Nỗi sợ lớn nhất trong hành trình làm mẹ là: Mất kết nối với con

Nếu ai đã từng làm mẹ thì chắc chắn đều trải qua nhiều thử thách và lo âu. Nỗi lo của người mẹ về căn bản thì ai cũng giống nhau. Lo nuôi con lớn, dạy con ngoan, chăm con khỏe mạnh, học hành giỏi giang… Nhưng đâu đó có những nỗi sợ vô cùng lớn lao, mà ít ai thực sự để tâm, đó là MẤT KẾT NỐI với con.

Những tưởng rằng con nghịch con hư khiến cho bố mẹ quay cuồng xung đột, nóng nảy mới làm tổn thương con và xa cách.

mat ket noi voi con 1
Nỗi sợ lớn nhất trong hành trình làm mẹ là mất kết nối với con

Nhưng khi con ngoan hiền luôn luôn nghe lời thì có mất kết nối hay không, câu trả lời ấy có ai quan ngại sâu sắc?

1. Biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả của việc mất kết nối giữa bố mẹ và con

Biểu hiện của việc mất kết nối giữa bố mẹ và con

Các bố mẹ xem mình có biểu hiện của việc mất kết nối với con cái không nhé:

  • Bố mẹ thường dùng đòn roi để áp đặt con theo ý mình.
  • Bố mẹ hay cho con xem tivi, điện thoại để mình rảnh rang làm việc khác.
  • Bố mẹ độc đoán chỉ nhất nhất cho mình là đúng.
  • Bố mẹ nghiện xem điện thoại
  • Bố mẹ lạnh lùng, xa cách với con
  • Bố mẹ hay rầy la con, so sánh con với người khác.
  • Bố mẹ không tạo thói quen đúng cho con mà để cho con tự do thích làm gì thì làm, lâu dần con trở nên hoang dã.

Nguyên nhân chính dẫn đến mất kết nối

Không phải vì bố mẹ nghiêm khắc hay chiều chuộng. Mà là bố mẹ chưa biết cách lắng nghe lòng con dẫn đến chiều không đúng lúc, nghiêm khắc cũng không đúng lúc. Chính vì vậy khiến con có cảm giác bố mẹ không hiểu mình, tạo khoảng trống trong mối quan hệ, lâu dần thành thói quen nên không nhận ra và hình thành sự MẤT KẾT NỐI.

mat ket noi voi con 2
Điều gì xảy ra khi bố mẹ mất kết nối với con?

Hậu quả của việc mất kết nối giữa bố mẹ và con

Bạn có thấy: mỗi lần cả thành phố mất nước, người dân nháo nhào lo lắng, tìm cách này hay cách khác để chống chọi với việc thiếu nước.

Mỗi lần khu vực được báo mất điện, thì ai nấy lo lắng: không có mạng làm sao để hoàn thành công việc? Tối nay nhà mình ăn gì? Không có điều hoà thì ngủ làm sao?

Các bạn thấy không, chỉ là sự mất kết nối giữa nhà máy điện và nhà máy nước với người dân một chút thôi đã tạo nên sự bất an trong mỗi con người rồi.

Vậy khi mất kết nối giữa con người với con người, giữa bố mẹ với con cái, cuộc sống sẽ ra sao?

Việc mất kết nối giữa các nhà máy với người dân thì có thể sửa chữa được, nhưng sự mất kết nối giữa bố mẹ và con cái, nếu không nhận thức sớm, bố mẹ sẽ là người tạo ra sản phẩm “lỗi” rồi quy kết hết cho con không cố gắng, con ăn hại… Khi mất kết nối với bố mẹ, trẻ sẽ tìm đến những kết nối khác ở mối quan hệ xung quanh, tạo nên những nguy cơ xấu tiềm ẩn.

Thật ra bản chất của việc mất kết nối giữa bố mẹ và con cái chính là không biết nói những điều mình mong muốn để con cái nghe một cách hợp lý và ngược lại.

2. Làm thế nào để không bị mất kết nối với con

Người lớn đã từng là trẻ em, nhưng trẻ em thì chưa từng làm người lớn.

Dù là trong sinh hoạt hằng ngày, học tập, vui chơi hay đời sống tinh thần, thì con cũng rất cần nhận được sự lắng nghe và chia sẻ từ bố mẹ. Suy nghĩ của trẻ con rất đơn giản chúng chỉ muốn hàng ngày bố mẹ gần gũi quan tâm đến mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn.

Khi gần gũi chia sẻ cùng con những câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Hay chỉ là tán gẫu cùng con thì con cũng sẽ học được cách chia sẻ những khúc mắc cũng như niềm hi vọng, mong muốn của mình trong cuộc sống, giúp cho bố mẹ và con hiểu nhau hơn, gắn kết hơn.

Bố mẹ hãy buông bớt những lo toan hay thú vui cá nhân xuống để cùng con trải qua tuổi thơ ngập tràn tiếng cười yêu thương. Hãy ôm con nhiều hơn, nói lời yêu thương nhiều hơn để có thể cảm nhận lắng nghe được cảm xúc của con.

Dành cho con khoảng thời gian chất lượng nhất để trò chuyện, có thể cùng đọc chung với con một cuốn sách, chơi chung với con một trò chơi, xem chung với con một bộ phim, tập trung hoàn toàn vào hiện tại, ở đây và ngay lúc này.

mat ket noi voi con 3
Bố mẹ hãy là người bạn thân thiết của con

Khi nói chuyện với con, bố mẹ hãy thể hiện sự chân thành, sự tôn trọng và thái độ nghiêm túc khi lắng nghe.

Tuyệt đối đừng nói chuyện riêng hay ngắt lời con. Hãy để con được nói hết suy nghĩ của mình trước khi bố mẹ muốn bày tỏ ý kiến riêng. Và đáp lại con bằng cách gật đầu, hướng người về phía trước hay mỉm cười là dấu hiệu cho thấy bạn đang lắng nghe con một cách chăm chú. Đây cũng là biểu hiện sự tôn trọng con, giúp con có thêm sự tin tưởng để giao tiếp đạt hiệu quả tốt hơn.

Dù công việc có bận đến đâu, có mệt mỏi đến đâu hay thực chất những câu chuyện của con có nhỏ nhặt ngây thơ, không thực sự thú vị với bố mẹ thì bố mẹ vẫn nên nhẫn nại nghe con nói đồng thời ghi nhận đánh giá và cổ vũ khuyến khích con một cách thật lòng.

Bố mẹ có thể biến mọi thời gian và không gian trong gia đình thành không gian của sự sẻ chia.

Trên bàn ăn, bố mẹ và con cái có thể kể cho nhau nghe về những hoạt động trong ngày.

Lúc đưa con đi học, có thể nói chuyện với con về những cảnh tượng trên đường đi.

Lúc đón con từ trường về nhà, có thể quan sát các biểu hiện trên cơ thể để nhận biết được tình trạng sức khỏe, cảm xúc của con.

Trước khi đi ngủ hoặc sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng, có thể ôm con thật chặt để giúp con nhận được cảm giác dễ chịu, hạnh phúc vì mình được yêu thương.

Những hành động tuy nhỏ, nhưng giống như mưa dầm thấm lâu, sẽ gia tăng sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con cái. Khi sự kết nối trở nên bền chặt, tình yêu thương được vun đắp từ thời thơ ấu trong gia đình, thì chắc chắn đứa trẻ sẽ trở thành những con người tự tin, hạnh phúc và sống tử tế trong tương lai. Và đó chính là những điều mà người bố người mẹ nào cũng kì vọng.

Bố mẹ hãy trở thành người bạn thân thiết tin cậy đồng hành bên con nhé!

Xem Thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688