khi đưa ra thỏa thuận với con vì nếu bố mẹ không thực hiện đúng thì con sẽ không tin tưởng và không nghe lời bố mẹ nữa.
Hãy theo dõi bài chia sẻ của chị Xuân về hành trình đồng hành cùng con tại đây nhé: Trúng số 120 triệu khi đồng hành cùng con học tiếng Anh tại nhà
BMYC PRO – GIẢI PHÁP GIÚP CON TĂNG TỐC PHẢN XẠ GIAO TIẾP & KỸ NĂNG SỬ DỤNG TIẾNG ANH KHI BỐ MẸ QUÁ BẬN RỘN
- Đối tượng học viên: các bé 5-9 tuổi chưa học tiếng Anh hoặc chưa nghe nói, đọc hiểu được tiếng Anh.
- Cách học: Bố mẹ đồng hành cùng con và 2-3 buổi 60 phút/tuần con học với giáo viên theo hình thức 1 kèm 3, kiểm tra cuối kỳ và họp phụ huynh 3 lần.
5 lời khuyên kiểm soát cảm xúc dành cho bố mẹ nóng tính
Ngoài những chia sẻ từ các phụ huynh, BMyC tin rằng sau đây sẽ là những lời khuyên vô cùng cần thiết cho những bố mẹ có tính cách nóng nảy.
1. Tỉnh táo lựa chọn hành động sau khi tức giận
Sau khi xảy ra một sự việc khiến bố mẹ tức giận, bố mẹ sẽ có 2 lựa chọn:
Thứ nhất là buông thả bản thân theo cảm xúc, hành động bất chấp suy nghĩ. Bố mẹ có thể sẽ cáu giận, nhăn nhó, đánh mắng con…
Thứ hai là dừng lại để nhận ra cảm xúc hiện tại của mình là gì và có thể gọi tên chính xác cảm xúc ấy. Dĩ nhiên, để tránh làm tổn thương con, bố mẹ nên luyện tập theo cách thứ hai.
Lúc này, bố mẹ có thể nói với con về cảm xúc của mình và nguyên nhân của cảm xúc đó rằng: “Bố mẹ đang rất tức giận vì…”
Tiếp đó, hãy tìm cách loại bỏ cảm xúc tiêu cực của bản thân bằng một số cách như sau:
- Vận động cơ thể để thả lỏng bản thân, giảm thiểu căng thẳng.
- Tìm ra yếu tố tích cực trong tình huống khiến mình tức giận: “Liệu rằng trong tình huống này, có điều gì tốt cho con không?”
Sau khi thực hiện những bước trên, cảm xúc của bố mẹ ít nhiều đã dịu lại. Hãy nói chuyện với con theo ngôn ngữ ôn hòa nhất có thể.
Bố mẹ có thể thử ghi chép lại về từng cách nói chuyện của bản thân với con và phản ứng của con với mỗi cách nói chuyện ấy. Nhìn vào bản ghi chép, bố mẹ sẽ dần nhận ra con mình sẽ hợp tác với kiểu nói chuyện nào. Từ đó, hãy áp dụng kiểu nói chuyện phù hợp cho những tình huống tương tự trong lần sau.
2. Thử nhìn sự việc qua cách nhìn của trẻ
Khi con không hợp tác học bài, thay vì đánh giá và chê bai con lười, hãy thử nhìn nhận theo hướng “có thể bài học chưa đủ thú vị để thu hút sự chú ý của con”.
Từ việc thay đổi cách nhìn nhận, bố mẹ cũng sẽ thay đổi hành động và hiển nhiên, kết quả sau đó cũng sẽ thay đổi.
Nếu tập trung vào việc chê bai con, con sẽ buồn và tủi thân, thậm chí còn tỏ ra ương bướng.
Trong khi đó, nếu quan sát để tìm hiểu sở thích của con, thay đổi cách tiếp cận cho phù hợp với sở thích của con thì rất có thể, con sẽ cảm thấy vui vẻ và háo hức muốn học cùng bố mẹ.
3. Điều chỉnh giọng nói và ngôn ngữ cơ thể
Phải lắng nghe con mới hiểu con muốn gì và có cách tiếp cận bài học phù hợp. Thế nhưng thật khó có thể khiến con mở lòng bởi trên thực tế, những lời nói của bố mẹ khi căng thẳng thường rất khó “lọt tai”. Có thể cùng một câu nói nhưng con sẽ dễ dàng cảm nhận được suy nghĩ của bố mẹ qua ánh mắt, tông giọng, ngôn ngữ cơ thể.
Làm sao con có thể tin tưởng nói ra suy nghĩ của bản thân nếu trước mặt con là một người bố, người mẹ với đôi mắt trợn ngược tràn ngập sự tức giận, tay lăm lăm chiếc roi và tông giọng cao vút, chói tai?
Để luyện tập việc điều chỉnh tông giọng và ngôn ngữ cơ thể, bố mẹ có thể sẽ cần nhiều thời gian để luyện tập trước gương và khi nói chuyện với con, bố mẹ sẽ luôn phải tự nhắc nhở bản thân về điều này.
4. Chỉ chú tâm vào một mục tiêu trong một thời điểm
Đừng chăm chăm nghĩ về việc: “Con sẽ học được gì? Con nhớ bài hay không?” trong giai đoạn con bắt đầu học tiếng Anh. Bởi mục tiêu của giai đoạn này tập trung hoàn toàn vào thói quen học tập.
Thay vì tự gây áp lực lên bản thân rồi gây áp lực lên con về hiệu quả học tập, bố mẹ chỉ cần tập trung duy nhất vào câu hỏi: “Con đã có thói quen học chưa?”
Khi đã xác định mục tiêu phù hợp, những hành động của bố mẹ dù cách này hay cách khác cũng nên chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất này.
Hãy yên tâm rằng khi con đã có thói quen học và duy trì từ 2 tháng trở lên, chắc chắn bố mẹ cũng sẽ nhìn thấy hiệu quả. Bởi vậy, đừng nóng vội, đừng tham lam.
5. Hiểu rằng nóng giận là bình thường
Có thể hơi vô lý khi chúng ta vừa muốn kiểm soát cơn nóng giận vừa cho rằng cảm xúc này là bình thường. Nhưng thật sự thì nóng giận là một trong biết bao cảm xúc khác nhau của con người.
Bất kỳ ai khi mới bắt đầu đồng hành cùng con cũng đều trải qua cảm xúc nóng giận. Đừng tự trách móc và gây áp lực cho bản thân. Thay vào đó, hãy chấp nhận rằng mình cần nhiều thời gian để luyện tập và điều chỉnh. Không có ai luôn hiền dịu với con ở mọi tình huống, chỉ là khi trải qua sự luyện tập, cách thức thể hiện sự tức giận của chúng ta sẽ khác so với thuở ban đầu.
Nếu sự nóng giận của bố mẹ đến từ cảm giác bất an, lo lắng vì sợ con học không tốt, hãy mở lòng trao đổi với các phụ huynh khác để được trấn an và động viên kịp thời. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian lắng nghe những chia sẻ của các phụ huynh đã từng nóng tính với con và sự thay đổi của họ để có thêm niềm tin và động lực cố gắng.
Hy vọng rằng với những chia sẻ ở trên, bố mẹ đã bớt đi ít nhiều cảm giác lo lắng về tính cách nóng nảy của bản thân. Hãy tin rằng mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp lên theo thời gian nếu chúng ta bỏ công sức để rèn giũa chính mình.
Tham gia ngay cộng đồng bố mẹ đồng hành cùng con song ngữ để được tư vấn lựa chọn phương pháp học tập và lộ trình học tối ưu nhất.
Xem thêm:
- Giải pháp cho bố mẹ bận rộn và không biết tiếng Anh đồng hành cùng con
- Tấm gương người mẹ vượt qua nghịch cảnh của bản thân để đồng hành giúp con đa ngôn ngữ