Ngồi nghe mình kể: Hành trình trưởng thành cảm xúc của bà mẹ nóng tính

“Mẹ lại tức giận rồi nhé!”

Thi thoảng, mình lại giật thót vì để một đứa 6 tuổi nhắc nhở từng câu chữ trong cách ăn nói. Con bé nhà mình suốt ngày vặn vẹo mẹ nó như thế đấy.

  • Mẹ lại tức giận rồi kìa;
  • Mẹ lại nhăn mặt rồi kìa;
  • Mẹ đừng nói như thế…
chi Huyen 2
Chia sẻ của phụ huynh BMyC chị Thanh Huyền (Vũng Tàu).

Chao ôi đang tức điên người muốn đập, đạp cho nó một trận nhưng cũng chính nó đã kéo cơn tức giận của mình xuống một cách nhanh chóng. Nhiều khi tức nó lắm mà vẫn cười không ngậm được mồm. 

1. Khó khăn lớn nhất khi đồng hành cùng con là kiểm soát cảm xúc

Không biết các bạn có giống mình không? Khó khăn nhất của mình khi đồng hành cùng con là kiểm soát cảm xúc.

Vốn có tính khí đàn ông, nóng như “sư tử sổ lồng” nên khi dạy con học, mình đã từng có không ít lần mắng con, đánh con. Để rồi khi bình tĩnh lại, mình lại hối hận khóc một mình vì những hành động sai trái. Hình như con cái sinh ra để thử sự kiên nhẫn của bố mẹ thì phải.

Nhớ lại mấy tháng đầu mới học BMyC, mình cũng chán nản, bực tức, lười, muốn bỏ cuộc. Lúc đó, mình chưa nhận thức được trước khi dạy con học thì việc cần làm đầu tiên là học kiểm soát cảm xúc. Bản thân mình cũng không nhớ đã trải qua như thế nào, có vượt qua được không hay đó chỉ là bản năng. Nói thật, mình đã từng quát mắng con, đã từng ném đồ, ức chế… khi dạy con mà con không hợp tác, cảm thấy tương lai không có chút ánh sáng nào.

Dằn vặt, đau khổ, xót xa, tội lỗi, cắn rứt lương tâm…. Nhưng khi đã nổi cơn “Điên’’ thì lý trí sẽ không thể kiểm soát được lời nói, hành động. Với mình thì áp lực và bất lực sẽ khiến cho ta khó kiểm soát cảm xúc khi đồng hành cùng con. Tuy nhiên, khi trải lòng tâm sự cùng với các mẹ khác, mình cảm thấy được giải tỏa và bớt căng thẳng đi nhiều. 

Và cũng chỉ khi trải lòng, mình mới nhận ra bản thân đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng:

Thứ nhất, đó là sự lười biếng của mẹ, lười đọc, lười xem các bài, video hướng dẫn,  cái kiểu ăn sẵn nó quen rồi nên cứ thấy nhiều nhiều dài dài, là ngại, chẳng cần thử làm như thế nào, với phương châm, cứ đi không biết cứ đi hỏi, nhưng hỏi trước quên sau, vào tai nọ ra tai kia, chẳng nhớ được gì.

Thứ 2, quá kỳ vọng vào việc con tiến bộ. Con mới học có mấy ngày mà cứ bắt phải thuộc, phải nhớ, đọc đúng…  Mẹ đã không tuân thủ đúng nguyên tắc không so sánh kỳ vọng, dạy con chữ nào được vài ba ngày là chăm chăm kiểm tra xem có nhớ không đọc tốt không… Con đọc đúng hay nhớ thì hả hê sung sướng, con lỡ quên thì liệu hồn, máu nóng sẽ nổi lên, có bị ăn “tẩn” hay không phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của mẹ nó hôm đó.

Thứ 3, đó là áp lực, áp lực nộp bài, hoàn thành bài. Tại sao 1 tuần mà con không thể hoàn thành task, con có kém hay không, có chậm hay không?…. Áp lực là tự dưng thấy các bé khác chăm chỉ hợp tác học được nhiều, con nhà mình nó không thích nó mải  chơi. Thế là mẹ nó lại cuống cuồng lên về nhà bắt con học, chưa rèn được thói quen tốt, chưa thực sự biết con mình thích gì và muốn gì.

Thứ 4, đó là bất lực. Nổi điên với con chẳng qua là biểu hiện của sự bất lực: tại sao nói con không chịu nghe, bảo nó làm một đằng nó làm một nẻo, nói trước quên sau…? Con không chịu nghe là do giữa hai mẹ con chưa tìm thấy tiếng nói chung, mẹ chưa thực sự là một người bạn của con, chưa đủ kiên nhẫn, chưa đủ nhẹ nhàng.

Thời gian đầu, khoảng 3 – 4 tháng gì đó, mình quay mòng mòng trong cái vòng luẩn quẩn, con học thì ít mà mẹ nổi khùng thì nhiều. Nếu tiếp tục như vậy thì không ổn. Nếu không có sự thay đổi từ bản thân mẹ, chắc chắn con sẽ bị tổn thương nhiều hơn nữa. Con cái là tấm gương phản ánh tính cách của cha mẹ, may là mình đã kịp nhận ra điều đó trước khi quá muộn. 

Quyết tâm thay đổi, mình đã dành ra 1 tuần để xem các video livestream của Anh Huy, note lại một số điểm cần lưu ý, đọc các bài viết, chia sẻ nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát con nhiều hơn. Bên cạnh đó, mình cũng đọc các loại sách, xem các video kiểm soát cảm xúc nhiều hơn, tự tìm tòi học hỏi nhiều hơn là việc ngồi đó ăn sẵn. 

chi Huyen
Khó khăn lớn nhất khi đồng hành cùng con là kiểm soát cảm xúc.

Sau khi xem livestream kiểm soát cảm xúc của anh Lê Quang Huy mình đã rút ra 3 bước kiểm soát cảm xúc khi học cùng con như sau

Bước 1: Chúng ta nên đọc vài quyển sách hoặc xem một vài video về cách kiểm soát cảm xúc.

Bước 2: Khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện, chúng ta nên tập trung vào việc hít thở để dừng ngay cảm xúc tiêu cực đó, sau đó chúng ta chấp nhận sự việc đó.

Bước 3: Ghi lại các vấn đề mình đang gặp phải, đi tìm câu trả lời một cách cảm thấy thỏa đáng nhất vấn đề sẽ được giải quyết.

Từ đó, quá trình mẹ con học cùng nhau dần bình tĩnh và tự tin hơn hẳn. Hai mẹ con duy trì việc học đều đặn mỗi ngày vui vẻ nhẹ nhàng, với phương châm, đi chậm đi đều, không bỏ hôm nào. Những ngày con đi chơi thì con sẽ tranh thủ học xong rồi đi hoặc khi đi chơi về tranh thủ 15 – 30 phút học tiếng Anh trước khi đi ngủ. 

Chưa hết, hai mẹ con còn tìm kiếm thêm động lực để quyết tâm mỗi ngày bằng việc tham gia Group đọc sách, theo dõi các HotMom. Nhờ vậy, mẹ cũng học được cách quan sát điểm mạnh, điểm yếu của con để hỗ trợ con kịp thời. 

2. Con em không thích học, nó chỉ thích chơi thôi

Lý do khá hợp lý để viện cớ cho những ai chưa hành động. Các bạn thấy bóng dáng mình trong đó không? Mình xin khẳng định đến 99% các bé trong Group khi mới bắt đầu học bố mẹ cũng có chung suy nghĩ như vậy, con không hợp tác, con không thích học…. Đừng đổ hết tất cả lên đầu con. Thay vào đó, bố mẹ hãy tự hỏi bản thân rằng: bố mẹ đã thực sự hiểu con chưa, đã quan sát xem con thực sự thích gì chưa, có đủ kiên nhẫn để sáng tạo ra các trò mới cùng với con để con cảm nhận là mình đang chơi chứ không phải học không?

Tương tác tiếng Anh cùng Amy (Vũng Tàu).

Dựa trên kinh nghiệm của mình, để con hợp tác hơn thì các bố mẹ sẽ cần:

  • Xem lại các bài viết chia sẻ, các livestream trong nhóm, ghi lại các ý chính.
  • Quan sát con thực sự thích gì hãy bắt đầu vừa học vừa chơi với con từ những thứ đó.
  • Duy trì đều đặn, mỗi ngày, không ép con trong giai đoạn này.
  • Nếu con không hợp tác, không thích, chắc chắn cách của bạn chưa hấp dẫn, hãy thử cách khác.
  • Chia sẻ kết nối với admin.
  • Thường xuyên theo dõi một nhà nào mà bạn thích ở trong Group để lấy động lực phấn đấu.

Qua được giai đoạn đầu này, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Kiên nhẫn thêm một thời gian nữa, chắc chắn con sẽ không làm cho bố mẹ thất vọng.

3. Để hiểu con, hãy tâm sự và tập nói lời yêu thương con mỗi ngày

Nếu không đồng hành cùng con chắc mình cũng ít khi hỏi thăm con mỗi ngày các bạn ạ. Nếu không theo học tiếng Anh của Group BMYC, chắc chắn hai mẹ con cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì năm nay cải cách, thay đổi rất nhiều so với các năm trước.

Năm nàng ấy vào lớp 1 mẹ thấy rất nhẹ nhàng vì bài trên lớp con chỉ cần 30 – 45 phút là hoàn thành. Mỗi ngày con vẫn học tiếng Anh từ 1.5h nên mọi thứ mẹ phải sắp xếp nhanh chóng và hợp lý. Con đi học bán trú cả ngày, về nhà lại tắm rửa cơm nước, học bài trên lớp, học tiếng Anh… còn thời gian đâu mà tâm sự với trò truyện.

chi Huyen 1
Hãy nói lời yêu thương con mỗi ngày!

Con mỗi ngày một lớn nếu không tâm sự với con mỗi ngày, để hiểu con, con sẽ có thể khó tìm được tiếng nói chung với bố mẹ. Thường thì mình hay dành 5-10 phút trước khi đi ngủ để nói chuyện với con: 

  • Con gái à, hôm nay ở trường có gì vui không?
  • Có điều gì khiến con không vui, hãy kể cho mẹ nghe.

Tất nhiên, nếu không tin tưởng mẹ thì chắc chắn nàng ấy sẽ không nói ra hoặc sẽ trả lời là “không có gì”.

Đừng để thời gian trôi đi một cách lãng phí. Con ngày càng lớn mà bố mẹ không phải là chỗ đáng tin cậy để con tâm sự thì thật đáng buồn. Nói chuyện với con xong, mẹ sẽ nói:

“Ngủ đi con gái, muộn rồi đó, sáng mai con cần dậy sớm đi học. Mẹ yêu con.”

Hãy nói lời yêu thương mỗi ngày, khi ở bên cạnh con bởi “Nuôi dạy con cái là đặc ân và đặc quyền của mỗi chúng ta”.

Câu chuyện cảm động về sự trưởng thành cảm xúc của mẹ qua quá trình đồng hành cùng con của chị Huyền có gây ấn tượng với bạn không? Nếu bạn đã và đang khó kiểm soát cảm xúc khi đồng hành cùng con thì hãy kể lại cho mọi người cùng biết dưới phần bình luận bài viết này nhé. Hãy thử một lần trải lòng với mọi người, biết đâu bạn lại tìm ra giải pháp cho mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688