7 điều bố mẹ có thể làm ngay bây giờ để xây dựng sự tự tin của con

Sự tự tin là vô cùng quan trọng đối với hạnh phúc, sức khỏe và thành công trong tương lai của một đứa trẻ. Những đứa trẻ tự tin được trang bị tốt hơn để đối phó với áp lực của bạn bè, trách nhiệm, sự thất vọng, thách thức và cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực.

Xay-dung-su-tu-tin-cua-con
7 điều bố mẹ nên làm để xây dựng sự tự tin của con.

Và yếu tố then chốt trong việc phát triển sự tự tin của trẻ là gì?

1. Hãy khẳng định với con rằng tình yêu của mình là vô điều kiện.

“Con không ăn ngoan, con không học giỏi thì bố mẹ không yêu đâu”.

Rất nhiều bố mẹ vẫn vô thức sử dụng những câu nói này trong cuộc sống hàng ngày chỉ để dỗ con thực hiện một hành động trong ngắn hạn mà không ngờ rằng câu nói này lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý ở trẻ.

Khi trẻ nhận được thông điệp về tình yêu có điều kiện này, con sẽ luôn lo lắng về việc thể hiện bản thân. Con sẽ không dám đưa ra những quyết định trái ý bố mẹ dù đó là tính cách của con.

Về lâu về dài, con sẽ trở thành “đứa trẻ im lặng” không có chính kiến hoặc cố gồng mình để sống trong phiên bản mà bố mẹ mong muốn.

Vì vậy, ngay bây giờ và mãi mãi về sau, bố mẹ hãy thường xuyên nói và thể hiện rằng tình yêu của mình dành cho con là vô điều kiện để con tự tin rằng sau bão giông thất bại, con vẫn luôn có chỗ dựa tinh thần vững chắc.

Từ đó, con cũng sẽ tự tin trong mọi quyết định của mình và không ngại ngần thể hiện bản thân.

2. Dạy con tập nói với chính mình những khẳng định tích cực.

Trên thực tế, cả trẻ em và người lớn đều có thói quen nói những lời tiêu cực với bản thân mà không biết rằng, những lời nói này lại càng gây tổn hại với chính họ.

Điển hình cho những khẳng định tiêu cực này thường là:

  • Tôi không thể nói trước đám đông;
  • Tôi rất tệ ở khoản viết lách;
  • Tôi không có năng khiếu học tiếng Anh;
  • Các bạn cùng bàn tôi chọn đáp án A nhưng tôi lại chọn đáp án B, nhất định là bài của tôi có vấn đề.

Cách để bẻ ngược tình huống này thật ra không khó, bạn có thể hướng dẫn con tự nói với mình như sau:

  • Tôi chưa từng nói chuyện trước đám đông/viết lách/học tiếng Anh. Có lẽ vì chưa bao giờ làm nên tôi đã khá lo lắng nhưng tôi có thể thử. Tôi tin rằng việc này cũng giống như tập xe đạp, lúc đầu sẽ hồi hộp và có nhiều sai sót nhưng làm nhiều lần sẽ thuần thục. Tôi có thể gặp những người giỏi ở lĩnh vực này để tham khảo kinh nghiệm;
  • Mọi người đều chọn đáp án A nhưng tôi lại chọn đáp án B. Tôi sẽ thử trả lời lại câu hỏi này và đối chiếu cách giải với các bạn xem sao.

Thật ra, dạy con nói những câu tích cực không khó, cái khó ở đây là bố mẹ chưa từng có thói quen làm điều này với chính mình. Thậm chí, chính bố mẹ còn hay nói những lời tiêu cực với con.

Vì vậy, việc đầu tiên là bố mẹ cần phải sửa “tiếng nói bên trong” của chính mình, đạt được sự an yên và tích cực trong tâm hồn rồi lan truyền năng lượng tích cực ấy sang cho con.

3. Giao cho con những nhiệm vụ “đặc biệt” phù hợp với lứa tuổi

Ngoài những công việc nhà và bài vở trên lớp, bố mẹ hãy giao cho trẻ những “nhiệm vụ đặc biệt” để giúp con cảm thấy mình có ích, có trách nhiệm và có năng lực. Một tip nhỏ khi giao nhiệm vụ cho con là hãy sử dụng từ “đặc biệt” đối với nhiệm vụ này để giúp con tăng cường sự tự tin hơn nữa.

Giao cho con những nhiệm vụ đặc biệt.
Giao cho con những nhiệm vụ “đặc biệt”.

Những nhiệm vụ “đặc biệt” này có thể bao gồm giúp đỡ thú cưng hoặc anh chị em nhỏ hơn khi cần thiết hoặc trở thành “trợ lý” nấu ăn của mẹ. Hoặc đối với một đứa trẻ rất nhỏ, tự mặc quần áo cũng được coi là một nhiệm vụ vô cùng “đặc biệt”.

Những câu nói bố mẹ có thể nói với con trước và sau thực hiện nhiệm vụ là:

  • Hôm nay, bố mẹ giao cho con một nhiệm vụ rất đặc biệt mà bố mẹ tin là khả năng của con hoàn toàn có thể làm được. Đó là…
  • Vì con rất khéo léo nên mẹ rất tin tưởng giao cho con làm “trợ lý” nấu ăn của mẹ;
  • Cám ơn con đã giúp bố mẹ hoàn thành việc này. Con đã giúp bố mẹ bớt vất vả rất nhiều.

Đặc biệt là khi nấu ăn, mẹ có thể cùng con thực hành ngay các câu giao tiếp cùng cấu trúc: Mommy cooks, I cook too trong truyện “Me too” của bộ truyện Little Fox.

4. Chơi cùng con nhưng hãy để con dẫn dắt cuộc chơi.

Hầu như mọi đứa trẻ đều hào hứng khi được bố mẹ cùng tham gia các trò chơi, nhất là trẻ nhỏ nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi trong mỗi trò chơi, trẻ sẽ là người chỉ đạo, quản trò và bố mẹ chỉ là người tham gia.

Khi cho trẻ quyền được dẫn dắt cuộc chơi, trẻ sẽ nhận được thông điệp ngầm rằng bố mẹ đang rất tin tưởng mình và hứng thú với sự chỉ đạo, dẫn dắt của mình. Nhờ vậy mà con sẽ cảm thấy mình có giá trị. Con sẽ được tăng cường sự tự tin nói chung và có cảm giác hứng thú với việc trở thành người lãnh đạo nói riêng.

5. Bố mẹ hãy tự cải thiện sự tự tin của chính mình.

Đây không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều, nhưng nó là một trong những bước cần thiết nhất trong danh sách này.

Bố mẹ là hình mẫu đầu tiên và tốt nhất của trẻ, vì vậy bố mẹ hãy dành thời gian để sửa chữa sự tự tin của chính mình, nếu cần.

Những cách để bố mẹ có thể thực hành:

  • Tự đưa ra những nhận xét tích cực về bản thân và về người khác khi có mặt con;
  • Kể với con về một nỗi sợ, cố gắng thử vượt qua điều đó và chia sẻ cảm nhận với con. Hãy cho con chứng kiến toàn bộ quá trình.

BMyC nhớ rằng có một phụ huynh trong group đã kể về điều này khi đồng hành cùng con tự học tiếng Anh tại nhà, đó là chị Nguyễn Hiền Quý.

Chị từng rất sợ biểu diễn ở đám đông nhưng sẵn sàng làm gương cho con bằng cách thể hiện một bài nhảy trước 200 người trong một đám cưới.

Xây dựng sự tự tin của con
 Mình còn chưa tự tin thì con làm sao tự tin được?

6. Yêu cầu con cho lời khuyên hoặc xin ý kiến ​​của con về một vấn đề.

Nhờ con cho lời khuyên về các tình huống phù hợp với lứa tuổi là một hành động thể hiện sự coi trọng sâu sắc của bố mẹ đối với quan điểm và ý tưởng của con.

Điều này sẽ giúp con xây dựng sự tự tin bằng cách chứng minh rằng đôi khi ngay cả người lớn cũng cần sự giúp đỡ và yêu cầu được giúp đỡ. Bên cạnh đó, khi phải suy nghĩ để tìm giải pháp cho vấn đề, bố mẹ đã và đang cho con cơ hội để suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề, nhờ vậy mà khả năng tư duy, phản biện và sự đồng cảm của con cũng tăng lên đáng kể.

7. Dành những lời tích cực về sở thích của con.

“Thôi ngay mấy trò nhảm nhí của con đi”.

Sẽ chẳng ai muốn sở thích, thú vui của mình bị xem nhẹ hay tệ hơn là coi thường. Điều gì sẽ xảy ra khi bố mẹ dành những lời nói tiêu cực về sở thích của con?

Có thể con sẽ từ bỏ sở thích của mình để trở thành kiểu người mà bố mẹ muốn, cũng có thể con sẽ giữ khoảng cách với bố mẹ, thu mình vào góc riêng tư và giấu giếm làm những điều mình thích. Dù là trường hợp nào thì mối quan hệ của bố mẹ và con cũng bị ảnh hưởng đáng kể và sâu trong tâm trí, con sẽ thiếu tự tin khi làm những việc mình thích trước mặt bố mẹ.

Vậy thì bố mẹ, dù thế nào đi nữa, xin hãy tôn trọng sở thích của con và tốt hơn nữa là hãy đánh giá cao chúng.

Ngay hôm nay, bố mẹ hãy thể hiện sự quan tâm đến sở thích của con bằng những câu nói:

  • Trận bóng hôm nay của con thế nào?
  • Mẹ thấy con rất thích xem các chương trình về động vật. Con nghĩ sao về cuốn sách về khủng long này?
  • Lúc nãy mẹ thấy con gấp một chiếc thuyền rất đẹp. Lát nữa ăn cơm xong, con có thể dạy mẹ gấp được không?

Tình yêu thương và sự chấp nhận là thành phần quan trọng của sự tự tin và giá trị bản thân.

Đừng cho rằng sự tự tin của con là bẩm sinh, cũng đừng bao giờ so sánh con mình với con người ta chỉ vì thấy con mình thiếu tự tin hơn. Bố mẹ nên nhớ rằng con tự tin hay không còn do bàn tay nhào nặn của chính bố mẹ nữa.

Vì vậy, hãy cẩn trọng và tinh tế trong từng lời nói của mình khi giao tiếp với con, bố mẹ nhé.

*Bài viết có sử dụng nguồn ảnh minh họa từ Google.

Xem Thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung đã được bảo vệ !!
0888.01.6688